Khuẩn H.pylori - thủ phạm gây bệnh dạ dày
Các Website khác - 15/12/2005
H.Pylori trên niêm mạc dạ dày.
Ảnh: Sức Khỏe & Đời Sống.

Phần lớn các ca viêm dạ dày - tá tràng đều do vi khuẩn H.pylori gây ra và có thể tiến triển thành ung thư. Chúng có mặt trong cơ thể của một nửa dân số thế giới.

Helicobacter pylori (H.pylori) là một loại vi khuẩn gram âm, có hình chữ S, dài khoảng 2,5 mm và rộng 0,5 mm, có 4-6 roi nên dễ di chuyển trong lớp chất nhày. Ở dạ dày, vi khuẩn cư trú ở trong và dưới lớp chất nhày ngay khe các tế bào. H.pylori có nhiều men để có thể tồn tại, phát triển và gây bệnh.

Vì sao vi khuẩn H.pylori có thể sống, phát triển được ở môi trường axit dạ dày? Chính lớp chất nhày dạ dày đã bảo vệ cho vi khuẩn khỏi sự tác động của axit. Ngoài ra, H.pylori còn sinh ra urease, một loại men thủy phân ure (chất có sẵn trong dạ dày) tạo ra môi trường kiềm thích hợp cho vi khuẩn phát triển.

Khoảng 65-85% bệnh nhân viêm loét dạ dày có nhiễm H.pylori và khi dùng thuốc diệt H.pylori thì phần lớn khỏi viêm loét. Nghiên cứu thực nghiệm cũng cho thấy H.pylori gây tổn thương dạ dày. Đã có hàng nghìn công trình nghiên cứu trên thế giới khẳng định, H.pylori không chỉ gây viêm loét mà còn có vai trò trong nhiều bệnh lý khác ở dạ dày - hành tá tràng như rối loạn tiêu hóa không loét, u lympho ác tính, ung thư.

Loại vi khuẩn này đã tồn tại trong cơ thể từ lâu nhưng mãi đến những thập kỷ cuối cùng của thế kỷ 20 mới được phát hiện. Nguyên nhân đầu tiên là sự chủ quan của con người. Quan điểm cổ điển cho rằng, môi trường axit của dạ dày là môi trường bất khả xâm phạm với vi khuẩn. Vì thế, mặc dù từ những năm đầu thế kỷ 20, một số người đã quan sát thấy có hình dáng vi khuẩn xuất hiện ở niêm mạc dạ dày và khi điều trị bằng kháng sinh, nhiều bệnh nhân đỡ hẳn nhưng người ta lại cho đó chỉ là sự tình cờ nên không ai nghiên cứu.

Năm 1979, Robin Warren lần đầu tiên nhìn thấy vi khuẩn trong mảnh sinh thiết niêm mạc dạ dày khi ông đang quan sát tiêu bản để chẩn đoán mô bệnh học bệnh dạ dày. Sau đó, ông lại nhận thấy vi khuẩn này thường có ở biểu mô dạ dày, nhất là khi viêm. Đến năm 1981, Robin Warren gặp Barry Marshall, bác sĩ của phòng thí nghiệm các bệnh tiêu hóa của bệnh viện. Cả hai cùng đi sâu nghiên cứu để chứng minh sự có mặt của vi khuẩn này ở dạ dày. Đến năm 1982, họ đã nuôi cấy thành công loại vi khuẩn mới phát hiện và đặt tên là Campylobacter pylori. Sau đó, vì phát hiện thêm các tính chất lý hóa của vi khuẩn nên họ xếp nó vào nhóm Helicobacter và đặt tên chính thức là Helicobacter pylori (H.pylori).

Vấn đề H.pylori trong bệnh dạ dày quan trọng đến mức người ta đã tổ chức hàng chục hội nghị quốc tế và khu vực, hàng trăm cuộc hội thảo để công bố các nghiên cứu về tỷ lệ nhiễm H.pylori ở các vùng, vai trò của vi khuẩn, các phương pháp phát hiện, khuyến cáo về điều trị dự phòng nhiễm khuẩn. Đây là vấn đề lớn của y học vì nó đã làm thay đổi hẳn quan niệm về cơ chế sinh bệnh viêm loét dạ dày; đồng thời làm thay đổi cả phương pháp điều trị, dự phòng; và vì có khoảng 50% dân số thế giới bị nhiễm H.pylori.

Tuy nhiên, H.pylori không phải là nguyên nhân duy nhất gây bệnh dạ dày - tá tràng và muốn gây ra bệnh cho người, vi khuẩn này cũng cần có một số yếu tố thuận lợi nhất định.

TS Phạm Quang Cử, Sức Khỏe & Đời Sống