Hay chảy máu răng
Các Website khác - 03/08/2005

"Cháu 21 tuổi, rất hay bị chảy máu răng, nhất là khi đánh răng. Lợi cũng bị sưng, đỏ và có cảm giác đau. Hơi thở của cháu còn có mùi hôi. Xin hỏi bác sĩ cháu có bị bệnh gì không? Có cách nào chữa khỏi không?".

Trả lời:

Cháu bị mắc bệnh viêm quanh răng ở người trẻ tuổi. Bệnh này cho đến nay vẫn chưa xác định được chính xác nguyên nhân trực tiếp. Những người bị viêm quanh răng đều có nhiều cao răng và mảng bám răng. Đây chính là điều kiện lý tưởng để vi khuẩn có sẵn trong miệng sinh sôi nảy nở gây nên viêm lợi. Qua quá trình lâu dài, độc tố của vi khuẩn sẽ làm viêm lợi, gây phản ứng miễn dịch phá hủy dần tổ chức lợi quanh răng, dẫn đến bệnh viêm quanh răng. Ngoài ra những bệnh nhân này thường có các bệnh toàn thân khác như: tiểu đường, các bệnh về gan... Răng thường bị lệch lạc hoặc khớp cắm sai lệch.

Các triệu chứng của bệnh viêm lợi, viêm quanh răng gồm:

- Lợi sưng nề đỏ, đau và rất dễ chảy máu khi va chạm, nếu nặng thì tự nhiên cũng chảy máu.

- Hơi thở, lời nói ra có mùi hôi khó chịu.

- Có nhiều cao răng.

- Có túi mủ ở lợi, lâu ngày gây tụt lợi, hở cổ răng.

- Răng lung lay từ nhẹ đến lung lay nhiều gây ăn, nhai hạn chế.

- Đau âm ỉ ở răng và lợi.

Bệnh viêm quanh răng có 4 giai đoạn từ nhẹ đến nặng.

Giai đoạn đầu: Lợi chỉ bị viêm nhẹ hoặc chưa ảnh hưởng đến dây chằng quanh răng và xương ổ răng.

Giai đoạn vừa: Lợi viêm và có túi mủ sâu khoảng 3 mm. Có tiêu xương ổ răng ít, không có răng lung lay.

Giai đoạn mãn: Lợi viêm, hở cổ chân răng, túi mủ sâu khoảng 4-5 mm. Tiêu xương ổ răng rõ. Răng lung lay ít.

Giai đoạn nặng: Lợi viêm nặng, túi mủ sâu trên 5 mm. Hở cổ chân răng nhiều, tiêu xương ổ răng nặng và răng lung lay rất nhiều.

Có hai cách điều trị. Điều trị bảo tồn đối với 3 thể đầu và phẫu thuật khi ở giai đoạn nặng. Trường hợp của cháu có thể điều trị theo hướng như sau: Vệ sinh răng miệng thường xuyên: chải răng đúng cách, dùng các thuốc súc miệng để loại bỏ vi khuẩn trong miệng, cháu có thể dùng các loại nước như givalex, listerin, TB... Định kỳ 3 tháng một lần đến cơ sở nha khoa khám răng, lấy sạch cao răng, điều trị ngay các bệnh sâu răng, viêm tủy răng nếu có. Tại chỗ có thể dùng các thuốc chữa viêm lợi như suadolor, BT 98, RK 94... chấm vào vùng lợi viêm ngày 2-3 lần.

Trường hợp viêm răng nặng hoặc cấp tính phải dùng kháng sinh toàn thân và đến cơ sở nha khoa kiểm tra kỹ, đồng thời khám và phát hiện các bệnh khác nếu có để điều trị kết hợp.

BS Mạc Cẩm Thúy, Sức Khỏe & Đời Sống