Viêm, loét dạ dày do stress
Các Website khác - 30/07/2005
Theo thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Thị Phương Khanh (Trung tâm Dinh dưỡng TP Hồ Chí Minh), nguyên nhân gây loét dạ dày tá tràng gồm ba yếu tố: do dùng thuốc aspirin, thuốc chữa khớp; do vi trùng helicobacterpylori và do tình trạng tăng tiết acid. Tuy nhiên, trong các nguyên nhân gây viêm dạ dày có yếu tố do stress, chiếm tỷ lệ không nhỏ.
Viêm dạ dày cấp tính do stress

Người bệnh thường bị đau khi công việc căng thẳng, lo lắng nhiều, buồn rầu, tức giận hoặc sợ hãi. Nhất là khi ăn uống thất thường, không đúng bữa, không được nghỉ ngơi, bệnh sẽ dễ phát và tái phát. Theo bác sĩ Phương Khanh, triệu chứng thường thấy là: vùng bụng trên (thượng vị) đau, nóng rát, đau từng cơn lúc đói hoặc vào ban đêm. Bệnh nhân có thể buồn nôn, đầy bụng, chậm tiêu. Khi ăn vào, cơn đau có thể dịu đi. Nếu uống thuốc chữa dạ dày thì giảm đau rõ rệt. Nếu người bệnh đi đại tiện phân đen như bã cà phê, có mùi khắm thì dạ dày có thể đã bị chảy máu.

Chứng chậm tiêu không loét

Chứng này rất thường gặp trong bệnh tiêu hóa, nên dễ nhầm với viêm dạ dày. Cứ 100 người thì có 20 - 30 người bị chậm tiêu, nhất là những ai thường lo âu, buồn phiền.

Triệu chứng thường thấy: cảm giác no sớm (ăn vào chóng no), chướng bụng buồn nôn đầy hơi và có khi nôn. Triệu chứng kéo dài nhiều ngày, có khi nhiều tháng. Sau khi ăn, cơn khó chịu tăng lên. Bệnh nhân có cảm giác tức ngực, cảm giác nghẹn hoặc vướng ở cổ, sôi bụng. Có những đợt tiêu chảy nhẹ xen kẽ táo bón. Để chẩn đoán được chính xác, bệnh nhân phải chụp X quang thực quản nếu có triệu chứng khó nuốt, mắc nghẹn. Chụp phim dạ dày có thể thấy bị giãn to ra, nhưng không thấy ổ loét. Nội soi dạ dày cũng không thấy viêm toét.

Phòng bệnh

Giải pháp đầu tiên là tránh căng thẳng, lo âu. Phải sắp xếp thời gian nghỉ ngơi, giải trí khoa học, ăn uống điều độ. Khi căng thẳng, rửa mặt bằng xà phòng thơm dịu hoặc tắm hơi, xoa bóp sẽ có tác dụng tốt.

Với bệnh nhân viêm dạ dày, không được hút thuốc lá, uống rượu, bia, cà-phê, trà đậm. Không ăn nhiều ớt, tiêu, thơm (dứa), các loại mắm... Những đợt bệnh cấp tính, người bệnh nên ăn những chất dễ tiêu và phải nghỉ ngơi thật nhiều. Còn với chứng chậm tiêu, tuy không nguy hiểm, nhưng dễ tái phát và rất khó chữa. Nên dùng thức ăn dễ tiêu, chia thành nhiều bữa nhỏ.

Theo Theo Phụ nữ TP Hồ Chí Minh