Không kiểm soát được thực phẩm bán rong
Các Website khác - 29/11/2005

"Với thức ăn đường phố, hiện cơ quan chức năng chỉ quản lý được các cơ sở có cửa hàng cố định, còn hàng ăn lưu động thì hầu như chưa thể kiểm soát. Các đợt kiểm tra cũng chỉ nhằm vào những cửa hiệu cố định" - Chánh thanh tra Bộ Y tế Trần Quang Trung cho biết.

Cho đến nay, các cơ quan quản lý vệ sinh thực phẩm vẫn chưa nghĩ ra cách gì để đảm bảo tính an toàn của các hàng bán rong. "Những gánh hàng, xe hàng này xuất hiện tự phát, không đăng ký kinh doanh, nay chỗ này mai chỗ kia nên rất khó ràng buộc họ. Vệ sinh hàng hóa rất khó bảo đảm vì cả gánh hàng chỉ có một xô nước, bát đĩa cứ phải rửa đi rửa lại trong nước bẩn" - ông Trung nói trong buổi tổng kết đợt thanh tra thức ăn đường phố tại các thành phố lớn sáng 29/11.

Sự bất lực trong quản lý thực phẩm bán rong đã làm nảy sinh ý kiến cấm loại hình kinh doanh này. Tuy nhiên, ông Trần Quang Trung cho rằng điều này là không thể và không nên. Ngay cả ở các nước phát triển cũng có thức ăn đường phố; còn ở Việt Nam, thói quen ăn ở các gánh hàng rong còn là một nét văn hóa. "Dù có muốn thì trong vài thập kỷ nữa cũng không thể cấm được hàng rong. Điều quan trọng là quản lý như thế nào để vừa đảm bảo về văn hóa, du lịch vừa giữ được an toàn thực phẩm. Và tuyên truyền để nâng cao ý thức cho cả người mua và người bán vẫn là cách tốt nhất hiện nay có thể làm" - Chánh thanh tra nói.

Không chỉ thức ăn bán rong mà ngay cả ở những cửa hàng cố định cũng chưa an toàn. Đợt kiểm tra vừa qua cho thấy, việc tuân thủ quy định về an toàn thực phẩm của các nhà hàng, quán ăn vẫn chỉ mang tính đối phó vào thời điểm thanh tra. Vậy mà ngay thời điểm đó, tỷ lệ cơ sở không đạt vẫn là 1/4. Mất vệ sinh nhất là bát đĩa, thường bị dính dầu mỡ, kiểm tra bằng test nhanh thấy tỷ lệ nhiễm vi sinh cao. Tại Đà Nẵng, có đến một nửa số hàng quán được kiểm tra có bát đĩa dính dầu mỡ. Thiếu nước sạch là nguyên nhân chính của tình trạng này. Tại chung cư 141 Đặng Văn Ngữ, quận Phú Nhuận TP HCM - một khu ăn uống tập trung của cả phường - phần lớn các cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố sử dụng nước giếng chưa qua kiểm nghiệm của cơ quan y tế.

Quán hàng nhiều rác cũng là tình trạng thường thấy. Mặc dù nhiều quán ăn có trang bị giỏ rác nhưng khách hàng vẫn giữ thói quen vứt giấy, xương... ra sàn. Mặt khác, vào các buổi chiều tối, lúc có nhiều khách ăn nhất cũng là lúc nhân viên vệ sinh môi trường bắt đầu quét và thu gom rác, rất mất vệ sinh.

Để khắc phục tình trạng trên, thanh tra Bộ Y tế cho rằng cần kiểm tra thức ăn đường phố thường xuyên chứ không phải theo đợt cao điểm như trước đây. Tuy nhiên, do lực lượng thanh tra quá mỏng, ở địa phương cũng không có nhân lực riêng cho công tác an toàn thực phẩm nên điều này thật khó thực hiện.

H.H.