![]() |
Niêm mạc tử cung dày lên, bong ra trong kỳ kinh (trái) và trạng thái bình thường (phải). |
Rong kinh cơ năng là tình trạng hành kinh kéo dài trên 7 ngày mà không do những tổn thương đang có ở tử cung hoặc buồng trứng. Việc không điều trị có thể dẫn đến vô sinh hoặc ung thư.
Rong kinh là hiện tượng hành kinh kéo dài trên 7 ngày; còn rong huyết là ra huyết qua đường âm đạo có thể từ buồng tử cung mà cũng có thể không phải từ buồng tử cung, lượng có thể nhiều hay ít tùy từng trường hợp.
Người ta chia rong kinh ra làm hai loại: rong kinh thực thể do có tổn thương ở tử cung hay buồng trứng (như u xơ tử cung, viêm nội mạc tử cung, buồng trứng đa nang) và rong kinh cơ năng không do tổn thương ở 2 bộ phận này.
Rong kinh cơ năng có hai loại nguyên nhân chính:
Rối loạn đông máu: Chủ yếu là bệnh huyết sinh (hemogenia), biểu hiện bằng thời gian chảy máu kéo dài và rong kinh ngay từ kỳ hành kinh đầu tiên.
Rối loạn nội tiết: Chủ yếu là tình trạng không phóng noãn, nguyên nhân khá phức tạp, có thể do vùng dưới đồi, tuyến yên hoặc buồng trứng. Trên thực tế, nếu không bị rong ngay từ kỳ kinh đầu tiên thì có thể loại trừ ngay hemogenia (một bệnh có tính chất di truyền). Nếu không có tiền sử bệnh gan và bệnh thận thì có thể loại trừ nguyên nhân nội khoa và nghĩ sang ngay nguyên nhân nội tiết phụ khoa.
Rong kinh cơ năng hay gặp nhất vào giai đoạn đầu và giai đoạn cuối của thời kỳ hoạt động sinh sản, tức sau dậy thì vài năm và tiền mãn kinh. Ở hai giai đoạn này, các vòng kinh thường không có phóng noãn, không có hoàng thể và không chế tiết progesteron - chất cần thiết để giúp nội mạc tử cung bong gọn, bong triệt để và không bị rong kinh.
Trong tuổi hoạt động sinh sản rất ít khi có rong kinh cơ năng và bao giờ cũng phải cảnh giác có nguyên nhân thực thể như sẩy thai, thai chết lưu, chửa trứng, chửa ngoài tử cung, u xơ tử cung, ung thư cổ tử cung, ung thư thân tử cung, ung thư nguyên bào nuôi, di căn ung thư nguyên bào nuôi ở âm đạo...
Để chẩn đoán rong kinh cơ năng, trước hết dựa vào tuổi của người bệnh. Rong kinh tuổi dậy thì thường xảy ra 1,5-2 năm sau kỳ hành kinh đầu tiên. Đó là hậu quả của sự không phóng noãn và thiếu progesteron kéo dài. Đầu tiên, các vòng kinh thưa dần và rong kinh thường xảy ra sau khi bị chậm kinh. Nếu như bệnh nhân đã có chồng thì dễ nhầm với có thai và dọa sẩy, gây ra huyết nhiều và kéo dài (trong trường hợp dọa sẩy thì có ra máu cục).
Đối với rong kinh tiền mãn kinh, tuổi của người bệnh thường trên 40, có chu kỳ thưa dần, hành kinh nhiều huyết, kéo dài và máu không đông. Nếu như rong kinh tuổi dậy thì là do cơ năng thì với tuổi ngoài 40, phải cảnh giác với nguyên nhân thực thể như u xơ tử cung, ung thư nguyên bào nuôi, ung thư cổ tử cung, nhất là ung thư nội mạc tử cung. Vì thế, phụ nữ trên 40 tuổi bị rong kinh nên nạo buồng trứng tử cung để cầm máu nhanh và lấy mảnh nội mạc tử cung làm xét nghiệm xem có ung thư không.
Trừ khi nguyên nhân là rối loạn đông máu, tất cả các ca rong kinh cơ năng đều có thể cầm được máu nhanh sau nạo buồng tử cung.
Tuy nhiên, đối với rong kinh dậy thì, các bệnh nhân nữ chưa có chồng, màng trinh còn nguyên vẹn nên người ta tránh dùng phương pháp này, chủ yếu dùng thuốc co tử cung và hoóc môn.
Đối với rong kinh tiền mãn kinh, việc đầu tiên là nạo nội mạc tử cung toàn bộ, thử giải phẫu bệnh lý mảnh nạo. Sau nạo, bệnh nhân thường cầm máu nhanh sau ít giờ. Có nhiều trường hợp hết được rong kinh trong nhiều năm. Nếu xét nghiệm thấy có quá sản nội mạc tử cung và rong kinh tái phát thì nên cho dùng thuốc progestin dự phòng, uống trong 10 ngày, bắt đầu từ ngày thứ 16 của vòng kinh.
Rong kinh cơ năng dù là ở tuổi dậy thì hay tiền mãn kinh thì đều phải điều trị sớm ngay từ lần đầu tiên để đỡ bị thiếu máu và dễ khỏi được nguyên nhân. Các thiếu nữ bị rong kinh dậy thì nếu để thiếu máu lâu dài thì vùng dưới đồi sẽ bị tổn thương khó hồi phục, dễ bị rong kinh tái phát nhiều lần, rất dễ bị vô sinh sau này do kém hoặc không phóng noãn.
Đối với rong kinh tiền mãn kinh nếu để lâu không điều trị hoặc điều trị không triệt để, có thể diễn biến thành ung thư nội mạc tử cung trong trường hợp có quá sản nội mạc tử cung, mặc dù tình trạng quá sản này ban đầu là lành tính.
GS Nguyễn Khắc Liêu, Sức Khỏe & Đời Sống
▪ Thuốc xịt ngừa thai (10/07/2005)
▪ Cơn khóc co thắt ruột ở trẻ sơ sinh (09/07/2005)
▪ Ăn để tránh stress (09/07/2005)
▪ Kháng sinh có chữa được viêm xoang? (09/07/2005)
▪ Cây trúc đào (09/07/2005)
▪ Ho và khó thở (10/07/2005)
▪ Những yếu tố ảnh hưởng đến tinh trùng (10/07/2005)
▪ TP HCM chủ động phòng chống dịch cúm gia cầm (09/07/2005)
▪ Chứng gầy bệnh lý (09/07/2005)
▪ Một số bệnh lý đặc thù của nam giới (09/07/2005)