Tắm rửa cho trẻ thường xuyên ít nhất 1 lần trong ngày bằng nước ấm, có thể sử dụng các loại lá như chè tươi, mướp đắng, nước cốt quả chanh... để tắm cho trẻ. Khi tắm, không kỳ cọ hoặc chà xát quá mạnh làm vỡ mụn rôm.
Bôi phấn rôm cho trẻ sau khi tắm. Phấn rôm có tác dụng sát khuẩn, thoáng da, hút nước. Lưu ý phải lau khô cơ thể trước khi bôi phấn. Không bôi các loại thuốc mỡ dễ làm bí da và gây phản ứng viêm da tạo thành mụn nước có mủ.
Quần áo, tã lót của trẻ phải thoáng, mỏng, thấm mồ hôi. Đặc biệt lưu ý với trẻ sơ sinh không nên quấn quá nhiều tã lót hoặc đóng bỉm vào mùa hè làm cho da trẻ bị ẩm, không thoát được hơi nước dễ bị rôm sẩy, hăm đỏ.
Tuyệt đối không dùng tay cậy rôm (còn gọi là giết rôm) vì móng tay chứa rất nhiều vi khuẩn, không những gây ngứa ngáy thêm mà còn tiếp tay cho vi trùng xâm nhập vào da một cách dễ dàng.
Hướng cho trẻ chơi những trò chơi nhẹ nhàng khi trời nóng để trẻ không bị vã mồ hôi quá nhiều. Khi trẻ bị ngứa vì rôm đốt phải cho trẻ vào chỗ mát, lau khô mồ hôi và không gãi mạnh mà chỉ nên xoa nhẹ trên da rồi tắm rửa cho trẻ.
Cho trẻ ăn nhiều rau quả, uống đủ nước. Một số loại thức ăn như bột sắn, chè đậu xanh, đậu đen hay những loại thuốc nam như bồ công anh, kim ngân hoa, ké đầu ngựa... có thể làm rôm lặn bớt. Không nên cho trẻ ăn nhiều đường hoặc các loại thực phẩm, hoa quả có hàm lượng đường cao như mít, xoài, dứa, vải...
|