Mặc dù tỉnh Quảng Ngãi đã ban hành nhiều văn bản về phòng, chống dịch cúm gia cầm và đại dịch cúm ở người; đồng thời nhanh chóng tiêm vaccine cho đàn gia cầm trên địa bàn, nhưng vẫn không ngăn được dịch cúm gia cầm, gây chết hàng loạt gà, vịt, ngan và chim cảnh.
Theo Chi cục Thú y tỉnh, đến ngày 24-11, toàn tỉnh đã xảy ra mười ổ dịch cúm gia cầm. Các xã đã có dịch, tiêu hủy hàng nghìn con gia cầm như: Bình Thanh Tây, Bình Hòa (Bình Sơn), Tịnh Thọ (Sơn Tịnh), Nghĩa Thương (Tư Nghĩa), Ðức Phú (Mộ Ðức) và Hành Thiện (Nghĩa Hành)... phòng, chống dịch cúm gia cầm của tỉnh tổ chức đoàn công tác về cơ sở kiểm tra, giúp các địa phương xử lý triệt để các ổ dịch. Các huyện nằm trong vùng trọng điểm có dịch đã triển khai kế hoạch "bốn tại chỗ", thực hiện tốt biện pháp tiêu hủy gia cầm nhiễm bệnh, tiến hành phun thuốc khử trùng, tiêu độc vùng dịch đang xảy ra.
Ông Trương Ngọc Nhi, Phó Chủ tịch UBND tỉnh - Trưởng Ban chỉ đạo phòng, chống dịch cúm gia cầm và đại dịch cúm ở người của tỉnh, nhận xét: Tình hình dịch cúm gia cầm trên địa bàn đang phát sinh theo chiều hướng xấu. Nhiều xã đã có hai, ba ổ dịch xảy ra, làm chết hàng loạt gia cầm. Trong khi đó, một số ngành, địa phương nhận thức chưa đầy đủ về công tác phòng, chống dịch cúm gia cầm. Nhiều huyện chưa quyết liệt, còn thụ động trong việc triển khai kế hoạch hành động khẩn cấp. Có xã khi xảy ra dịch thì lúng túng về địa điểm chôn lấp gia cầm cũng như phun thuốc khử trùng, tiêu độc vùng có dịch. Cán bộ thú y xã, huyện thiếu trách nhiệm, không kịp thời lấy mẫu bệnh phẩm và chưa kiên quyết trong việc xử lý gia cầm bị nhiễm bệnh...
Có thể nói, công tác phòng, chống dịch cúm gia cầm ở Quảng Ngãi còn nhiều bất cập. Một số xã, phường thực hiện chưa tốt công tác thông tin, tuyên truyền, có nơi phổ biến hướng dẫn chiếu lệ nên người dân chưa thấu hiểu về hiểm họa của dịch cúm gia cầm và đại dịch cúm A ở người. Nhiều bà con nói: Qua truyền hình, đọc báo chúng tôi hiểu được chút ít, còn địa phương chưa phổ biến, triển khai cụ thể việc phòng, chống dịch cúm gia cầm nên nhiều người vẫn thờ ơ với hiểm họa này.
Tại xã Bình Hòa, Bình Thanh Tây (Bình Sơn), chúng tôi chứng kiến nhiều hộ nuôi vịt, với hàng nghìn con, nhưng chưa nắm rõ các biện pháp phòng, chống dịch cúm gia cầm. Người chăn nuôi hằng ngày phải tiếp xúc với đàn vịt bị nhiễm bệnh mà chưa biết gì về hiểm họa dịch. Anh Nguyễn Quang, ở thôn Long Bình, xã Bình Hòa, cho biết: Gia đình có đàn vịt đang bị nhiễm bệnh, nhiều con chết, nhưng chưa biết cách xử lý ra sao, trong khi môi trường ô nhiễm nặng chưa được khử trùng, tiêu độc...
Còn ở thôn Vạn Xuân, xã Hành Thiện (Nghĩa Hành) có hàng trăm con vịt bị dịch chết và hàng nghìn con bị nhiễm bệnh, nhưng chính quyền thôn, xã không nắm bắt kịp thời, chưa xử lý triệt để. Nhiều hộ chăn nuôi đã lén lút đi chôn lấp gà, vịt bị chết. Nhiều chợ ở thị trấn, nông thôn vẫn diễn ra tình trạng vận chuyển, mua bán, giết mổ gia cầm. Có bạn hàng đưa gia cầm từ thành thị về nông thôn bán với giá rẻ rất khó kiểm soát.
Khi chúng tôi đến chợ Bình Hiệp (Bình Sơn) nhiều người còn bày bán vịt, trứng gà. Thậm chí ngay một góc chợ, có người còn bán cháo, tiết canh vịt, nhiều người ăn uống rất tự nhiên. Một người bán vịt nói: Gia đình tôi nuôi một đàn vịt (250 con), hằng ngày đều đưa ra chợ bán, với thu nhập khoảng vài chục nghìn đồng. Còn bà Lê Thị Nhàn chuyên bán trứng vịt thì kể: Dân ở đây "ăn trứng" mạnh lắm, mỗi ngày tôi bán hơn 50 trứng vịt là bình thường.
Hiện nay ở thị trấn, thị tứ của tỉnh Quảng Ngãi còn nhiều quán ăn sử dụng sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc, nhất là những quán cơm phục vụ khách vãng lai. Một số sinh viên các trường: Cao đẳng Tài chính - Kế toán và Cao đẳng Sư phạm Quảng Ngãi cho biết: Ở khu vực gần trường có nhiều quán cơm bình dân, chúng em phải chọn quán đặt cơm tháng, nếu không thì ăn "cơm bụi" hằng ngày gặp phải thịt gia cầm không rõ nguồn gốc. Có quán ham lời mua cả gà, vịt chết về chế biến bán cho khách.
Ði trên đường phố Quảng Ngãi, chúng tôi vẫn thấy những quán cháo vịt, cơm gà bày bán bên đường. Cơm gà Huệ, ở đường Nguyễn Nghiêm hằng ngày đều mở cửa và lượng khách đến ăn khá đông. Chủ quán cơm gà nói một cách tự nhiên "Nghe nói dịch cúm gia cầm cũng sợ, nhưng ngày nào còn khách vào quán ăn thì ngày đó tôi còn bán". Ở đường Nguyễn Chánh, nơi cửa ra vào ga Quảng Ngãi ngày, đêm vẫn bày bán cháo vịt, tiết canh, cháo gà cho khách. Nhiều khách đi đường, chờ tàu đều tập trung vào các quán gần ga để uống cà-phê, thưởng thức món cháo gà "đặc sản" Quảng Ngãi...
Vấn đề cấp bách hiện nay của tỉnh là phải tập trung dập tắt các ổ dịch, khống chế không để lây lan diện rộng; có phương án thật sự khả thi để sẵn sàng xử lý kịp thời tình huống khi dịch bệnh phát sinh. Công tác thông tin, tuyên truyền phải liên tục, làm cho mọi người dân không chủ quan, thờ ơ trước nguy cơ đại dịch và nắm chắc các quy định cụ thể để tự giác và chủ động thực hiện đúng quy trình về phòng, chống dịch cúm gia cầm và đại dịch cúm ở người.
|