Một số nhà hàng ở Hà Nội vẫn bán sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc
Các Website khác - 18/11/2005
Sau khi Hà Nội đã ban hành "Quy định tạm thời phòng, chống dịch cúm gia cầm trên địa bàn", trong đó có quy định rõ từ ngày 5-11-2005, cấm vận chuyển và kinh doanh gia cầm không rõ nguồn gốc, một số cửa hàng lén lút bán các sản phẩm không rõ nguồn gốc, không qua kiểm dịch.
Gần một tuần nay, khung cảnh khu vực bán chim cảnh ở đầu đường Nguyễn Văn Tố vắng lặng. Cả bảy hộ kinh doanh ở đây đã ngừng bán chim cảnh, một số hộ thì chuyển sang bán chó, mèo, hộ thì bán thức ăn gia súc.

Ông Nguyễn Văn Phòng, Trưởng Ban quản lý chợ Hàng Da, cho biết: Thực hiện nghiêm những quy định của thành phố Hà Nội về một số biện pháp cấp bách phòng, chống dịch cúm gia cầm, Ban quản lý chợ đã tuyên truyền, vận động các hộ kinh doanh gia cầm, chim cảnh trong chợ chuyển sang kinh doanh mặt hàng khác. Tất cả các hộ đều chấp hành nghiêm túc chủ trương này. Các hộ bán gia cầm thì chuyển sang bán thỏ, bán thịt bò, còn tám hộ bán trứng thì tạm đóng cửa.

Tuy nhiên, theo các hộ này thì chuyển sang kinh doanh các mặt hàng mới, khách chưa quen cho nên số lượng hàng bán ra hằng ngày rất ít, doanh thu sụt giảm rõ. Anh Bình, chủ cửa hàng bán chim cảnh, cho biết: thu nhập của gia đình phụ thuộc phần lớn vào doanh thu của cửa hàng, thế nhưng mỗi ngày vợ chồng anh chỉ bán được vài ba gói cám mèo.

Chiều hướng này cũng xuất hiện ở các cửa hàng kinh doanh thực phẩm chế biến từ gia cầm. Các cửa hàng bán chân gà nướng ở phố Lý Văn Phúc một tuần nay cũng tạm ngừng kinh doanh mặt hàng này, chuyển sang bán lẩu, sườn nướng, thịt bò nướng và hải sản. Anh Kiên, chủ lò vịt quay Bắc Kinh ở ngõ 295 Bạch Mai, cũng chuyển sang bán thịt lợn quay.

Ði qua hàng Ngan Khoa ở phố Hai Bà Trưng mấy ngày nay, không còn trông thấy hàng chục con ngan treo lủng lẳng ở quầy hàng, thay vào đó là tấm biển "Lẩu dê" mới tinh. Phần lớn các hàng phở gà, bún ngan chuyển sang bán phở bò, bún mọc. Ở phố ẩm thực Tống Duy Tân, thực đơn của các nhà hàng trước đây chuyên kinh doanh gà tần, chim tần mấy ngày nay có thêm các món mới như phở, mì, miến, súp, nem, hải sản...

Ðối với các loại bánh ngọt, kem thường dùng trứng gà là nguyên liệu chính để chế biến, người bán hàng tìm cách đưa các nguyên liệu khác thay thế trứng gà. Cô Nga, chủ cửa hàng kem Ca-ra-men tại 24 Hàng Than, cho biết: Kem và các loại bánh ngọt bán ở cửa hàng đều do chính tay chồng và các con cô làm. Vì vậy, để bảo vệ sức khỏe cho khách hàng, đồng thời bảo vệ cho chính những người thân trong gia đình, nhà hàng chuyển sang sử dụng bột trứng thay cho trứng gà tươi như mọi khi để làm bánh và kem ca-ra-men. So với bánh làm từ trứng tươi, bánh làm từ bột trứng không thơm, xốp và ngậy bằng, cho nên phải cho thêm bơ và pho mát vào để bảo đảm chất lượng sản phẩm.

Theo cô Nga thì việc làm này cũng chỉ cầm chừng để giữ khách. Chứ với giá 180.000 đồng/kg bột trứng của Vinamilk, cộng thêm tiền bơ, pho mát, trong khi lượng hàng bán ra chỉ khoảng 200 hộp/ngày, bằng một phần mười so với mọi khi thì việc kinh doanh hầu như không có lãi.

Bên cạnh những hộ thực hiện nghiêm những biện pháp phòng chống dịch, thì vẫn còn những hộ kinh doanh bán các sản phẩm chế biến từ gia cầm không rõ nguồn gốc, chưa qua kiểm dịch; trái với quy định của UBND thành phố.

