Bác sĩ Trần Song Thanh, giám đốc Bệnh viện da liễu Khánh Hòa cho biết: Hằng năm bệnh viện thực hiện khám cho hơn 203 nghìn lượt người, phát hiện 35-40 trường hợp mắc phong mới (trong đó số tàn tật độ hai chiếm gần 16%), đưa số người bệnh phong toàn tỉnh lên gần 740 ca. Ðến nay tỷ lệ phát hiện của Khánh Hòa còn ở mức khá cao (hơn 3,4/ 100 nghìn dân). Bệnh viện chủ yếu chỉ điều trị và chăm sóc tàn tật cho số người bệnh có cơn phản ứng phong nặng; riêng số được chăm sóc tàn tật tại cộng đồng còn hơn 530 người.
Người bệnh Nguyễn Bá Ðược, 54 tuổi quê Bình Sơn, Quảng Ngãi tâm sự: Qua xem truyền hình thấy có triệu chứng tương tự, cho nên tìm đến cơ sở khám bệnh. Năm 2003, ông vào viện với tình trạng chân tay tê bì, bưng bát cơm, cầm ly nước còn khó khăn, nhưng được các bác sĩ tận tình cứu chữa (bốn lần mổ giải áp thần kinh), dần dần tay chân trở lại hoạt động bình thường. Thỉnh thoảng xin bệnh viện về thăm gia đình, vợ con nhưng có gặp người làng thì họ tìm cách né tránh. Cụ Hồng (ở huyện Ninh Hòa) do phát hiện muộn, bị tàn tật nặng cả chân, tay. Bà vào điều trị trước năm 2000, bệnh tật được hạn chế nhưng có nguyện vọng gắn bó đến cuối đời với bệnh viện, vì người thân, họ hàng tìm cách xa lánh.
Ðến bệnh viện da liễu Khánh Hòa, chúng tôi có dịp bắt gặp những con người như xơ Nguyễn Thị Ðông (thuộc dòng nữ phan sinh thừa sai đức mẹ). Chị tâm sự: Tôi được đi học ở Bệnh viện phong Quy Hòa cho nên vào đây làm việc từ năm 1997. Công việc chính hằng ngày là thay băng, chích thuốc, truyền dịch cho người bệnh. Thấy họ là những người đáng thương cho nên tôi tình nguyện ở lại phục vụ và tìm cách động viên người bệnh vượt qua hoàn cảnh éo le...
Công tác phòng, chống (PC) bệnh phong được phát động từ đầu những năm 80 của thế kỷ trước (các tỉnh phía nam bắt tay vào cuộc muộn hơn năm 1990). Với sự nỗ lực cố gắng, nhất là từ khi có chương trình PC phong quốc gia (1995) thực hiện phác đồ đa hóa trị liệu của WHO, chúng ta phát hiện hơn 18 nghìn người bệnh phong mới, điều trị khỏi hơn 22 nghìn trường hợp; giảm tỷ lệ lưu hành (TLLH) bệnh này từ 6,78/10 nghìn dân xuống dưới 1/10 nghìn; đồng thời hạ thấp tỷ lệ tàn tật từ hơn 30% (1995) xuống gần 17% cuối 2004. Cũng vì vậy, cuối năm 2000, nước ta được công nhận loại trừ bệnh phong theo tiêu chuẩn của WHO. Ðến nay, mạng lưới chuyên khoa da liễu được trải rộng từ trung ương xuống tận cơ sở, công tác PC phong đã và đang được lồng ghép vào hoạt động khám, chữa bệnh đa khoa các cấp; hơn 30 tỉnh, thành phố trong cả nước được công nhận loại trừ bệnh phong theo bốn tiêu chuẩn Việt Nam.
