Lợi và hại của sữa đậu
Các Website khác - 15/07/2005
Sữa đậu (soya-bean milk) được chế biến từ đậu nành (soybean), có chứa loại protein tốt nhất trong các loại protein thực vật. Tuy nhiên, nếu sử dụng sữa đậu không đúng cách, có thể gây ảnh hưởng tới sức khỏe.
Lịch sử ẩm thực thừa nhận sữa đậu khởi nguồn từ Trung Quốc và tương truyền do Hoài Nam Vương Lưu-An sáng tạo phát minh ra 160 năm trước công nguyên!

Nhìn từ góc độ dinh dưỡng, nếu ăn đậu nành luộc, nấu cả hạt ta chỉ có thể hấp thụ 65%, ăn đậu phụ có thể hấp thụ 93%, còn uống sữa đậu có thể hấp thụ tới trên 95%. Thành phần axít amin trong protein sữa đậu gần bằng với sữa bò, còn hàm lượng cholesterol lại thấp hơn so với sữa bò, và còn chứa loại axít béo chưa no, có lợi cho việc hạ thấp cholesterol, phòng tránh được xơ cứng động mạch. Ngoài ra, trong sữa đậu còn chứa kali (K), sắt (Fe), vitamin nhóm B, vitamin E, nên được gọi là đồ uống bổ dưỡng. Các nhà khoa học Nhật Bản đã bỏ ra 13 năm trời quan sát 265.000 người đàn ông trên 40 tuổi đã phát hiện, với những người uống sữa đậu có tỷ lệ phát bệnh ung thư dạ dày rất thấp, nguyên nhân có thể liên quan với tác dụng chống ung thư của loại protein nào đó có trong sữa đậu.

Kết quả nghiên cứu y học hiện đại cho thấy, người ốm yếu, người già và người có thể chất dị ứng có số lượng axít amin tự do trong máu ít hơn nhiều so với người khỏe mạnh, nếu được bổ sung axít amin tự do thì triệu chứng dị ứng ở những người này không tái phát nữa. Với người có triệu chứng dị ứng như bệnh suyễn nên uống nhiều sữa đậu tốt nhất là uống sữa đậu tương đối đặc hằng ngày.

Tuy nhiên, nếu lạm dụng sữa đậu và uống sữa đậu không đúng cách, có thể gây ảnh hưởng xấu tới sức khỏe, bởi vậy, khi uống sữa đậu cần phải chú ý mấy điểm sau:

1. Chỉ uống sữa đậu đã được nấu chín. Uống sữa đậu sống có thể xảy ra các hiện tượng như lợm giọng, buồn nôn, tiêu chảy. Trong sữa đậu chưng, nấu chín có chứa các chất độc hại như sapotoxin và antitripsin, khi sữa đậu được gia nhiệt tới 80oC, sapotoxin sẽ bị giãn nở vì nhiệt, nổi lên tạo thành bọt sủi khiến ta lầm tưởng sữa đậu đã sôi, thực ra chỉ là hiện tượng sôi giả, vì nhiệt độ chưa đạt tới 100oC, vậy nên ta phải tiếp tục gia nhiệt dăm ba phút nữa, chí ít sữa đậu phải đạt tới nhiệt độ 90o C thì chất có độc tính như saponarin mới bị phá vỡ do biến đổi tính chất, khi uống mới không gây trúng độc. Bởi vậy, khi đun tới lúc thấy sữa đậu nổi bọt trắng phải hớt hết bọt, sau đó đun gia nhiệt tiếp tới sôi sùng sục mới sử dụng.

2. Tuy có tên "Đồ uống bổ dưỡng nhưng sữa đậu không phải là thứ có thể uống tùy thích. Uống quá nhiều sữa đậu có thể gây đầy bụng, tiêu chảy.

3. Không nên đựng sữa đậu bằng phích (bình thủy), bảo ôn, vì chất saponarin làm bong tróc cáu cặn nước bám két trên thành phích, chất độc hại trong cáu cặn hòa tan vào sữa đậu. Ngoài ra, sữa đậu đựng lâu trong phích, vi khuẩn sinh sôi nảy nở rất nhanh, làm sữa đậu bị biến chất.

4. Không được pha đường đỏ vào sữa đậu, vì axít hữu cơ trong đường đỏ có thể kết hợp với protein trong sữa đậu, biến chất tạo nên kết tủa, làm giảm giá trị dinh dưỡng của sữa đậu.

Theo Theo Tri thức trẻ