Những ngày vừa qua, giá một số mặt hàng thực phẩm tươi sống trên thị trường Hà Nội đã tăng đột biến. Nguyên nhân chính là do ảnh hưởng dịch cúm gia cầm, một số mặt hàng bị mất cân đối giữa "cung" và "cầu".
Do ảnh hưởng dịch cúm gia cầm, từ hai tuần nay, thịt gia cầm, thủy cầm và các loại trứng bị loại ra khỏi thực đơn của các bà nội trợ, thay vào đó là thịt bò, thịt lợn, hải sản, đậu phụ và các loại rau, củ, quả. Chị Hồng Bắc, nhà ở đường Hoàng Quốc Việt, cho biết: "Không có thịt gia cầm, các món ăn cũng có vẻ đơn điệu hơn trước. Loanh quanh mấy món từ thịt bò, thịt lợn mãi cũng chán, để bảo đảm dinh dưỡng, gia đình tôi chuyển sang ăn cá nhiều hơn". Vào những ngày nghỉ cuối tuần, nhiều gia đình làm bún chả hoặc bánh mì bít tết để cải thiện thay cho món phở gà, bún ngan như trước đây.
Thời điểm này đang là mùa cưới. Không có gia cầm, nguyên liệu chính để chế biến những món chủ lực trong mâm cỗ cưới, thực đơn cỗ cưới phải điều chỉnh 50% số món ăn. Ở khách sạn Hồ Gươm, các món ăn truyền thống trong cỗ cưới như súp gà, gà luộc, chim bồ câu quay, canh ngan ninh măng... được thay thế bằng các món như súp lươn, tràng lợn luộc, tôm nướng, thỏ nấu ca-ri, thịt bò kiểu Thái-lan...
Các món ăn khác có nguyên liệu từ trứng cũng bị các khách hàng từ chối. Chị Hà, nhân viên Nhà hàng Hòa Bình Ma-ri-a, cho biết: món nem và món tráng miệng kem ca-ra-men trước đây được nhiều khách đặt vì ngon miệng và dễ ăn, đến nay hầu như không có ai đặt nữa, mặc dù nhà hàng đã gia giảm thêm một số nguyên liệu khác để bảo đảm chất lượng.
Theo số liệu của Sở Thương mại Hà Nội, bình quân mỗi ngày người dân Hà Nội tiêu thụ khoảng 280 tấn thịt các loại, trong đó thịt gia cầm là 62 tấn, chiếm 22%, còn lại là thịt lợn, thịt bò và các loại thủy hải sản. Việc tạm ngừng tiêu thụ các loại gia cầm trong thời điểm hiện nay đã làm cho nhu cầu tiêu thụ các thực phẩm khác tăng đột biến, dẫn đến mất cân đối giữa "cung" và "cầu", khiến cho giá các loại thực phẩm thay thế tăng vọt.
Khảo sát tại một số chợ trên địa bàn Hà Nội cho thấy, giá thịt lợn tăng bình quân từ 5 đến 7 nghìn đồng/kg. Thịt nạc thăn trước đây là 50 nghìn đồng/kg, nay tăng lên 55 nghìn đồng/kg, thịt nạc vai từ 40 nghìn đồng/kg tăng đến 45 nghìn đồng/kg. Sườn thăn tăng từ 3 đến 5 nghìn đồng/kg, lên tới 35 nghìn đồng/kg. Thịt bò thăn tuy giữ giá cao ngất ngưởng 90 - 95 nghìn đồng/kg, tăng 10 nghìn đồng/kg so với thời điểm cách đây một tháng, nhưng hàng có bao nhiêu vẫn bán hết bấy nhiêu. Thịt thỏ trước đây chẳng mấy người mua, giá chỉ có 40 - 50 nghìn đồng/kg, từ khi có dịch cúm gia cầm trở nên khan hiếm và đắt giá, lên đến 100 nghìn đồng/kg.
Các loại thủy hải sản cũng tăng giá và đắt hàng không kém. Giá mỗi kg cá chép ở chợ Hàng Bè đã lên tới 35 nghìn đồng, cá trắm có giá 28 nghìn đồng/kg, lươn 80 nghìn đồng/kg, tăng khoảng 20% so với trước. Chị Tú Anh, bán hàng hải sản ở chợ Châu Long, cho biết: "Tôm sú loại 30 con/kg mọi khi vẫn bán 150 nghìn đồng/kg nay tăng lên đến 200 nghìn đồng/kg, nhưng đến buổi chiều cả chợ chẳng còn con nào, vì các nhà hàng đã lấy hết để làm cỗ cưới".
Giá các mặt hàng thực phẩm chế biến từ thịt lợn, thịt bò cũng nằm trong xu thế "leo thang". Trưa 20-11, tại quầy thức ăn chín Vinh Thủy trong chợ Hàng Bè, khách mua tới tấp. Vợ chồng chị Thủy và cô con gái vừa cuốn vừa rán hơn 100 cái nem. Tuy giá mỗi kg thịt lợn vai tăng 5.000 đồng, nhưng giá mỗi chiếc nem đã tăng từ 1.500 đồng lên đến 2.000 đồng/chiếc. Một số hàng phở bò có tiếng như phở bò Lý Sáng, phở Thìn bắt đầu niêm yết bảng giá mới, từ 10 đến 15 nghìn đồng/bát thay cho giá cũ từ 8 đến 12 nghìn đồng/bát. Tại nhà hàng Lẩu bò Sài Gòn số 5 phố Lê Phụng Hiểu, giá mỗi nồi lẩu gầu tăng từ 70 nghìn đồng lên đến 100 nghìn đồng. Một số nhà hàng khác tuy không tăng giá nhưng số lượng làm ít đi.
Giá các loại thực phẩm thay thế thịt gia cầm tăng kéo theo nhiều mặt hàng khác cũng tăng giá, gây không ít khó khăn cho cuộc sống người dân, nhất là những người làm công ăn lương, cán bộ hưu trí thu nhập thấp.
Mặc dù đang là mùa thu hoạch rau, nhưng giá các loại rau khá đắt. Cà chua 12 nghìn đồng/kg, cải bó xôi 10 nghìn đồng/kg, su hào 2 nghìn đồng/củ, đậu cô ve 10 nghìn đồng/kg, súp lơ xanh 25 nghìn đồng/kg, nấm rơm 40 nghìn đồng/kg, rau cần 5 nghìn đồng/mớ... Giá các loại rau khác như rau muống, cải cúc, cải xoong cũng đắt hơn trước. Bà Thanh, bán rau ở phố Phúc Xá, cho biết: "Tôi cũng muốn bán rẻ cho khách dễ mua, nhưng giá mua buôn đã cao nên giá bán lẻ phải cao". Bà Thi, một cán bộ hưu trí ở khu tập thể Kim Liên, cho biết: "Gia đình tôi có bốn người, trước đây, mỗi ngày chỉ mua hết 5 nghìn đồng tiền rau, bây giờ hết 8 - 10 nghìn đồng. Hôm nào nhà có việc, làm thêm mấy đĩa rau xào, tiền rau đắt ngang với tiền thịt!".
Chỉ còn hai tháng nữa là đến Tết Nguyên đán, nhu cầu các loại thực phẩm tiếp tục tăng. Thành phố Hà Nội cần chỉ đạo các doanh nghiệp thương nghiệp, các trung tâm thương mại có ngay kế hoạch chuẩn bị các nguồn hàng, tránh để xảy ra tình trạng khan hiếm hàng dẫn đến sốt giá.
KIỀU HƯƠNG
|