Tuy nhiên, nhìn nhận một cách nghiêm túc, công tác PC phong còn nhiều khó khăn, thách thức. Mỗi năm ở nước ta phát hiện 1.500-2.000 ca phong mới, trong đó số tàn tật độ hai trở lên chiếm gần 20%, dẫn đến tình trạng hàng chục tỉnh (chủ yếu ở miền trung, Tây Nguyên) có tỷ lệ phát hiện ở mức cao; thậm chí một số địa phương rất cao như Gia Lai, Kon Tum, Tây Ninh, Bình Thuận, Ninh Thuận. Kiên Giang, Bình phước có tỷ lệ phát hiện phong mới từ 4,5-hơn 10/100 nghìn dân. Có đến 273/649 huyện năm nào cũng phát hiện ra người mắc phong mới và gần 120 huyện có tỷ lệ phát hiện và TLLH cao hơn mức cho phép. Mặt khác, mạng lưới PC phong ở địa bàn vùng sâu, vùng xa, hải đảo còn mỏng về số lượng và yếu kém về năng lực chuyên môn, trong khi một số địa phương sau khi được công nhận loại trừ bệnh phong theo tiêu chuẩn WHO tỏ ra lơi lỏng, ít quan tâm công tác PC phong, cắt giảm kinh phí. Cũng vì lẽ đó, số người bị tàn tật được chăm sóc điều trị phục hồi chức năng còn thấp. Ðó là chưa kể còn hiện tượng kỳ thị, mặc cảm với người mắc căn bệnh quái ác này, cho nên bệnh phong, nguồn lây của nó vẫn tiềm ẩn trong cộng đồng cần phải được ngăn chặn, loại trừ. Những người làm công tác quản lý lĩnh vực PC phong lo lắng, băn khoăn bởi còn 32 tỉnh, thành phố đến năm 2008 liệu có đạt bốn tiêu chuẩn loại trừ bệnh phong của nước ta?
Hội chống phong quốc tế tại các hội nghị Paris (2002) và khu vực tây Thái Bình Dương (2003) khẳng định bệnh phong vẫn là một vấn đề đáng kể trong nhiều năm nữa, vì vậy các chương trình PC phong tại các quốc gia cần tiếp tục được duy trì. Ðối với nước ta, việc tổ chức khám, phát hiện, điều trị phục hồi chức năng cho người bệnh phong càng trở nên bức xúc và thường xuyên trong sự nghiệp chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân từ nay đến năm 2010 và xa hơn.
PGS,TS Trần Hậu Khang, Phó Viện trưởng Da liễu T.Ư cho biết, mục tiêu của chương trình PC phong quốc gia là loại trừ căn bệnh này ở cấp tỉnh, thành phố theo bốn tiêu chuẩn Việt Nam vào năm 2008 và ở cấp huyện vào năm 2010. Quả thật đây là nhiệm vụ hết sức nặng nề, cần có các giải pháp đồng bộ và sự nỗ lực, quyết tâm cao mới giải quyết được. Một mặt, mạng lưới da liễu từ trung ương xuống cơ sở cần được kiện toàn một cách hợp lý (hiện nay các bệnh viện phong và da liễu Quỳnh Lập, Quy Hòa thì trực thuộc Bộ Y tế, trong khi Viện Da liễu T.Ư lại thuộc Bệnh viện Bạch Mai nhưng phải đảm nhiệm chỉ đạo tuyến đối với hệ thống da liễu cả nước).
Có kế hoạch đào tạo, bổ sung lực lượng cán bộ chuyên khoa cho hơn 20 tỉnh, thuộc địa bàn miền trung, Tây Nguyên và Tây Nam Bộ còn nhiều khó khăn; đầu tư nâng cấp trang thiết bị cho các cơ sở da liễu; đồng thời làm tốt việc lồng ghép công tác chống phong vào mạng lưới y tế đa khoa các cấp. Có vậy, mới hy vọng đến năm 2008 loại trừ bệnh phong ở cấp tỉnh, thành phố. Mặt khác chú trọng, tích cực tổ chức khám và phát hiện người mắc phong mới bằng nhiều hình thức (khám tiếp xúc người trong gia đình có trường hợp mắc bệnh và cả gia đình hàng xóm, khám toàn dân theo năm bước cải tiến...).
Ði liền là thực hiện các dự án hành động đặc biệt (SAPEL) ở những địa bàn vùng sâu, vùng xa, biên giới hải đảo còn tỷ lệ lưu hành bệnh phong cao nhưng khả năng phát hiện và chữa trị còn hạn chế. Kết hợp việc áp dụng phác đồ đa hóa trị liệu một cách nghiêm ngặt đối với những trường hợp mắc phong thuộc nhóm nhiều vi khuẩn trên phạm vi cả nước. Quan tâm chăm sóc, điều trị, phục hồi chức năng cho người bệnh phong bị tàn tật (hơn 18 nghìn trường hợp); nhất là phẫu thuật chỉnh hình, làm sạch lỗ đáo, hướng dẫn họ cách chăm sóc bàn chân, bàn tay mất cảm giác. Phối hợp các cơ quan chức năng tổ chức hướng nghiệp, dạy nghề, tạo điều kiện cho người bệnh phong tăng gia sản xuất, hòa nhập cộng đồng. Ðiều không kém phần quan trọng là ngành y tế cùng các ngành, các cấp khơi dậy phong trào xã hội hóa PC bệnh phong, trên cơ sở đó, hoạch định chiến lược tầm nhìn đến năm 2020, tiến tới thanh toán bệnh phong ở Việt Nam.
|