"Với khả năng phản ứng nhanh và thực hiện đúng các quy trình chống dịch cúm ở người như trong buổi tập này, có thể tin rằng chúng ta sẽ đối phó kịp thời khi đại dịch xảy ra" - Thứ trưởng Bộ Y tế Lê Ngọc Trọng nói sau cuộc diễn tập sáng nay tại quận Long Biên, thành phố Hà Nội.
Cuộc diễn tập được triển khai tại trường tiểu học Việt Hưng, cụm dân cư số 33 phường Việt Hưng và bệnh viện Đa khoa Đức Giang. Có gần 1.000 người tham gia. Tất cả các phương tiện hiện đại cần cho phòng chống dịch đều được huy động như xe đặc chủng khử khuẩn của quân đội (từng dùng tiệt trùng bệnh viện Việt Pháp trong dịch SARS), phòng xét nghiệm lưu động, máy thở, máy hút dịch...
Tình huống giả định là dịch cúm xuất hiện tại cụm 33 phường Việt Hưng, sau 5 ngày đã có tới 60 người mắc. Xét nghiệm tại viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương khẳng định có sự xuất hiện một chủng virus cúm A mới độc lực cao và lây lan từ người sang người. Y tế địa phương đã bước đầu khoanh vùng, khử khuẩn và cách ly bệnh nhân tại nhà. Ban chỉ đạo phòng chống cúm thành phố họp khẩn cấp và quyết định chuyển sang chế độ khẩn cấp, yêu cầu triển khai bệnh viện dã chiến tại địa phương có dịch và chuyển bệnh viện đa khoa Bắc Giang thành bệnh viện truyền nhiễm tập trung điều trị bệnh nhân cúm. Sau đó, Sở Y tế và ban Quân dân y Hà Nội họp triển khai. Các cuộc họp này chính là một trong 4 nội dung diễn tập: chỉ đạo, hướng dẫn phòng chống cúm.
![]() |
Khám cho bệnh nhân tại cụm dân cư. |
Ba đội cơ động phòng chống dịch lập tức được điều đến ổ dịch, chia thành từng nhóm, đồng thời xử lý ở các hộ gia đình khác nhau. Trong khi bác sĩ khám và lấy bệnh phẩm, một nhân viên y tế dự phòng phát tài liệu, thuốc nhỏ mũi, súc miệng và bột Chloramin B cho người nhà, hướng dẫn và trực tiếp khử khuẩn cho bể nước. Những người khác phun thuốc toàn bộ bề mặt nhà, vườn, bàn ghế giường tủ, làm sạch toàn bộ bát đĩa, đồ dùng bằng dung dịch Chloramin. Sau đó, những người có triệu chứng cúm được chuyển đến bệnh viện dã chiến, mẫu bệnh phẩm cũng lập tức được đưa đến viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương xét nghiệm. Tất cả những người tham gia đều mặc quần áo bảo hộ, đeo khẩu trang, kính, găng tay, ủng. Trước khi rời ổ dịch, họ phải cởi bỏ trang phục bảo hộ cho vào thùng kín để tiêu hủy, rửa tay bằng cồn và giẫm chân vào chậu Chloramin B. Các xe vận chuyển bệnh phẩm, bệnh nhân và nhân viên y tế cũng được phun thuốc trước và sau khi di chuyển.
Bệnh viện dã chiến được thành lập ngay tại trường Tiểu học Việt Hưng, với lực lượng chủ yếu từ bệnh viện Xanh Pôn và lực lượng quân y. Khi nhận lệnh, họ nhanh chóng buộc băng đỏ đánh dấu khu vực cách ly đồng thời chuẩn bị ngay khu cách ly, điều trị. Bệnh viện da chiến gồm 100 giường với 150 nhân viên, có phòng tiếp đón phân loại bệnh nhân, chụp X-quang, phòng hồi sức cấp cứu, xét nghiệm, khu xử lý tiệt khuẩn, khoa dược và 3 phòng điều trị (2 cho bệnh nhân cúm và 1 cho người nghi nhiễm). Sau khi khám phân loại, những bệnh nhân nặng được chuyển lên tuyến trên điều trị.
Bệnh viện Đa khoa Đức Giang được chọn làm nơi tập trung điều trị bệnh nhân cúm của Hà Nội trong trường hợp đại dịch xảy ra nhằm hạn chế việc chuyển bệnh nhân vào nội thành, vốn là nơi đông người, nhiều cơ quan làm việc. Số giường bệnh có thể lên đến 200. Trong buổi diễn tập, các xe cấp cứu chở bệnh nhân nặng liên tiếp được chuyển đến. Trước khi đưa vào khoa điều trị tích cực, người bệnh được đo độ bão hòa ôxy để đánh giá tình trạng hô hấp.
![]() |
Lập bệnh viện dã chiến. |
Kết thúc buổi diễn tập, giáo sư Lê Ngọc Trọng, Thứ trưởng Bộ Y tế hồ hởi nói với VnExpress: "Cuộc diễn tập đã được thực hiện rất tốt. Các hoạt động từ tiếp cận, xử lý ổ dịch đến triển khai bệnh viện dã chiến và vận chuyển, cấp cứu, điều trị bệnh nhân từ tuyến cơ sở lên tuyến trên đều được thực hiện khẩn trương và đúng quy trình. Một lực lượng tổng hợp đã được huy động và phối hợp ăn ý. Mọi người đều có ý thức coi đây là một tình huống có thật. Với khả năng phản ứng nhanh và chính xác như vậy, tôi tin rằng nếu có dại dịch, chúng ta sẽ đối phó rất tốt. Tuy nhiên, hy vọng là đại dịch sẽ không xảy ra".
Thứ trưởng Trọng cũng cho biết, cuộc diễn tập hôm nay tại Hà Nội được coi là một mô hình mẫu để phổ biến cho các địa phương khác (lãnh đạo chính quyền và các sở ban ngành của nhiều tỉnh đã có mặt để tham khảo kinh nghiệm). Bà Nguyễn Thị Kim Tiến, Viện trưởng viện Pasteur TP HCM cho biết, dựa trên cuộc diễn tập này, TP HCM cũng sẽ xây dựng phương án riêng cho mình và huy động các ban ngành, đoàn thể vào cuộc. Theo bà Tiến, so với Hà Nội, TP HCM có thể thuận lợi hơn do có rất nhiều bệnh viện lớn đóng trên địa bàn, cơ sở vật chất hiện đại. Dự kiến địa phương này sẽ diễn tập vào ngày 17/12.
Thanh Nhàn
Ảnh: Anh Tuấn
▪ Thuốc xịt ngừa thai (10/07/2005)
▪ Cơn khóc co thắt ruột ở trẻ sơ sinh (09/07/2005)
▪ Ăn để tránh stress (09/07/2005)
▪ Kháng sinh có chữa được viêm xoang? (09/07/2005)
▪ Cây trúc đào (09/07/2005)
▪ Ho và khó thở (10/07/2005)
▪ Những yếu tố ảnh hưởng đến tinh trùng (10/07/2005)
▪ TP HCM chủ động phòng chống dịch cúm gia cầm (09/07/2005)
▪ Chứng gầy bệnh lý (09/07/2005)
▪ Một số bệnh lý đặc thù của nam giới (09/07/2005)