Dị ứng thực phẩm ở trẻ nhỏ
Các Website khác - 21/07/2005
Bơ và pho mát là các thực phẩm
kiêng kỵ đối với người bị dị ứng
với protein sữa.
Hơn 50% trường hợp dị ứng thực phẩm thuộc về trẻ nhỏ dưới 6 tuổi. Trứng, sữa, hoa quả bất kỳ một thực phẩm nào cũng có thể gây dị ứng, tất cả phụ thuộc vào mỗi cá nhân. Nguyên nhân của dị ứng rất khó nhận biết. Vì vậy nên xử trí như thế nào nếu trẻ nhỏ có biểu hiện bị dị ứng?
Dị ứng là một phản ứng bất bình thường của hệ miễn dịch khi phát hiện một chất nguy hiểm trong một loại thực phẩm hoàn toàn vô hại. Vì vậy, cơ thể tiết ra những kháng thể, sau đó, tất cả diễn ra giống như khi cơ thể phát hiện ra một chất độc. Có rất nhiều mức độ dị ứng, và cũng thật may là những trường hợp dị ứng trầm trọng rất hiếm khi xảy ra, tuy nhiên, phần lớn gây thiệt thòi cho người bệnh bởi họ không thể ăn uống giống như người bình thường.

Nguyên nhân

Nguyên nhân của nhiều ca dị ứng rất khó phát hiện. Tuy nhiên, các bác sĩ đều thống nhất rằng: Sự thay đổi thực phẩm sớm ở trẻ nhỏ có thể gây ra dị ứng bởi cơ thể của trẻ không sẵn sàng đồng hóa mọi loại thức ăn. Sữa có thể là thức ăn chính cho trẻ cho đến bốn tháng tuổi. Một đứa trẻ được nuôi bằng sữa mẹ thường ít bị dị ứng hơn trẻ nuôi bằng sữa bổ sung.

Nguồn thực phẩm sử dụng hiện nay ngày càng có nguồn gốc công nghiệp, và các thành phần của món ăn chế biến sẵn phức tạp hơn là một món ăn chuẩn bị tại nhà. Ví dụ, một món nghiền công nghiệp có chứa dầu thực vật, các chất bảo quản, các chất phụ gia v.v... (trong khi đó một món nghiền ở nhà chỉ có chứa khoai tây, muối, thịt...). Cơ thể của một đứa trẻ không sẵn sàng tiếp nhận một loại thức ăn "phức tạp" đến như vậy.

Triệu chứng, cách xử lý

Những thương tổn nhỏ trên da (mảng đỏ trên mặt hay trên người), ngứa ngáy kết hợp với ỉa chảy hoặc táo bón. Tất cả đều là dị ứng nhẹ nếu các triệu chứng xuất hiện hơn 24 giờ sau khi tiêu hóa bữa ăn. Trường hợp các triệu chứng trên da xuất hiện ngay sau bữa ăn là dị ứng nặng, cần nhanh chóng cho trẻ đi khám. Nặng hơn cả là hiện tượng tim ngừng đập. Vì vậy nên chú ý đến những phản ứng nhẹ nhất đầu tiên xuất hiện ở trẻ, và nhanh chóng cho trẻ đi khám, bạn sẽ tránh được phần lớn các ca dị ứng nặng hơn. Ghi chép thành phần các bữa ăn của trẻ, điều đó sẽ giúp bác sĩ tìm ra tác nhân gây dị ứng.

Loại bỏ chất gây dị ứng ra khỏi thực phẩm dành cho trẻ. Phần lớn các lần dị ứng sẽ mất dần khi trẻ lớn lên, nhưng với điều kiện là không tiếp tục cho trẻ ăn nguồn thực phẩm gây dị ứng, nếu không dị ứng có nguy cơ trầm trọng thêm.

Cẩn thận với thực phẩm làm thức ăn cho bé

Nếu trẻ dị ứng với đậu nành hay lạc thì hãy nhớ rằng đó cũng chính là các loại dầu ăn được sử dụng nhiều nhất trong các thực phẩm chế biến sẵn. Bột ăn liền cũng có thành phần là khoai tây. Sữa lên men cũng không được khuyên dùng cho trẻ bị dị ứng với sữa. Ngoài ra, nếu trẻ đã từng bị dị ứng thực phẩm thì hoàn toàn không nên cho trẻ ăn các loại thực phẩm ăn liền vì chúng chứa rất nhiều chất bảo quản, chất bổ sung.

Một số loại thực phẩm tưởng chừng không liên quan đến nhau lại có chứa cùng những chất gây dị ứng. Thí dụ, nếu trẻ bị dị ứng với cà chua thì hãy dè chừng khoai tây, với lạc thì dè chừng đậu nành, đậu Hà Lan, đậu lăng, đậu tằm, với hành tây thì dè chừng tỏi, với quả anh đào thì dè chừng táo, lê, mận, với cà rốt thì dè chừng cần tây, thìa là, mùi tây.

Một số loại thực phẩm thường gây dị ứng nhất: lòng trắng trứng, lạc, sữa bò, cá.

Theo Người đẹp Việt Nam