Sau một thời gian tạm lắng, từ 14/7 đến nay, đã có 3 bệnh nhân chính thức được xác định là nhiễm cúm A, trong đó 2 ca tử vong ở Trà Vinh và TP HCM. Trường hợp còn lại đang nằm viện tại Hà Tây. Hầu hết đều liên quan đến gia cầm chết.
Tại cuộc họp Ban chỉ đạo phòng chống SARS và cúm A chiều 3/8, ông Trịnh Quân Huấn, Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết, trường hợp bệnh nhân Lê Hoàng Anh, 24 tuổi tại Trà Vinh có mối liên quan rất rõ với gia cầm bệnh. Ngày 13/7, gia đình có khoảng chục con gà ốm chết và đã mổ ăn thịt.
Trường hợp bệnh nhân 26 tuổi tại TP HCM mua gà không rõ nguồn gốc tại chợ cóc gần nhà, tự làm thịt nấu cho cả nhà ăn. Bệnh nhân tử vong, còn người nhà không sao. Điều này cho thấy nguy cơ lớn nhất vẫn là tiếp xúc trực tiếp với gia cầm bệnh. Tại Hà Tây, bệnh nhân nhiễm cúm A cũng có gà chết tại gia đình.
Như vậy trong đợt dịch thứ ba (tính từ đầu năm đến nay) đã có 63 trường hợp mắc cúm A tại 24 tỉnh, thành phố, trong đó 20 trường hợp tử vong. Song song, dịch cúm gia cầm cũng xuất hiện tại 4 tỉnh thành là Cần thơ, Bến Tre, Đồng Tháp và Hà Nội.
Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Chí Liêm nhấn mạnh, do cúm A có bệnh cảnh gần giống với các loại cúm khác, rất khó xác định, nên thời gian tới, bên cạnh việc xét nghiệm trong nước, Việt Nam sẽ gửi bệnh phẩm đi nước ngoài xét nghiệm trước khi công bố chính thức bệnh nhân có nhiễm cúm A hay không. Điều này nhằm tránh tình trạng vênh số liệu giữa báo chí và các cơ quan y tế. Trước mắt, ông Liêm đề nghị xét nghiệm lại hai ca tử vong ở Trà Vinh và TP HCM.
Cũng theo nhận định của Bộ Y tế, tình trạng tiếp tục có thêm gia cầm và người nhiễm bệnh chứng tỏ dịch cúm gà đang diễn biến rất phức tạp, cả trong nước và trên thế giới. Nửa tháng qua, H5N1 đã được phát hiện tại Indonesia, Nga, Thái Lan, Phillippines và Nhật Bản. Châu Âu cũng đang báo động trước nguy cơ lây lan cúm gia cầm theo chim di cư.
Đặc biệt, sự xuất hiện mới đây của bệnh liên cầu trùng ở lợn tại Trung Quốc khiến cho cộng đồng thế giới lo ngại. Việt Nam đã nhanh chóng tăng cường các biện pháp giám sát, phòng chống để bệnh này không lây lan qua biên giới. Các trung tâm kiểm dịch quốc tế tại các cửa khẩu lớn của 7 tỉnh (Hà Nội, Hải Phòng, TP HCM, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Lào Cai, Đà Nẵng) đã đẩy mạnh việc kiểm tra, song thời gian qua không phát hiện bệnh nhân nào nghi ngờ mắc bệnh trên.
Bộ Y tế cũng đã có công điện khẩn gửi sở y tế các tỉnh có liên quan ở biên giới phía Bắc như Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng, Lào Cai, Hà Giang, Lai Châu, Hà Nội, Hải Phòng và một số tỉnh phía Nam chủ động phòng chống bệnh liên cầu trùng ở lợn nhập vào Việt Nam. Ngày 2/8, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng có công điện gửi các tỉnh về vấn đề xử lý thịt lợn Trung Quốc nhập lậu. Cũng chiều 2/8, Phó thủ tướng Phạm Gia Khiêm đã đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Bộ Y tế, Bộ Ngoại giao... sớm xây dựng đề án phòng chống dịch cúm gia cầm quốc gia.
T. An
▪ Thuốc xịt ngừa thai (10/07/2005)
▪ Cơn khóc co thắt ruột ở trẻ sơ sinh (09/07/2005)
▪ Ăn để tránh stress (09/07/2005)
▪ Kháng sinh có chữa được viêm xoang? (09/07/2005)
▪ Cây trúc đào (09/07/2005)
▪ Ho và khó thở (10/07/2005)
▪ Những yếu tố ảnh hưởng đến tinh trùng (10/07/2005)
▪ TP HCM chủ động phòng chống dịch cúm gia cầm (09/07/2005)
▪ Chứng gầy bệnh lý (09/07/2005)
▪ Một số bệnh lý đặc thù của nam giới (09/07/2005)