Ngày càng có nhiều người cần hỗ trợ sinh sản
Các Website khác - 25/11/2005

Anh Hoàng, quê SócTrăng, 33 tuổi khỏe mạnh bình thường, kết hôn đã bốn năm. Quan hệ hai vợ chồng rất suôn sẻ nhưng tới giờ vợ anh vẫn không có thai. Bác sĩ cho biết, vợ chồng anh thuộc nhóm "vô sinh không rõ nguyên nhân".

Bác sĩ đã khám và khẳng định, anh Hoàng và vợ đều có sức khỏe bình thường nhưng không rõ tại sao khi hai người kết hợp thì lại "không ra chuyện". Tương tự như vậy là vợ chồng anh Lâm, chị Thủy, cưới nhau lúc anh 35 còn chị 26 tuổi. Hai nhà thúc giục sinh con mà hai năm rồi chưa thấy chị có động tĩnh gì. Ngồi đợi trước phòng khám và điều trị hiếm muộn, hai vợ chồng anh chỉ còn biết "Cầu trời đừng có chuyện gì cả".

Bác sĩ Vương Thị Ngọc Lan, Phó trưởng khoa điều trị hiếm muộn và vô sinh Bệnh viện Từ Dũ, cho biết, mỗi năm có khoảng 10.000 cặp vợ chồng tìm đến đây vì lý do hiếm muộn hoặc vô sinh. Họ thuộc mọi thành phần: già, trẻ, nông dân, công nhân hay trí thức. Trong số đó, vô sinh do người vợ chiếm 30%, do chồng 30%, do cả hai vợ chồng cũng 30% và 10% còn lại là không rõ nguyên nhân. Tuổi vô sinh trung bình của người phụ nữ là 29,2.

Chăm sóc trẻ sơ sinh bằng máy trợ thở.

Người phụ nữ trẻ không thể mang thai thường do rối loạn phóng noãn, tắc vòi trứng hay vòi trứng bị tổn thương (thường do viêm nhiễm) và lạc nội mạc tử cung. Một nghiên cứu của Bệnh viện Từ Dũ cũng cho thấy, những phụ nữ đã từng nạo phá thai có nguy cơ vô sinh do tắc vòi trứng tăng gấp 2 lần so với người chưa từng.

Về phía người chồng, vô sinh thường do tinh trùng yếu, ít hoặc không có. Nhiều trường hợp có tinh trùng trong tinh hoàn nhưng đường dẫn ra ngoài bị tắc nghẽn. Trường hợp này ở người trẻ thường do bất sản ống dẫn tinh bẩm sinh, đối với người đã có tuổi thường do tắc ống dẫn tinh. Cũng có những người lúc nhỏ mắc bệnh quai bị làm teo ống sinh tinh nên trong tinh hoàn không sinh tinh trùng; hoặc do di truyền.

Có nhiều phương pháp kỹ thuật hỗ trợ sinh sản, nhưng 2 phương pháp được áp dụng và lựa chọn nhiều nhất là thụ tinh nhân tạo và thụ tinh trong ống nghiệm (gọi chính xác là kỹ thuật hỗ trợ sinh sản) vì tính khả thi của chúng. Nhưng các biện pháp này không hề là chiếc đũa thần có thể giúp tất cả những người vô sinh mang thai và sinh con như mong muốn. Tỷ lệ thành công trong thụ tinh nhân tạo tại Bệnh viện Từ Dũ chỉ khoảng 15-20%. Ở phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm, tỷ lệ này khoảng 35-40% nhưng dao động theo độ tuổi.

"Người phụ nữ dưới 30 tuổi thì cơ may thành công cao hơn. Càng lớn tuổi thì khả năng thụ thai càng thấp", bác sĩ Ngọc Lan cho biết. Ví dụ, đối với người phụ nữ dưới 30 tuổi, nếu thụ tinh trong ống nghiệm bằng phương pháp cổ điển thì tỷ lệ thành công khoảng 35%, nếu dùng kỹ thuật ICSI (tiêm tinh trùng vào bào tương trứng) tỷ lệ thành công là 40%, còn nếu mổ lấy tinh trùng từ tinh hoàn thì khả năng này lên đến 50%.

Thụ tinh trong ống nghiệm là một kỹ thuật tốn kém nhiều chi phí và đòi hỏi một số điều kiện. Do đó, trong 10.000 cặp vô sinh đến khám và điều trị tại Từ Dũ mỗi năm, chỉ có khoảng 3.000 trường hợp phải áp dụng biện pháp thụ tinh nhân tạo hoặc thụ tinh trong ống nghiệm.

Để một ca thụ tinh nhân tạo thành công, người phụ nữ phải còn ít nhất một vòi trứng thông và buồng trứng còn hoạt động. Người chồng có tinh trùng bình thường. Cách này được thực hiện qua các bước sau: kích thích buồng trứng, dùng thuốc hỗ trợ để có hiện tượng rụng trứng, lọc rửa tinh trùng người chồng, bơm tinh trùng vào buồng tử cung, cuối cùng tinh trùng và trứng thụ tinh trong cơ thể người phụ nữ.

Nếu không đủ điều kiện để thụ tinh nhân tạo, bác sĩ sẽ áp dụng thụ tinh trong ống nghiệm với các bước: kích thích buồng trứng, chọc hút lấy trứng ra khỏi cơ thể qua ngã âm đạo, lọc rửa tinh trùng người chồng... Sự thụ tinh giữa trứng và tinh trùng xảy ra trong ống nghiệm. Sau đó phôi đã thụ tinh sẽ được chuyển vào tử cung.

Phương pháp thụ tinh nhân tạo có chi phí tương đối "mềm" (chỉ từ vài trăm ngàn tới vài triệu). Còn nếu phải thụ tinh trong ống nghiệm thì phải tốn ít nhất trên 20 triệu cho một lần thực hiện.

Do chi phí lớn nên trước khi quyết định thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm, các cặp vợ chồng thường được tư vấn rất cụ thể và tỉ mỉ về khả năng thành công, thất bại. Nếu đồng ý thực hiện, họ phải ký bản cam kết "sẽ không khiếu nại nếu thất bại". Sau 14 ngày thực hiện sẽ biết kết quả là có đậu thai hay không. Cho dù thành công hay thất bại thì các cặp vợ chồng cũng nên trở lại bệnh viện để được tư vấn. Nếu thành công, họ sẽ được hướng dẫn cách chăm sóc thai vì người thụ tinh trong ống nghiệm phải dùng nội tiết hỗ trợ. Còn thất bại, họ sẽ được khuyên nên làm gì sau đó. Trên thế giới, thường thì người ta làm thụ tinh trong ống nghiệm tối đa là 6 lần; nhưng thực tế có thể thực hiện đến bao nhiêu lần là tùy vào khả năng tài chính và sự kiên nhẫn của "người trong cuộc", bác sĩ Ngọc Lan cho biết.

Cũng theo bác sĩ Ngọc Lan, nhu cầu điều trị vô sinh bằng kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm cao đến mức, từ lúc có khoa điều trị hiếm muộn (1997) đến nay, các bác sĩ của phòng thụ tinh trong ống nghiệm Bệnh viện Từ Dũ không được nghỉ ngày thứ bảy, chủ nhật. Mỗi năm, Từ Dũ thực hiện được tối đa 2.000 ca. Muốn tăng hơn nữa cũng không được vì càng có nhiều người thực hiện thì hiệu quả càng thấp do sức người có hạn. Bởi vậy nên trong danh sách đăng ký thụ tinh trong ống nghiệm năm nay, có đến 800 người phải đợi đến năm sau mới tới lượt.

Mỹ Lan