Không chấp nhận người hiến tạng sống là vị thành niên
Các Website khác - 02/08/2005

Dự thảo Pháp lệnh hiến, lấy, ghép mô và bộ phận cơ thể người cho phép việc hiến tổ chức cơ thể người sống đối với trường hợp 7 tuổi đến dưới 18 tuổi với sự đồng ý của cả cha mẹ đẻ. Các ý kiến đóng góp đều cho rằng nên bỏ điều này, chỉ cho phép lấy trong trường hợp chết não.

Đó là ý kiến của ông Nguyễn Ngọc Khang, chuyên viên Vụ Điều trị Bộ Y tế nói, và được Giáo sư Đỗ Kim Sơn, chuyên gia hàng đầu về ngoại khoa, nguyên giám đốc Bệnh viện Việt Đức đồng tình. Ông cho biết, các nước châu Âu rất hạn chế việc lấy tạng ghép từ người sống, 95% người cho là trường hợp chết não. Ở các nước châu Á, tỷ lệ người hiến còn sống cao hơn nhưng cũng không chấp nhận trẻ em. Nguyên nhân là sự phát triển cơ thể của trẻ còn một tương lai rất dài, việc lấy mô và bộ phận cơ thể sẽ ảnh hưởng không tốt cho sức khỏe. Vì vậy, theo ông Sơn, nên bỏ hẳn quy định về hiến mô tạng sống ở trẻ vị thành niên trong dự thảo Pháp lệnh trên.

Còn giáo sư Lê Thế Trung, nguyên Chủ tịch Hội đồng ghép tạng Việt Nam thì nhấn mạnh, việc lấy tạng sống ở trẻ em vừa không tốt cho sức khỏe các cháu, vừa không cần thiết: "Khi một người trong gia đình mắc bệnh, cần mô hay bộ phận cơ thể để ghép, nhiều người có thể cho, nếu không là bố mẹ, anh em thì cũng là cô dì chú bác, rất hiếm khi cần đến sự hy sinh của một đứa trẻ".

Ông Trương Hồng Dương, chuyên viên vụ Pháp chế Văn phòng Chính phủ cũng quan tâm đến các quy định về người hiến vị thành niên, nhưng ở khía cạnh khác: "Theo dự thảo, điều kiện hiến mô tạng sau khi chết đối với trẻ em, nhất là trẻ dưới 16 tuổi là có chữ ký của cha mẹ hoặc người giám hộ trong đơn. Theo tôi, trong trường hợp này phải có thêm sự kiểm tra và công nhận của cơ quan chức năng để đảm bảo là trẻ thực sự muốn được hiến. Vì trong xã hội có không ít người thiếu lương tâm, ép trẻ nhằm mục đích thương mại".

Ông Dương cũng cho rằng, trong quy định về hội đồng giám định chết não, ngoài phần thẩm quyền, nên bổ sung phần trách nhiệm nếu xảy ra sai phạm. Hội đồng này có thẩm quyền quyết định một người là còn sống hay đã chết nên một sự sai sót của họ sẽ rất nguy hiểm. Cũng theo ông Trương Hồng Dương, Pháp lệnh nên quy định rõ là có nghiêm cấm hoàn toàn việc mua bán mô và bộ phận cơ thể người không, hay chỉ cấm trong trường hợp vì mục đích lợi nhuận như trong dự thảo hiện nay.

Về phần đãi ngộ đối với gia đình người hiến, các đại biểu đều cho rằng việc giảm viện phí khám chữa bệnh cho cả bố mẹ, vợ (chồng), con chưa thành niên hoặc đã thành niên nhưng có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn như dự thảo quy định là phi thực tế. Theo giáo sư Đỗ Kim Sơn, hiện nay trong ghép tạng, kinh phí cho ghép và điều trị sau ghép đã là một vấn đề nan giải, nếu phải gánh thêm nhiều chi phí khác nữa thì sẽ không khả thi. Vì vậy, không nên giảm viện phí cho cả con đã thành niên của người hiến.

Các ý kiến trên được nêu ra sáng 2/8 trong hội thảo lấy ý kiến về dự thảo Pháp lệnh Hiến, lấy, ghép mô và bộ phận cơ thể người. Ông Nguyễn Huy Quang, Phó vụ trưởng Vụ Pháp chế Bộ Y tế cho biết, dự thảo này đã được góp ý nhiều lần và trải qua 9 đợt chỉnh lý lớn. Dự thảo sẽ được trình Chính phủ trong phiên họp tháng 9 tới, trước khi đưa ra Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Theo ông Quang, có thể Pháp lệnh sẽ được ban hành vào cuối năm nay, đáp ứng sự mong mỏi của ngành y tế. Đến nay, sau hơn 1 thập kỷ thực hiện ghép tạng, số ca ghép ở Việt Nam vẫn rất ít ỏi vì chỉ có thể lấy tạng từ người hiến còn sống. Việc ra đời Pháp lệnh với quy định chết não và lấy mô tạng từ người chết não sẽ mở đường cho kỹ thuật này phát triển mạnh hơn.

Thanh Nhàn