Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương Phạm Ngọc Đính cảnh báo dịch viêm não mô cầu có thể xảy ra trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới nếu không có sự đề phòng. Hiện ở các bệnh viện có rất nhiều người mắc bệnh này.
Theo tiến sĩ Phạm Ngọc Đính, ngoài việc cảnh giác với dịch cúm A, trong dịp Tết này, người dân còn phải để tâm đến những bệnh khác có nguy cơ gây dịch, đặc biệt là viêm não mô cầu, căn bệnh đang phát triển khá mạnh gần đây. Tại Bệnh viện Nhi Trung ương hiện mỗi tuần có khoảng 25-30 bệnh nhân não mô cầu khá nặng đến điều trị. Viện Y học lâm sàng các bệnh nhiệt đới (Bệnh viện Bạch Mai) cũng đã tiếp nhận vài chục người mắc bệnh này.
Ông Đính cho biết, não mô cầu là bệnh rất nguy hiểm, thường phát triển mạnh trong mùa đông xuân. Virus gây bệnh não mô cầu nằm trong họng người khoẻ mạnh và chờ “thời cơ” để phát bệnh. Khi đó, nó ảnh hưởng xấu đến hệ thần kinh, thậm chí viêm màng não và nhiễm trùng huyết, khiến bệnh nhân tử vong rất nhanh nếu không được cấp cứu kịp thời. Đặc biệt, nó có khả năng lây truyền rất nhanh qua đường hô hấp. Nếu phát hiện một người mắc não mô cầu, có thể 100 người sống xung quanh cũng đã mang mầm bệnh trong cơ thể.
Não mô cầu phát triển nhanh trong môi trường và điều kiện sống đông đúc chật hẹp; hay mắc nhất là trẻ em, vị thành niên. Bệnh thường xảy ra cấp tính với các biểu hiện: Sốt cao, đau đầu dữ dội (trẻ nhỏ thường không có dấu hiệu đau đầu); buồn nôn, nôn; cổ cứng làm cho bệnh nhân khó quay gập cổ; táo bón (ở trẻ lớn hoặc người lớn), tiêu chảy (ở trẻ nhỏ). Dấu hiệu rất đặc trưng của bệnh là ban xuất huyết hoại tử trên da, bệnh nhân lơ mơ, li bì hoặc hôn mê. Sốc và trụy tim mạch có thể xảy ra trong những ngày đầu do một khối lượng lớn vi khuẩn xâm nhập vào máu. Lúc đó, bệnh nhân rất dễ tử vong.
Để phòng não mô cầu, cần tránh tiếp xúc với người bệnh khi không thật cần thiết. Nên tiêm văcxin phòng não mô cầu cho trẻ em và những người nằm trong vùng có dịch. Những người bắt buộc phải tiếp xúc với bệnh nhân cần uống thuốc Rifampicin để dự phòng theo hướng dẫn của bác sĩ.
H.H.
▪ Thuốc xịt ngừa thai (10/07/2005)
▪ Cơn khóc co thắt ruột ở trẻ sơ sinh (09/07/2005)
▪ Ăn để tránh stress (09/07/2005)
▪ Kháng sinh có chữa được viêm xoang? (09/07/2005)
▪ Cây trúc đào (09/07/2005)
▪ Ho và khó thở (10/07/2005)
▪ Những yếu tố ảnh hưởng đến tinh trùng (10/07/2005)
▪ TP HCM chủ động phòng chống dịch cúm gia cầm (09/07/2005)
▪ Chứng gầy bệnh lý (09/07/2005)
▪ Một số bệnh lý đặc thù của nam giới (09/07/2005)