Sinh đôi và sức khỏe người mẹ
Các Website khác - 21/12/2005
Khi mang đa thai, người mẹ có nguy cơ mắc một số bệnh lý về thai sản, gặp khó khăn khi sinh con và chăm sóc bé.
Đa thai là gì?

Càng ngày người ta càng thấy xuất hiện nhiều đứa trẻ sinh đôi. Các nhà khoa học giải thích hiện tượng sinh đôi, sinh ba... (đa thai) ngày càng nhiều là do nhiều phụ nữ sinh con ở độ tuổi lớn hơn, do việc sử dụng thuốc sinh sản và các kỹ thuật hỗ trợ như thụ tinh trong ống nghiệm. Đa thai xảy ra khi một trứng đơn chia thành nhiều phần sau khi thụ tinh hoặc khi hơn một trứng được thụ tinh.

Sinh đôi cùng trứng gọi là sinh đôi đồng hợp tử hay sinh đôi giống hệt nhau, xảy ra khoảng 1/250 trên toàn thế giới. Sinh đôi khác trứng, gọi là sinh đôi dị hợp tử, xảy ra khoảng 1/ 100 ở phụ nữ da trắng, 1/79 ở phụ nữ da đen. Ở châu Á, các trường hợp sinh đôi ít phổ biến hơn khoảng 1/150. Sinh ba không phổ biến khoảng 1/8.000. Theo số liệu thống kê của Bệnh viện phụ sản Hà Nội tỷ lệ đa thai là 1/200.

Nguyên nhân dẫn đến đa thai

Đa thai tự nhiên:

* Do di truyền: Người phụ nữ được sinh đôi thì khả năng sinh đôi của người phụ nữ đó là 1/58. Nếu một người phụ nữ là con của một người được sinh đôi, cô ta cũng có khả năng sinh đôi cao hơn. Một nghiên cứu khác ghi nhận rằng trong 24 người mẹ sinh đôi thì có một người là con sinh đôi (4%), còn trong số 60 ông bố sinh đôi thì có một người là con sinh đôi (1,7%).

* Tuổi người mẹ cao: Sự gia tăng các trong hợp sinh đa thai ở phụ nữ lớn tuổi là do mức gonadotropin cao, hormon này kích thích buồng trứng phát triển và rụng trứng. Khi phụ nữ lớn tuổi, mức gonadotropin tăng lên và rất có thể hai trứng được tạo ra trong một chu kỳ kinh nguyệt. Hầu hết các trường hợp sinh đôi ở phụ nữ lớn tuổi là sinh đôi khác trứng.

Đa thai do các kỹ thuật hỗ trợ sinh sản như kích thích noãn, thụ tinh trong ống nghiệm. Do dùng thuốc sinh sản thường xuyên để tăng khả năng mang thai, nhiều trứng rụng cùng một lúc hoặc do cấy nhiều trứng đã được thụ tinh với hy vọng có ít nhất một trứng sẽ phát triển.

Những nguy cơ khi đa thai

Nguy cơ khi mang thai: Theo bác sĩ Lê Hoài Chương (Bệnh viện phụ sản Trung ương) thì một cơ thể nuôi một bào thai bao giờ cũng chu đáo hơn khi phải nuôi hai hoặc nhiều hơn. Trong quá trình mang đa thai có nhiều nguy cơ bệnh lý như: nguy cơ sảy thai, đẻ non rất cao; nguy cơ nhiễm độc thai nghén, tiền sản giật - hai nguy cơ nguy hiểm nhất đối với phụ nữ mang thai ở phụ nữ đa thai cũng rất cao, đặc biệt ở những tháng cuối do tử cung phải chứa nhiều thai đang phát triển.

