![]() |
Hiện những đàn thủy cầm như thế này không còn ở TP HCM. |
Thành phố đang nhập các phương tiện để phòng ngừa và đối phó nếu dịch cúm A xảy ra trên diện rộng. Công việc được triển khai sau khi có một ca tử vong do H5N1 ở BV Chợ Rẫy. Tại Miền Bắc cũng mới phát hiện thêm một người mắc bệnh này.
Ông Lê Trường Giang, Phó giám đốc Sở Y tế TP HCM, cho biết, bệnh nhân tử vong tại bệnh viện Chợ Rẫy ngày 27/7 đã được Viện Pasteur chuẩn đoán là do nhiễm H5N1. Hiện Bộ Y tế chưa có kết luận chính thức trường hợp trên có phải chết do cúm A hay không. Theo quy định thì chỉ Bộ mới có quyền công bố chính thức sau khi đã thẩm định kết quả xét nghiệm ban đầu. Tuy nhiên, với phương châm "phòng ngừa thừa còn hơn bỏ sót", Sở Y tế TP HCM đã lấy máu xét nghiệm tất cả người thân của bệnh nhân và cho uống Taminflu.
Theo ông Giang, dịch cúm được chia làm ba cấp độ khác nhau là nhỏ, vừa và lớn. Nhỏ là dịch xảy ra với vài chục người nhiễm bệnh một lúc. Vừa khoảng vài trăm người. Còn lớn khoảng vài nghìn người. Uỷ ban phòng chống dịch cúm gia cầm TP HCM đã có đủ điều kiện để đối phó nếu dịch cúm A xảy ra trên người với quy mô vừa.
Để công tác phòng chống cúm gia cầm đạt kết quả tốt, ông Giang cho biết UBND thành phố đã ra quyết định: Đến ngày 1/10 tất cả hộ chăn nuôi gia cầm phải giải quyết tất cả đàn gia cầm của mình để tổng vệ sinh chuồng trại. Chỉ những trại chăn nuôi con giống được giữ lại nhưng những trại này sẽ được bao phủ hoàn toàn, gia cầm trong trại sẽ ở tình trạng "nội bất xuất, ngoại bất nhập".
Thời gian để người dân có thể trở lại chăn nuôi gia cầm sớm nhất là tháng 2/2006. Tuy nhiên nếu tình hình dịch cúm diễn ra phức tạp thì lệnh cấm có thể được kéo dài hơn để bảo đảm an toàn. Người dân nào tự ý nuôi gia cầm trong thời gian cấm nuôi nếu xảy ra dịch sẽ không được đền bù. Toàn bộ số gia cầm trong chuồng trại sẽ bị tịch thu và thiêu hủy nếu có dịch bệnh xảy ra.
Tuy nhiên, ông Giang cho rằng với diễn biến như hiện nay thì không có khả năng diễn ra dịch lớn.
Trong khi đó ở miền Bắc, Viện Y học lâm sàng các bệnh nhiệt đới mới tiếp nhận một nữ bệnh nhân nhiễm virus cúm gia cầm H5N1. Đó là bà Nguyễn Thị Thêm, 49 tuổi, sống ở Quốc Oai, Hà Tây. Bà Thêm có triệu chứng sốt, đau ngực, ho nhiều từ ngày 22/7, được người nhà đưa vào bệnh viện huyện Quốc Oai. Qua 3 ngày điều trị, do bệnh tình không thuyên giảm nên bà được chuyển đến Viện Y học lâm sàng các bệnh nhiệt đới và mới phát hiện nhiễm cúm A. Hiện bà Thêm đã hết sốt nhưng vẫn phải thở máy.
Trước khi bà Thêm phát bệnh, gia đình có ăn thịt gà mua ở chợ làng. Hiện khu vực bệnh nhân sinh sống đã được khoanh vùng, phun hóa chất và tẩy uế. Cơ quan y tế cũng đang giám sát chặt chẽ những người trong gia đình hoặc từng tiếp xúc với người bệnh. Bà Thêm là bệnh nhân H5N1 thứ 4 của Hà Tây tính từ đầu năm đến nay
Mỹ Lan - Thanh Nhàn
▪ Thuốc xịt ngừa thai (10/07/2005)
▪ Cơn khóc co thắt ruột ở trẻ sơ sinh (09/07/2005)
▪ Ăn để tránh stress (09/07/2005)
▪ Kháng sinh có chữa được viêm xoang? (09/07/2005)
▪ Cây trúc đào (09/07/2005)
▪ Ho và khó thở (10/07/2005)
▪ Những yếu tố ảnh hưởng đến tinh trùng (10/07/2005)
▪ TP HCM chủ động phòng chống dịch cúm gia cầm (09/07/2005)
▪ Chứng gầy bệnh lý (09/07/2005)
▪ Một số bệnh lý đặc thù của nam giới (09/07/2005)