![]() |
Giáo sư Hwang Woo-Suk, nhà tiên phong trong lĩnh vực nhân bản vô tính ở Hàn Quốc. |
Nhà tiên phong trong lĩnh vực nhân bản vô tính ở Hàn Quốc - giáo sư Hwang Woo-Suk - vừa quyết định từ bỏ mọi chức vụ hiện có và nhận trách nhiệm trong vụ scandal xâm phạm đạo đức liên quan đến nghiên cứu đột phá của ông - tạo ra phôi người nhân bản đầu tiên.
Ông Hwang thừa nhận đã che đậy việc các nữ khoa học trong nhóm nghiên cứu của ông hiến trứng của chính mình để sản xuất phôi người nhân bản. Theo tiêu chuẩn y đức quốc tế, các nhà khoa học được cảnh báo không nhận trứng từ thành viên trong nhóm nghiên cứu vì nếu không, họ sẽ bị ràng buộc và chịu sức ép chi phối.
Ông Hwang - người được Hàn Quốc xem là anh hùng dân tộc và là nhà tiên phong trên thế giới trong lĩnh vực nhân bản phôi người - cũng thừa nhận đã nói dối khi được hỏi về vấn đề đạo đức liên quan đến nguồn cung cấp trứng mà các cộng sự của ông có được năm ngoái. "Tôi lấy làm tiếc khi nói về những điều đáng xấu hổ và khốn khổ như vậy trước cộng đồng. Một lần nữa tôi chân thành xin lỗi vì đã gây ra sự bận lòng ở trong và ngoài nước", ông Hwang nói.
Vị giáo sư này quyết định từ bỏ tất cả các chức vụ đương nhiệm, bao gồm chiếc ghế chủ tịch Trung tâm Tế bào gốc Thế giới, vừa mới được chính phủ Hàn đầu tư thành lập tháng trước nhằm sản xuất tế bào gốc phục vụ cho các viện nghiên cứu trên toàn thế giới. Tuy nhiên, ông cho biết vẫn sẽ tiếp tục theo đuổi con đường nghiên cứu.
Tháng 2/2004, giáo sư Hwang và cộng sự tuyên bố nhân bản thành công phôi người đầu tiên trên thế giới và năm 2005, nhóm đã cho ra đời con chó nhân bản đầu tiên. Tuy nhiên, vào tháng 5/2004, tạp chí Nature, tờ báo khoa học có uy tín rất lớn trên thế giới, đã đặt ra hàng loạt câu hỏi đạo đức liên quan đến nguồn trứng trong nghiên cứu của Hwang. Lúc đó, Hwang đã phủ nhận lời buộc tội rằng các nữ khoa học của ông hiến trứng của chính họ.
Nhưng sau đó, Hwang mới biết được sự thật và đã giữ im lặng trong khoảng 1 năm, cho tới khi nhà khoa học danh tiếng ở Đại học Pittsburgh, Gerald Schatten, chấm dứt quan hệ hợp tác kéo dài 20 tháng với Hwang và quyết định phơi bày vụ hiến trứng, buộc tội Hwang nói dối.
Giải trình về nguyên nhân che giấu, Hwang cho biết, quả thật có hai nhà khoa học trong nhóm đã hiến trứng của họ cho ông, song ông một mực từ chối. Tuy nhiên, những người này sau đó đã giấu trưởng nhóm và tiếp tục hiến trứng dưới những cái tên giả vào năm 2003. Khi bị phát hiện ra vụ việc, các nữ khoa học này khẩn thiết đề nghị ông không tiết lộ. Và cuối cùng ông "đã không thể phớt lờ lời thỉnh cầu quyết liệt của họ nhằm bảo vệ bí mật riêng tư", và buộc lòng nói dối với Nature.
Ông Hwang cũng thừa nhận không hề biết về việc các đồng sự đã sử dụng một số trứng từ những người phụ nữ khác và đã trả tiền cho họ.
Trước vụ scandal này, Bộ Y tế và xã hội Hàn Quốc đứng ra bảo vệ Hwang và cho rằng vị giáo sư này không làm điều gì sai trái, cả về mặt đạo đức lẫn pháp lý, và cũng không chịu một sức ép nào. Chính phủ Hàn cho biết sẽ tiếp tục hỗ trợ cho Hwang một cách thoải mái về tài chính cho các nghiên cứu của ông và dự án Trung tâm tế bào gốc Thế giới.
Tuy nhiên, những nhà khoa học làm việc với Hwang cho rằng vụ scandal có thể cản trở nghiên cứu của ông, đặc biệt là gây tổn thất rất lớn cho Trung tâm tế bào gốc, vì dự án này phụ thuộc nhiều vào sự hợp tác với cộng đồng khoa học thế giới. Nó sẽ khó tránh bị tổn thương khi các chuyên gia có ý tránh xa Hàn Quốc.
"Vấn đề ở đây là lòng tin. Nếu sự cố này được giải tỏa... tôi tin rằng mọi người sẽ quay trở lại và tiếp tục tham gia nghiên cứu", Lee Jeong-Ryul, một chuyên gia tim mạch làm việc với Hwang, nói .
Theo giới chuyên môn, để đạt được kết quả nào đó trong việc nhân bản vô tính phôi người như của Hwang, người ta phải cần một lượng trứng người rất lớn. Lâu nay, vấn đề thiếu trứng luôn cản trở mọi nỗ lực nghiên cứu của các chuyên gia tế bào gốc. Năm ngoái, các nhà khoa học Mỹ và cộng đồng quốc tế đã không giấu nổi ngạc nhiên khi Hwang cho biết đã sử dụng 242 trứng người để tạo ra một dòng tế bào gốc.
Tế bào gốc là những tế bào chủ, có thể phát triển thành bất kỳ loại mô và tế bào nào trong cơ thể. Tế bào gốc có thể tìm thấy trong phôi và một số bộ phận khác. Chúng hứa hẹn khả năng chữa trị các căn bệnh nan y, từ ung thư cho tới bệnh Alzheimer và Parkinson.
Mỹ Linh (theo AFP)
▪ Thuốc xịt ngừa thai (10/07/2005)
▪ Cơn khóc co thắt ruột ở trẻ sơ sinh (09/07/2005)
▪ Ăn để tránh stress (09/07/2005)
▪ Kháng sinh có chữa được viêm xoang? (09/07/2005)
▪ Cây trúc đào (09/07/2005)
▪ Ho và khó thở (10/07/2005)
▪ Những yếu tố ảnh hưởng đến tinh trùng (10/07/2005)
▪ TP HCM chủ động phòng chống dịch cúm gia cầm (09/07/2005)
▪ Chứng gầy bệnh lý (09/07/2005)
▪ Một số bệnh lý đặc thù của nam giới (09/07/2005)