Các loại thuốc cổ điển rẻ hơn rất nhiều so với thuốc mới. Nếu nắm được tác dụng của nó, loại thuốc này sẽ là lựa chọn có ích cho những người chưa được "xông xênh" về bạc tiền.
Các loại thuốc mới - những sản phẩm ra đời từ sự rút kinh nghiệm - thường có nhiều ưu điểm so với thuốc cổ điển nhưng... lại đắt tiền, đôi khi vượt quá khả năng chi trả của người nghèo. Các thuốc cổ điển tuy không theo kịp thuốc mới ở một số khía cạnh nhưng cũng có 2 ưu điểm là: người tiêu dùng đã biết rõ ưu khuyết điểm của nó, giá không đắt, thích hợp với đa số người dân. Những thuốc cổ điển còn được phép lưu hành vẫn có nhiều cơ hội được sử dụng và mang lợi ích kinh tế cho người bệnh.
Xin đơn cử một loại thuốc có cách dùng rất đơn giản và đã được dùng từ rất lâu là natri bicarbonat, công thức hóa học NaHCO3. Ở đây không bàn đến natri bicarbonat dùng ở dạng dung dịch tiêm truyền tĩnh mạch (thường gọi là dich truyền) để điều chỉnh kiềm toan trong máu người bệnh mà chỉ đề cập đến natri bicarbonat dạng bột gói, khi dùng sẽ hòa tan vào nước cho dung dịch có vị mặn.
Trước năm 1975, khi bước vào các hiệu thuốc ở miền Nam, người dân thường hay hỏi mua gói thuốc “tiêu mặn” để uống cho hết khó tiêu-đầy bụng. Đó chính là gói natri bicarbonat, có tính kiềm. Khi uống vào dạ dày, thuốc này sẽ trung hòa acid dịch vị, giúp trị chứng khó tiêu do thừa (tức có sự tăng tiết) acid trong dạ dày. Ngoài ra, nhờ có tính kiềm, natri bicarbonat thường được dùng pha dung dịch để bơm rửa âm hộ cho phụ nữ bị huyết trắng do nấm Candida albicans.
Hiện nay, gói natri bicarbonat vẫn được sản xuất và bày bán trong các nhà thuốc với giá rẻ, hợp với túi tiền của phần đông người dân, nhưng 2 tác dụng điều trị vừa kể lại ít được khai thác. Thậm chí một số nhà chuyên môn còn bài bác, cho là nó không có tác dụng hoặc có hại. Sự thật là thế nào?
Từ lâu, natri bicarbonat không còn được dùng làm thuốc kháng acid trị viêm loét dạ dày-tá tràng do có thể bị hấp thu vào máu, gây quá tải natri. Nhưng vai trò trung hòa acid dịch vị nhằm cải thiện tình trạng khó tiêu, ợ chua vẫn được ghi nhận. Trong điều trị huyết trắng do nhiễm nấm candida, dung dịch natri bicarbonat có thể được dùng bơm rửa âm đạo, trung hòa môi trường có tính acid quá cao mà nấm đang sinh tồn. Bình thường, môi trường âm hộ hơi có tính acid với độ pH trong khoảng 4-4,5 và là điều kiện sống của các vi khuẩn có ích. Khi môi trường này không còn quá acid thì nấm candida sẽ chết.
Hiện có nhiều dược phẩm trị chứng khó tiêu đắt tiền chứa natri bicarbonat, vậy tại sao không dùng chính thuốc cổ điển này, vừa hiệu quả vừa hợp túi tiền? Với phụ nữ bị huyết trắng do nấm candida, chẳng có lý do gì từ chối natri bicarbonat để dùng thuốc kháng nấm đắt tiền, khiến bệnh nhân nghèo phải bỏ điều trị. Ngay ở Pháp, dù người dân đủ khả năng sử dụng thuốc hiện đại nhưng các trường chuyên ngành vẫn đang giảng dạy sinh viên y khoa dùng natri bicarbonat để trị nấm candida âm hộ. Dĩ nhiên, như với những thuốc khác, bệnh nhân cần được hướng dẫn cách sử dụng.
Với những người dùng natri bicarbonat để trị chứng khó tiêu, ợ chua, cần lưu ý chỉ dùng thuốc tạm trong thời gian ngắn để, đồng thời phải điều chỉnh việc ăn uống, sinh hoạt. Nếu sau một thời gian dùng thuốc mà tình trạng bệnh không cải thiện thì nên đi khám.
(Theo Sức Khỏe & Đời Sống)-
▪ Thuốc xịt ngừa thai (10/07/2005)
▪ Cơn khóc co thắt ruột ở trẻ sơ sinh (09/07/2005)
▪ Ăn để tránh stress (09/07/2005)
▪ Kháng sinh có chữa được viêm xoang? (09/07/2005)
▪ Cây trúc đào (09/07/2005)
▪ Ho và khó thở (10/07/2005)
▪ Những yếu tố ảnh hưởng đến tinh trùng (10/07/2005)
▪ TP HCM chủ động phòng chống dịch cúm gia cầm (09/07/2005)
▪ Chứng gầy bệnh lý (09/07/2005)
▪ Một số bệnh lý đặc thù của nam giới (09/07/2005)