Thiếu máu do thiếu sắt ở thai phụ
Các Website khác - 04/08/2005

Thiếu máu ở thai phụ làm tăng nguy cơ sinh non, con nhẹ cân, mẹ dễ bị chảy máu ở thời kỳ hậu sản và thường sinh ra những đứa con có mức dự trữ sắt thấp, thậm chí dẫn đến tử vong của mẹ và con. Vì vậy thiếu máu, thiếu sắt trong thời kỳ thai sản là vấn đề nghiêm trọng.

Nguyên nhân của thiếu máu thiếu sắt ở thai phụ

Sự hiểu biết về nhu cầu sắt của cơ thể và giá trị sinh học của sắt trong thức ăn sẽ giúp chúng ta giải thích vì sao một số đối tượng như phụ nữ có thai, phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ, trẻ em đang phát triển lại có nguy cơ cao về thiếu máu dinh dưỡng.

Bảng: Nhu cầu sắt hấp thu hàng ngày theo khuyến nghị của Viện Dinh dưỡng (1997)

Tùy thuộc vào tình trạng sắt của cơ thể trước và trong khi có thai, cũng như sự hấp thu mà hàng ngày thai phụ cần 3-6mg sắt.

Sắt được cung cấp cho cơ thể từ hai nguồn: Sắt ở dạng Hem và không ở dạng Hem. Hem là thành phần của hemoglobin, có trong thịt, cá. Tỷ lệ hấp thu loại sắt này khá cao, từ 20 đến 30%. Sắt không ở dạng Hem có chủ yếu ở ngũ cốc, rau, củ và các loại hạt. Tỷ lệ hấp thu sắt dạng không Hem thấp hơn nhiều so với sắt ở dạng Hem và phụ thuộc vào sự có mặt của các chất hỗ trợ hay ức chế hấp thu trong khẩu phần ăn.

Phòng chống thiếu máu thiếu sắt cho thai phụ

Thai phụ nên bổ sung viên sắt. Việc bổ sung có thể tiến hành ngay khi có thai và đều đặn suốt thai kỳ cho tới sau khi sinh 1 tháng. Liều bổ sung hàng ngày là 60mg sắt nguyên tố (1 viên/ngày), thường kèm theo cả acid folic.

Có thể dùng các chế phẩm sắt khác nhau, nên lựa chọn sắt dạng Fumarate sẽ có giá trị hấp thu cao.

Ngoài ra, cần cải thiện bữa ăn bằng việc lựa chọn thức ăn từ động vật giàu sắt, thức ăn giàu vitamin C và chú ý hạn chế các yếu tố gây ức chế hấp thu sắt trong thức ăn.

Phòng chống nhiễm giun móc và vệ sinh môi trường cũng là việc hết sức cần thiết, vì nhiễm giun móc làm tăng nguy cơ thiếu máu dinh dưỡng.

Tiến sĩ Phạm Thuý Hoà, Sức khoẻ và Đời sống