Những nguy cơ khi đa thai

Nguy cơ khi đẻ: Những bất thường về ngôi thai thường hay xảy ra ở những phụ nữ đa thai. Cuộc đẻ đa thai bao giờ cũng phức tạp hơn rất nhiều đơn thai, cần sự chăm sóc, theo dõi đặc biệt, đỡ đẻ vất vả hơn, cần nhiều bác sĩ đỡ, nhiều tai biến có thể xảy ra, thời gian chuyển dạ lâu, kéo dài, nguy cơ tai biến cho thai tiếp theo rất cao.

- Những khó khăn trong chăm sóc sau đẻ: Chăm sóc một đứa trẻ đã khó, chăm sóc hai đứa trẻ cùng một lúc còn khó gấp bội. Chính vì vậy người mẹ sinh đôi phải có những kỹ năng chăm sóc đặc biệt như cách cho hai em bé bú cùng một lúc, cách dỗ hai bé, cách cho hai bé ngủ... Những trường hợp sinh đôi hơn lúc nào hết người mẹ cần một người phụ giúp và không ai tốt hơn người bố.

Tâm sự của những người trong cuộc

Chị Triệu Thị Huyền, 38 tuổi, nội trợ, ở ngõ Lệnh Cư, Đống Đa, Hà Nội có hai cô con gái sinh đôi khác trứng 3 tuổi rất xinh xắn Thùy Linh và Thùy Dương. Chị Huyền nhớ lại khi con trai đầu lòng của chị được 7 tuổi thì chị có bầu lần thứ hai. Lần này giống như lần đầu, chị cũng nghén rất nhiều, chẳng ăn được gì mãi đến tháng thứ 6 chị mới biết là thai đôi. Biết tin ấy chị vừa mừng vừa lo, nhưng có lẽ là lo nhiều hơn, mừng vì sắp có hai cô con gái cùng một lúc và lo vì sợ đẻ khó phải mổ. Càng đến gần ngày đẻ chị càng mệt mỏi, khó chịu, hai thai đè vào bụng khiến chị không muốn ăn. Ngồi khó, nằm cũng khó, nằm nghiêng sợ hai thai đè vào nhau, năm ngửa thì khó chịu, chị đành phải nửa nằm nửa ngồi. Chị tâm sự: "Người ta cũng sinh đôi nhưng hai thai song song nên dễ chịu, mình một thai nằm ngang, một thai nằm dọc nên rất khó chịu. Nhất là lúc đẻ, con ra trước, 15 phút sau bác sĩ phải thò cả tay vào, những người khác thì ấn bụng để kéo và lôi thật mạnh mới ra được. Khi nuôi chúng thật là vất. Nuôi bộ mà, nên cả đêm lục đục pha sữa cho con, vừa cho đứa này ăn xong, đặt xuống nó lại ộc hết sữa ra mặt đứa kia. Tuy vất thế nhưng cũng thích lắm, cứ nhìn hai đứa chơi với nhau là lại thấy sung sướng vô cùng. Chị Huyền cười tủm tỉm, chị còn tiết lộ gia đình chị có gene sinh đôi.

Chị Đặng Thị Phương, 33 tuổi, bác sĩ nhãn khoa Bệnh viện Việt Nam Thụy Điển Uông Bí (Quảng Ninh) lại có hai cô con gái sinh đôi cùng trứng cũng 3 tuổi Ngọc Linh, Mai Linh thì tâm sự, mang thai được 7 tuần đi siêu âm được biết mình có 2 phôi trong buồng ối. Khi ấy chị lo nhiều vì người nhỏ mà nghén rất nặng, chị sợ không đủ sức để nuôi 2 thai. Là bác sĩ nên chị có ý thức cao trong việc ăn uống: Cả ngày đi làm, tối về tranh thủ ăn để bồi dưỡng. Những tháng cuối chị bị nhiễm độc thai nghén - phù chân, phải ăn nhạt. Khi đẻ do con lớn, ngôi ngược nên phải mổ. Vất vả đấy nhưng chị Phương vẫn vô cùng hạnh phúc khi thấy hai con ngày một khôn lớn, xinh xắn.

Theo Đại đoàn kết