![]() |
Cần giám sát chặt chẽ gia cầm nuôi. |
Nguồn lây H5N1 nguy hiểm nhất hiện nay là từ vịt nuôi. Một khi loài thuỷ cầm này mắc bệnh thì sẽ rất khó phát hiện, vì chúng gần như không thể hiện triệu chứng, tạo điều cho virus "vô tư" đột biến. Việt Nam đang chuẩn bị tiêu huỷ 10 triệu con vịt trên cả nước.
Lâu nay, tiêu điểm chính của giới khoa học vẫn là gà, song những ca bệnh mới đây lại xuất hiện nhiều trên vịt nuôi. Con người hiện nay chủ yếu nhiễm bệnh qua tiếp xúc trực tiếp với gia cầm bệnh còn sống. Ở những vùng nông thôn nuôi gia cầm theo kiểu chăn thả, con bệnh có thể thải phân mang virus khắp nơi. Phân độc khi khô lại sẽ mau chóng trở thành dạng bụi và phát tán trong không khí, khiến con người dễ hít phải. Đó là lập luận mới nhất của các chuyên gia đến từ Trung Quốc, Indonesia, Thái Lan, Mỹ và Việt Nam, sau khi tiến hành thử nghiệm trên vịt trong phòng thí nghiệm.
Theo tiến sĩ Robert Webster, Bệnh viện Nhi St Jude (Mỹ), vịt là "Con ngựa Thành Troa" của virus cúm gà, nghĩa là một nguồn bệnh thầm lặng. Nhóm nghiên cứu của Webster đã cho một số con vịt trời 2 tuần tuổi nhiễm các chủng virus cúm gà khác nhau được phân lập từ người và gia cầm từ năm 1997 tới 2004, gồm cả H5N1. Bốn giờ sau đó, số vịt này được nhốt chung chuồng với hai con không nhiễm bệnh.
Kết quả sau 21 ngày quan sát cho thấy, tất cả vịt bệnh đều thải ra virus, chủ yếu qua đường hô hấp trên. Cả hai con vịt khỏe cũng đã nhiễm virus, song một con trong đó hoàn toàn sạch bệnh trong 7 ngày.
Nhóm nghiên cứu phát hiện ra đặc tính của virus cúm gà đã thay đổi nhiều kể từ năm 2002 đến nay. Những con vịt nhiễm H5N1 của 2003 hoặc 2004 thải virus trong 11-17 ngày, lâu hơn so với các chủng từ trước năm 2002. Mặc dù H5N1 không còn làm cho vịt khỏe mạnh bị ốm nặng, song nó vẫn là mối đe doạ lớn đối với loài gà và con người.
Trước phát hiện mới, Tổ chức Thú ý Thế giới (FAO) cho rằng cần tăng cường kiểm soát chặt chẽ dịch bệnh bằng biện pháp tiêm chủng cho gia cầm khỏe, tiêu huỷ con bệnh và khuyến khích nâng cao kỹ thuật chăn nuôi. Đặc biệt phải đảm bảo bồi thường thoả đáng cho nông dân bị mất gia cầm do dịch bệnh, theo đó giúp họ sẵn sàng thông báo kịp thời cho nhà quản lý về trường hợp nhiễm bệnh.
Việt Nam hiện nay có khoảng 10 triệu con vịt mang virus không có triệu chứng, trong tổng số 40 triệu con gia cầm, tập trung chủ yếu ở đồng bằng sông Cửu Long. Vừa qua, Chính phủ đã nâng mức hỗ trợ tiền tiêu huỷ từ 5.000 đồng/con lên 18.000 đồng/con, áp dụng cho vịt bệnh từ tháng 12/2004. Bắt đầu từ tháng 8 tới, Việt Nam sẽ thí điểm tiêm phòng văcxin cho gia cầm và thuỷ cầm, tiến tới chủng ngừa đại trà trên cả nước. Bộ Nông nghiệp cũng đã có quy định nuôi nhốt gia cầm từ năm ngoái, song việc này chưa mấy hiệu quả vì người dân đã quen với tập tục thả đồng.
Trang Linh
▪ Thuốc xịt ngừa thai (10/07/2005)
▪ Cơn khóc co thắt ruột ở trẻ sơ sinh (09/07/2005)
▪ Ăn để tránh stress (09/07/2005)
▪ Kháng sinh có chữa được viêm xoang? (09/07/2005)
▪ Cây trúc đào (09/07/2005)
▪ Ho và khó thở (10/07/2005)
▪ Những yếu tố ảnh hưởng đến tinh trùng (10/07/2005)
▪ TP HCM chủ động phòng chống dịch cúm gia cầm (09/07/2005)
▪ Chứng gầy bệnh lý (09/07/2005)
▪ Một số bệnh lý đặc thù của nam giới (09/07/2005)