Sỏi mật
Các Website khác - 16/07/2005

"Người thân của tôi mắc bệnh sỏi mật, ngoài ra còn có cả giun và sỏi trong gan. Xin hỏi bác sĩ có loại thuốc nào uống làm tan sỏi không, hay nhất thiết phải mổ để lấy sỏi? Làm thế nào để sỏi không tái phát?".

Trả lời:

Bệnh lý sỏi mật được xử lý tùy theo vị trí của sỏi:

Sỏi nằm ở phần thấp của đường mật chính (ống mật chủ) có thể lấy bằng phương pháp nội soi, tức là đưa ống soi qua dạ dày xuống tá tràng sau đó đưa vào đường mật và lấy sỏi ra.

Sỏi túi mật hoặc sỏi chỉ nằm trong đường mật chính thì có thể thực hiện phẫu thuật nội soi để lấy sỏi. Còn sỏi túi mật thì không lấy mà thực hiện cắt túi mật do nguy cơ biến chứng viêm, hoại tử thủng túi mật.

Sỏi đường mật trong gan phải tiến hành bằng mổ mở mới lấy hết sỏi được. Có thể kết hợp tán sỏi đường mật khi thực hiện mở đường mật nếu mật nằm sâu trong gan để lấy sỏi ra.

Trường hợp người thân của bạn có cả giun và sỏi trong gan, bệnh tái phát nhiều lần thì nên đến bệnh viện khám, từ đó bác sĩ sẽ có chỉ định điều trị cụ thể. Cho đến nay, chưa có loại thuốc nào uống làm tan sỏi mật được. Nếu sỏi nhỏ, ít và di động, có thể dùng thuốc giãn cơ để cho sỏi đi xuống đường ruột và đào thải ra ngoài. Nhưng phương pháp điều trị này chỉ áp dụng khi bệnh nhân thể trạng tốt, không có biến chứng, chưa điều trị thử lần nào. Nếu tái phát nhiều, điều trị nội khoa không khỏi thì phải can thiệp phẫu thuật.

Một trong các nguyên nhân tạo sỏi là nhiễm trùng bởi giun, trứng giun, sau đó chết nằm lưu trong đường mật, lắng đọng các chất và tạo nên. Do vậy muốn tránh sỏi, phải ăn uống vệ sinh, điều trị các bệnh lý về giun sán... như tẩy giun định kỳ 1 năm/lần.

BS Nguyễn Đức Chính, Sức Khoẻ & Đời Sống