Không nên lạm dụng sinh mổ
Các Website khác - 09/08/2005
Sinh mổ có hại cho sức khỏe cho cả sản phụ và trẻ sơ sinh. Các bà mẹ khi đã sinh mổ thường gặp khó khăn khi thực hiện các phẫu thuật khác sau này.
Đừng bắt con chào đời sớm!

Theo bác sĩ (BS) Bùi Đỗ Hiếu, Khoa sản A, Bệnh viện Phụ sản Từ Dũ TP Hồ Chí Minh, mỗi tuần trung bình anh mổ khoảng 10 ca, trong đó có cả sinh mổ do bệnh lý của mẹ và sinh mổ theo yêu cầu của gia đình sản phụ. Tại bệnh viện, một ngày có khoảng 100-150 ca sinh, thì số ca sinh mổ chiếm đến 30-40%. Các bà mẹ có bệnh lý thì bắt buộc phải sinh mổ theo chỉ định của BS do khung chậu hẹp, giới hạn, bệnh tim mạch. Một số ca khác cũng bắt buộc phải chỉ định mổ như cạn nước ối, trẻ đã quá ngày mà... chưa chịu ra.

Tuy nhiên, cũng có nhiều gia đình khi sinh dịch vụ đã yêu cầu được mổ bắt con vì những lý do như: coi thầy bói xem ngày tốt bà mẹ trẻ nhõng nhẽo vì sợ đau khi chuyển dạ. Cũng có một số phụ nữ đề nghị sinh mổ vì sợ những vết khâu âm đạo sẽ khiến chồng không còn... yêu như trước nữa.

Khi sinh mổ, trẻ rất dễ bị suy hô hấp, bị mắc các đường liên quan đến hô hấp khi sinh mổ. Bệnh viện Nhi Đồng 1 thường tiếp nhận những ca cấp cứu trẻ sơ sinh bị suy hô hấp sau sinh. Cháu S, cháu T và cháu A (TP Hồ Chí Minh) đều có mẹ phải sinh mổ vì đã có vết mổ lấy thai từ trước. Dù cho các cháu chào đời đã đủ tháng và đều cân nặng trên 3kg, nhưng sau khi chào đời từ 30 phút đến 1 giờ, cả 3 cháu đều bị suy hô hấp nặng, cơ thể tím tái khó thở. Các BS cho thở oxy, đặt nội khí quản dài ngày mới qua được lưỡi hái tử thần. Tình trạng suy hô hấp ở trẻ sơ sinh là do bị "cưỡng bức" chào đời khi mẹ chưa có dấu hiệu để sinh.

Theo BS Hiếu, nếu được sinh ra một cách bình thường, cơ thể trẻ sẽ được ép lại để có thể lọt qua đường âm đạo của mẹ, rồi sau đó tha hồ khóc chào đời. Nhờ đó mà dịch chứa trong phổi của trẻ được tống ra ngoài. Khi ra môi trường sống, phổi nở to ra; trẻ hít được không khí bình thường. Một số chất nội tiết như cortisol ACTH, oxytocin... được tiết ra trong thời gian chuyển dạ còn giúp trẻ chống stress, sản xuất và bài tiết ra chất surfactant, khiến cho mạch máu được giãn ra, kích thích tái hấp thu dịch phế nang, giúp phế nang nở ra khi trẻ thở. Còn trẻ sinh mổ thì lại bị thiếu các nội tiết tố này nên phổi của chúng thường bị ứ dịch phế nang, thể tích khí trong lồng ngực giảm gần một nửa so với trẻ sinh bình thường. Khả năng chống stress, tái hấp thu dịch phế nang và hô hấp cũng sẽ kém đi rất nhiều. Điều đặc biệt là vì không chui qua đường âm đạo, không bị ép lồng ngực nên trẻ rất dễ bị suy hô hấp.

Mẹ chưa chắc "tròn", con chưa chắc "vuông"

Thành ngữ "mẹ tròn, con vuông" giống như một lời chúc mừng cho sự vượt cạn thành công của người mẹ. Về chuyện trẻ sơ sinh, bệnh suy hô hấp, theo các BS, là một trong những nguyên nhân rất dễ gây tử vong cho bé nếu không được cấp cứu kịp thời. Việc suy hô hấp còn ảnh hưởng đến các chức năng của một số cơ quan khác trong cơ thể như: phù não, thiếu máu cơ tim, sưng ruột, viêm ruột hoại tử. Còn với người mẹ thì có thể gặp một số tai biến như chảy máu quá nhiều do vết mổ chạm phải động mạch tử cung, tình trạng "đờ" tử cung cũng khá phổ biến và nhiễm trùng vết mổ do đã có sự đụng chạm của dao kéo. Nếu sau này phải mổ ruột thừa hay phải phẫu thuật vùng bụng thì rất dễ bị dính. Nhiều BS ngoại khoa rất sợ phải mổ những ca mổ hở sỏi túi mật, sỏi thận, cắt ruột thừa mà trước đó, bệnh nhân đã trải qua cuộc sinh mổ! Người nào lại sinh mổ đến lần thứ hai rồi thì phẫu thuật viên còn khổ sở hơn.

BS Vũ Thị Nhung, Giám đốc Bệnh viện Hùng Vương, TP Hồ Chí Minh, đã nói rằng, nếu đã sinh mổ lần thứ nhất thì trong những lần sinh sau, thai phụ có thể bị vỡ tử cung do bung vết mổ cũ. Con sẽ chết rất nhanh và cả bà mẹ cũng sẽ tử vong nhanh nếu không đưa kịp tới bệnh viện cấp cứu. Quan trọng hơn, sau khi sinh, bà mẹ sẽ khó có đủ sữa cho con bú, nếu như không nói là có nhiều người không có sữa hoàn toàn vì mẹ phải uống quá nhiều kháng sinh để điều trị vết mổ. Trẻ không được bú sữa mẹ trong 4-6 tháng đầu, thường là sức đề kháng yếu tiêu chảy, bệnh tiêu hóa, đường ruột rất dễ xảy ra.

Lựa chọn giữa mất và được

Tất cả các BS đều khuyên sản phụ không nên đề nghị sinh mổ nếu BS không chỉ định. Ngoài nhiều biến chứng rất dễ nhận thấy khi sinh mổ, gây hậu quả cho cả mẹ lẫn con, thì điều quan trọng hơn là nếu sinh thường, giữa mẹ và con sẽ tạo một đường dây tình cảm bền chắc. Những cơ gò sinh, rồi sau đó là một đứa con khỏe mạnh, kháu khỉnh khiến cho tình mẫu tử được gắn chặt hơn.

Theo Theo Thế giới mới