Người mắc bệnh lé chiếm 3% dân số nhưng nhiều bậc cha mẹ chỉ biết rằng lé làm ảnh hưởng tới thẩm mỹ của khuôn mặt chứ không có hại cho mắt, nên không quan tâm tương xứng. Thậm chí có trường hợp mẹ là bác sĩ chuyên khoa mắt vậy mà chỉ biết con mình bị lé nhờ lúc đi khám tổng quát.
Một hiểu lầm tai hại nữa là cho rằng trẻ còn bé quá không khám được, hoặc cho là “lé duyên”, không cần khám.
Trước đây, theo một nghiên cứu của phòng khám lé Bệnh viện Mắt TP Hồ Chí Minh, chỉ có 14,8% trẻ em lé bẩm sinh được cha mẹ đưa đến khám dưới 2 tuổi. Mới đây, thống kê trong luận văn cao học của thạc sĩ Huỳnh Thị Thu Ba năm 2005, cho thấy chỉ 29% trong số 87 trẻ bị lé bẩm sinh được cha mẹ đưa đến khám trước 2 tuổi. Trong khi ở các nước phát triển, tỉ lệ bệnh lé chiếm đa số tại các khoa mắt nhi. Trẻ em được khám và điều trị mắt rất sớm từ lúc 1 tuổi nên không để lại hậu quả. Còn ở Việt Nam chỉ mới vài thành phố lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng... có chuyên khoa lé.
Bác sĩ Nguyễn Thị Xuân Hồng, phòng khám lé Bệnh viện Mắt TP Hồ Chí Minh, cho biết nhiều trẻ bị tật khúc xạ (cận thị, viễn thị, loạn thị) nhưng cha mẹ không biết. Đến lúc mắt trẻ xuất hiện triệu chứng lé cũng chưa đi khám, có khi để lâu tới 4-5 năm. Trong khi nếu được phát hiện sớm, đeo kính điều chỉnh, thị lực có thể dần dần tăng lên. Nhưng nếu để quá lâu, nhất là ở mắt viễn thị, sẽ có nguy cơ không thể phục hồi thị lực.
Điều trị bệnh lé không chỉ là làm hết lé mà còn phải phục hồi được chức năng của mắt. Sự điều trị đòi hỏi cả một sự kiên trì, phối hợp chặt chẽ giữa bác sĩ chuyên khoa và gia đình của trẻ. Vì thế những năm gần đây, phòng khám lé quan tâm đến cả nghề nghiệp của cha mẹ trẻ, vì điều này có ảnh hưởng tới chất lượng điều trị.
Bác sĩ chữa bệnh lé có hai nỗi khổ: Nếu gia đình trẻ nghèo, con nheo nhóc, không có thời gian chăm sóc con thì trẻ sẽ không quan tâm để tập luyện cho tốt. Thế nhưng gia đình giàu có, cha mẹ, ông bà quá quan tâm thì trẻ cũng chẳng tập luyện tốt vì đã quen được cưng chiều, không quen chịu đựng, còn người nhà lại không kiên quyết.
|