Nam giới thấp bé, nhẹ cân dễ bị loãng xương
Các Website khác - 13/01/2006
Nghiên cứu cho thấy, nam giới nhỏ con hoặc có mẹ từng bị loãng xương sẽ có nguy cơ loãng xương và gãy xương cao hơn những người khác.
Loãng xương là căn bệnh có diễn tiến âm thầm, xương mất dần các khoáng chất nhưng không có biểu hiện lâm sàng rõ rệt. Nếu đo mật độ xương bằng máy tính chỉ có thể phát hiện ra bệnh khi xương đã bị mất tới 30%. Nam giới mắc bệnh loãng xương chiếm tỷ lệ ít hơn nữ giới nhưng khi mắc, bệnh sẽ có diễn tiến nhanh hơn.

Nghiện bia, rượu, thuốc lá; ăn thiếu canxi: Nguy hiểm!

Từ trước đến nay, loãng xương được coi là bệnh lý chủ yếu của nữ giới. Tuy nhiên những năm gần đây, tỷ lệ loãng xương ở nam giới có chiều hướng gia tăng do tuổi thọ ngày càng cao, mức độ diễn tiến của bệnh cũng rất đáng kể. Các nghiên cứu dịch tễ học cho thấy loãng xương gặp ở 3-6% nam giới trên 50 tuổi. Loãng xương và gãy xương do loãng xương gây đau đớn, giảm khả năng vận động và chất lượng sống. Tỷ lệ tử vong trong vòng 1 năm đầu sau gãy xương ở nam giới cao hơn từ 2-3 lần so với nữ giới.

Nam giới có nguy cơ gãy xương tăng cao khi có mẹ từng bị loãng xương hay gãy xương. Bản thân người đàn ông nhỏ con cũng thường bị loãng xương và gãy xương hơn những người khác. Nguy cơ này sẽ cao hơn nếu nam giới ăn ít thức ăn chứa canxi (< 800mg/ngày) lại uống nhiều rượu và hay hút thuốc lá. Một số nguyên nhân khác như cường tuyến giáp, cường tuyến cận giáp, tiểu đường, nghiện rượu, nằm điều trị lâu tại giường, dùng một số thuốc như thuốc corticoide (còn gọi là đề xa) không đúng cách và kéo dài. Loãng xương do các nguyên nhân này có thể gặp ở bất kỳ lứa tuổi nào.

Có thể bị tàn phế và chết sau một năm gãy xương

TS. Đoàn Yên, nguyên Phó viện trưởng, Viện Lão khoa Việt Nam cho biết: "Loãng xương không chỉ gây đau đớn cho người bệnh, làm giảm chất lượng cuộc sống mà còn liên quan đến tỷ lệ tử vong và đòi hỏi chi phí điều trị cao. Bệnh loãng xương làm cho lưng ngày càng còng đi, gây đau nhức xương và có thể gãy xương tự phát. Có khi chỉ do va chạm nhẹ cũng gãy xương. Người bị gãy xương do loãng xương rất khó liền so với người bình thường. Các vị trí thường hay gặp là: xương cột sống, cổ xương đùi, xương cổ tay. Trong đó, gãy cổ xương đùi là loại nguy hiểm nhất, gây đau đớn, có thể dẫn đến tàn tật và tử vong".

Người bị bệnh loãng xương ở độ tuổi 50 - 70 mới xuất hiện đau, chủ yếu ở cột sống lưng hay thắt lưng. Nguyên nhân là do loãng xương làm các đốt sống trở nên dòn, dễ gãy, dễ lún gây đau cột sống kéo dài thường xuyên, cơn đau sẽ nhiều hơn khi ngồi lâu hoặc đứng lâu. TS. Đoàn Yên cho biết thêm: "Đôi khi xuất hiện những cơn đau cấp tính dữ dội làm người bệnh hoang mang lo sợ. Loãng xương có thể gây ra biến dạng cột sống như còng lưng, vẹo cột sống, lún và xẹp cột sống lưng, thắt lưng làm chiều cao giảm dần theo tuổi. Các triệu chứng này làm cho người bệnh gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống, sinh hoạt, công việc và cảm giác mình già hơn, yếu hơn cho đến khi gãy cổ xương đùi, thực sự biến người bệnh trở thành tàn phế". Loãng xương ở xương tay chân có thể gây ra mối nguy hiểm khác là dễ bị gãy xương đùi, gãy đầu dưới xương cẳng tay khi té ngã hay thậm chí chỉ là cử động sai lệch như chống tay hay xoay chân mạnh.

Chế độ dinh dưỡng đề phòng bệnh loãng xương

Theo các bác sĩ ở Viện Dinh dưỡng Việt Nam, việc điều trị bệnh loãng xương khó khăn và tốn kém, biện pháp phòng ngừa bằng cách xây dựng khối lượng của xương tốt thông qua việc đưa vào cơ thể một lượng canxi và vitamin D phù hợp trong suốt tuổi ấu thơ, tuổi dậy thì và thanh niên.

Tăng thức ăn giàu can xi:

Ăn những thức ăn giàu canxi, uống sữa và các chế phẩm từ sữa (nên dùng loại có ít chất béo). Người già cần ăn nhiều hơn vì khả năng hấp thụ canxi đã bị kém. Những người dưới 50 tuổi cần dùng 1.000 mg mỗi ngày, người trên 50 tuổi cần dùng 1.200 mg mỗi ngày.

Lượng protein (chất đạm) trong khẩu phần ăn nên vừa phải, ăn nhiều đạm phải bảo đảm đủ canxi vì chế độ ăn nhiều đạm làm tăng bài xuất canxi theo nước tiểu.

Ăn nhiều rau và trái cây, các thức ăn có chứa nhiều oestrogen thực vật như: giá đỗ, các loại cây rau như mùi tây, bắp cải, cà chua, dưa chuột, tỏi... cũng làm tăng chất khoáng trong xương. Ngoài ra, cần có thời gian hoạt động ngoài trời nhất định để tăng tổng hợp vitamin D trong cơ thể. Không nghiện rượu. Hoạt động thể lực vừa phải. Duy trì cân nặng. Gầy là một yếu tố nguy cơ của loãng xương.

Theo Gia đình và Xã hội