Chiều 14-11, ghé vào cửa hàng bán thực phẩm quen tại số 36 phố Trần Xuân Soạn. Mặc dù cửa hàng không bày những rổ trứng đầy ắp như thường lệ, nhưng khi tôi ngỏ ý muốn mua trứng, người bán hàng cho biết: "Cửa hàng có trứng gà ta, gà tây, trứng vịt, chỉ thiếu có trứng vịt lộn thôi. Em muốn mua bao nhiêu cũng có". Vậy còn giá cả thế nào? Chị bán hàng bảo: "Mọi khi thì trứng gà giá 15 nghìn đồng/chục, bây giờ rẻ hơn một chút là 14 nghìn đồng/chục. Nếu em lấy nhiều thì chị bớt cho một giá, là 13 nghìn đồng/chục". Thấy tôi nghi ngại, chị ta liền nói: "Yên tâm đi, trứng nhà chị hàng năm nay vẫn lấy từ mối hàng quen ở Thái Bình. Ngày nào, các nhà hàng chẳng đặt chị hàng trăm quả để chế biến. Ở quê chị, người ta vẫn ăn ầm ầm có sao đâu." Nhưng khi tôi ngỏ ý muốn được xem giấy chứng nhận kiểm dịch mặt hàng này thì chị ta lờ đi.

Những ngày này, các cửa hàng trên phố ẩm thực Tống Duy Tân vẫn kinh doanh bình thường, tuy nhiên không khí ăn uống không nhộn nhịp như mọi khi. Chúng tôi vào nhà hàng Duy Hải, số 13 Tống Duy Tân chuyên bán gà tần, chim quay. Trên bàn không thấy bày các suất gà tần, chim tần như mọi khi, thay vào đó là những rổ sò huyết, ngao, ốc hương. Nhưng khi tôi hỏi: nhà hàng có gà tần không, lập tức được nghe câu mời đon đả của chị chủ cửa hàng: Em mua mấy suất? Ăn ở đây hay mang về? Thì ra, chim, gà tần được cất ở dưới bàn. Giá các mặt hàng vẫn giữ nguyên như thời điểm trước khi có dịch cúm gia cầm. Cụ thể: chim bồ câu quay, tần là 27 nghìn đồng/con, gà tần 18 nghìn đồng/suất, gà ác tần 30 nghìn đồng/suất. Thời điểm trước khi có dịch, mỗi ngày nhà hàng tiêu thụ hết 100 con gà, vài chục con chim. Còn hiện nay, tuy lượng khách đã giảm, nhưng vẫn bán được vài chục con gà và chim, bằng một phần ba so với trước. Chị Lan, chủ nhà hàng cho tôi biết: gà ta được các mối hàng ở Hà Tây đưa đến, gà ác từ các tỉnh phía nam, còn chim bồ câu thì lấy ở các hộ bán buôn tại chợ Hôm-Ðức Viên, đều có kiểm dịch đàng hoàng. Thế nhưng từ ngày 5-11 đến nay, thành phố ngừng giết mổ gia cầm trong nội thành, vậy chim, gà được giết mổ ở đâu? Chị Lan trả lời: Chắc là họ mổ ở nhà...(!). Chị Lan đưa cho chúng tôi xem giấy chứng nhận kiểm dịch cho lô gà do Chi cục Thú y Hà Tây cấp, nhưng dòng chữ ngày tháng cấp đã mờ, không đọc được. Còn giấy kiểm dịch chim bồ câu, chị Lan bảo: Cất kỹ quá, nên bây giờ không tìm thấy.

Rời phố ẩm thực, chúng tôi đến quán chân gà nướng Mỹ Miều ở khu tập thể Kim Liên, một trong những quán chân gà nướng nổi tiếng ở Hà Nội. Mặc dù quán có thêm các món mới, như sườn nướng, thịt bò nướng, nhưng khi chúng tôi nói muốn ăn chân và cánh gà, thì được nhân viên nhà hàng mời lên tầng hai cho "kín đáo". Tại đây có rất nhiều thực khách đang vừa trò chuyện vừa thưởng thức những chiếc chân gà, cánh gà nướng vàng rộm. Chị Duyên, nhân viên nhà hàng, cho chúng tôi biết: Chân gà, cánh gà ở đây được nhập khẩu từ Australia, đã được Bộ Nông-Lâm nghiệp nước này kiểm dịch, nên anh chị ăn vô tư. Giá khá rẻ và không có gì thay đổi so với thời điểm trước đây, chân gà nướng 3 nghìn đồng/xiên, cánh gà nướng 10 nghìn đồng/chiếc. Thế nhưng, giấy kiểm dịch của lô hàng chân gà, cành gà này được các cơ quan chức năng ký từ tháng 10, trước khi dịch cúm bùng phát.

Ðề nghị các cơ quan chức năng thành phố Hà Nội kiểm tra, xử lý ngay những hộ kinh doanh vẫn cố tình bán các sản phẩm chế biến từ gia cầm không rõ nguồn gốc như nêu ở trên. Ðồng thời, người tiêu dùng cần nâng cao ý thức, không ăn các sản phẩm gia cầm có nguồn gốc không rõ ràng, không được cơ quan chức năng kiểm dịch. Ðó cũng là cách tự bảo vệ sức khỏe bản thân và của toàn xã hội trước nguy cơ đại dịch nguy hiểm.

KIỀU HƯƠNG