Bệnh nhân ở BV Tâm thần trung ương 2 (Biên Hòa, Đồng Nai) đang vẽ và thêu. Những sản phẩm của họ sẽ trưng bày tại gian hàng "Friends shop" của BV, giúp xã hội có cái nhìn chính xác hơn về bệnh tâm thần - Ảnh: TUẤN QUỲNH |
Lên chức cũng... tâm thần
Theo GS Hinh, điều này phụ thuộc từng người và những người ít được va chạm, tôi luyện... sẽ dễ dàng mắc bệnh hơn khi gặp những “chất xúc tác” như bị người yêu bỏ, bị cấp trên trù dập hay không xin được việc làm, bị gia đình chê trách khi không may mắc lỗi...
“Nhiều người, kể cả những người làm nghề y nhưng không phải là bác sĩ chuyên khoa tâm thần, đều nghĩ rằng người mắc bệnh liên quan đến sức khỏe tâm thần là đều bị... điên rồ, chạy lung tung ngoài đường. Không phải như vậy, mất ngủ, stress, vui buồn thất thường... cũng là chứng bệnh liên quan đến sức khỏe tâm thần” - TS Ngô Thanh Hồi, giám đốc Bệnh viện (BV) tâm thần ban ngày Mai Hương (Hà Nội), cho biết.
Bệnh liên quan đến sức khỏe tâm thần có tới 10 nhóm (từ F0- F9), với hàng trăm loại bệnh, và những người bệnh nặng như điên, tâm thần phân liệt... chỉ thuộc một trong số 10 nhóm bệnh này.
Theo bác sĩ Bế Thị Hiển, trưởng khoa lâm sàng BV Mai Hương, trước đây BV chủ yếu tiếp nhận bệnh nhân bị tâm thần phân liệt, những người bị chia cắt các chức năng về xã hội tâm lý như cảm xúc cùn mòn, rối loạn hành vi... Tuy nhiên, hiện nay, bệnh nhân bị rối loạn tâm thần có rất nhiều mức độ biểu hiện và nguyên nhân. Trong số 65 bệnh nhân nội trú hiện tại của BV có đến 16 bệnh nhân chịu tác động của những căng thẳng do thay đổi chỗ ở, phá sản, việc học, mất việc, sang chấn tâm lý... Bác sĩ Hiển khẳng định có hơn 10% bệnh nhân rối loạn tâm thần do áp lực và căng thẳng trong công việc. |
Không dám đến BV chuyên khoa
Điều rắc rối hiện nay, theo đánh giá của các bác sĩ tâm thần, là cả người dân và thầy thuốc đều kỳ thị căn bệnh này. Chính vì vậy, nhiều người mắc bệnh (đơn giản là đau đầu, mất ngủ, căng thẳng thần kinh...) nhưng không biết đến khám và điều trị ở đâu, hoặc không dám đến các BV chuyên khoa tâm thần.
“Trong khi nếu xây các khoa tâm thần trong BV đa khoa lại rất đông bệnh nhân” - ông Lý Ngọc Kính, vụ trưởng Vụ Điều trị (Bộ Y tế), nhận xét. TS Ngô Thanh Hồi nhấn mạnh rằng: “Nếu không được điều trị kịp thời, từ các biểu hiện có vẻ đơn giản như mất ngủ, lo lắng, vui buồn thất thường... cũng sẽ dẫn đến các căn bệnh nặng hơn như đau dạ dày”.
Một vấn đề nữa là tình trạng thiếu trầm trọng bác sĩ chuyên khoa tâm thần. Kết quả cuộc điều tra gần nhất cho thấy chỉ có hơn 280 bác sĩ trong số 600 bác sĩ ở các BV tâm thần là bác sĩ chuyên khoa. Ở BV Tâm thần Hải Dương, chỉ có sáu trong hàng chục bác sĩ đang công tác ở đây là bác sĩ chuyên khoa, nhưng các bác sĩ “chưa chuyên khoa” lại không muốn đi học vì đã ngấp nghé... chuyển đi nơi khác hoặc vì đời sống rất khó khăn.
Tại BV tâm thần ban ngày Mai Hương, ngoài điều trị bằng thuốc, mô hình điều trị đang được sử dụng là kết hợp với phục hồi chức năng: tổ chức cho bệnh nhân đi dã ngoại, thư giãn, trị liệu nhóm (như thảo luận theo chủ đề “Phố phường Hà Nội”, “Tác hại của thuốc lá”, “Những vấn đề bệnh nhân quan tâm”...); điều trị theo “lao động liệu pháp” bằng cách cho bệnh nhân nấu ăn, may vá... nhằm giúp bệnh nhân giải tỏa những bế tắc trong cuộc sống, nhanh chóng tái hòa nhập cộng đồng.
L.ANH - N.HÀ
▪ Thuốc xịt ngừa thai (10/07/2005)
▪ Cơn khóc co thắt ruột ở trẻ sơ sinh (09/07/2005)
▪ Ăn để tránh stress (09/07/2005)
▪ Kháng sinh có chữa được viêm xoang? (09/07/2005)
▪ Cây trúc đào (09/07/2005)
▪ Ho và khó thở (10/07/2005)
▪ Những yếu tố ảnh hưởng đến tinh trùng (10/07/2005)
▪ TP HCM chủ động phòng chống dịch cúm gia cầm (09/07/2005)
▪ Chứng gầy bệnh lý (09/07/2005)
▪ Một số bệnh lý đặc thù của nam giới (09/07/2005)