Trẻ em thường gặp các tai nạn về mắt trong các trường hợp: dùng súng cao su hoặc lấy chun vòng căng ra, lấy giấy vo tròn lại, hoặc lấy quả xoan, que tre làm đạn để bắn nhau; ở nông thôn trẻ đi chăn trâu bị sừng trâu, sừng bò văng vào mắt; học sinh đi học lấy thước kẻ phi tiêu vào mặt nhau, hoặc trẻ đùa nghịch va vào cạnh bàn, cạnh ghế, cạnh bảng. Ngoài ra các em còn bị chó, mèo cào, cò mổ vào mắt. Một số em tò mò còn lấy vôi cho vào ống thuỷ tinh để tôi cho vôi sôi sùng sục lên bị mảnh thuỷ tinh vỡ ra cùng với vôi tôi nóng bắn vào mắt hoặc tôi vôi trong các bình sành, sứ rồi ghé mắt vào miệng bình để xem phản ứng hoá học cũng bị vôi nóng bắn vào mắt gây bỏng. Các tình huống gây nên chấn thương tại mắt rất đa dạng hầu hết xảy ra trong sinh hoạt hàng ngày. Theo thống kê tại Khoa Cthương Bệnh viện Mắt trung ương thì tai nạn về mắt của trẻ em chiếm 1/3 trong tổng số bệnh nhân đến khám và điều trị tại khoa. Trong đó trẻ em nam chiếm tới 70%.
Bác sĩ Đào Lan Hoa, Khoa Chấn thương Bệnh viện Mắt trung ương cho biết: Các tai nạn mắt ở trẻ em được chia làm hai loại: vết thương xuyên có dị vật nội nhãn và vết thương gây đụng giập nhãn cầu.
Đối với những vết thương xuyên có dị vật nội nhãn cần đặc biệt chú ý chúng sẽ làm rách giác, củng mạc. Các tổ chức ở nội nhãn (tiền phòng, thể thuỷ tinh, dịch kính, võng mạc ....) bị phòi ra ngoài có nguy cơ nhiễm khuẩn cao, gây viêm mủ nội nhãn làm mất chức năng của mắt, khó bảo tồn được nhãn cầu. Mặc dù có cấp cứu ngay và bằng những tiến bộ của khoa học giúp phục hồi chức năng cho mắt thì những tổn thương này cũng để lại những di chứng rất nặng nề: mất thị lực hoặc phục hồi được nhưng cũng không đáng kể. Tỷ lệ mù loà cho những vết thương này chiếm tới 1/3.
Đối với vết thương đụng giập nhãn cầu, giác củng mạc có thể không bị rách nhưng sẽ gây xung huyết tiền phòng, dịch kính, võng mạc dẫn đến tổ chức hoá dịch kính, bong võng mạc và dẫn tới mù loà.
Với những trường hợp bỏng mắt do vôi. Đây là chấn thương nặng nề nhất để lại di chứng gây đục trắng sứ giác mạc (trông như mắt lợn luộc) và bệnh nhân vĩnh viễn không nhìn được.
Ở nông thôn có các chấn thương do que tre, que nứa mục, hoặc cọng rơm, hạt thóc bẩn... bắn vào mắt gây ra vết thương nhiễm nấm. Khi nấm vào nội nhãn rất khó điều trị. Tiên lượng về thị lực kém hơn nhiều so với những vết thương do nhiễm khuẩn.
Những tai nạn về mắt gây giảm thị lực của mắt và nếu không được xử lý, điều trị kịp thời không những chỉ giảm thị lực của mắt bệnh mà còn có nguy cơ "nhãn viêm giao cảm" lây sang mắt lành.
Phòng tránh
Nguyên nhân gây ra các tai nạn về mắt ở trẻ một phần là do những việc làm trong cuộc sống sinh hoạt hàng ngày không may va, bắn vào mắt nhưng phần lớn là do các em còn nghịch dại chưa hiểu hết được sự nguy hiểm của các trò chơi. Trẻ em nam bị chấn thương về mắt nhiều hơn trẻ em nữ. Sở dĩ như vậy là do trẻ em nam thường hiếu động hơn, nghịch ngợm hơn nữ.
Để phòng tránh các tai nạn về mắt ở trẻ em thiết nghĩ cần có sự kết hợp giữa gia đình, nhà trường và xã hội trong việc giáo dục các em vui chơi lành mạnh, hướng dẫn cho trẻ thấy được những nguy cơ và hậu quả của những trò chơi nguy hiểm, giúp trẻ cẩn thận hơn để tự mình phòng tránh.
Khi xảy ra chấn thương không được tự lau chùi vết thương (vì có những trường hợp tự lau chùi vết thương xuyên có dị vật nội nhãn, các tổ chức trong mắt phòi ra ngoài nên đã vô tình lau cả các tổ chức đó đi), nếu có băng sạch thì băng qua vào mắt và đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế có chuyên khoa mắt.
|