Vịt có thể truyền cúm gà sang người
Các Website khác - 01/11/2004

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) hôm 29/10 tuyên bố vịt có thể truyền virus cúm gia cầm chết người H5N1 sang người. Phát hiện cho thấy việc khống chế virus này không hề đơn giản.

Ông Klaus Stohr, người đứng đầu chương trình Cúm của WHO cho biết các thí nghiệm tại Mỹ đã có kết quả rằng vịt có thể truyền virus H5N1 với số lượng tương tự như gà. "Chúng tôi phải nói rằng vịt cũng có thể là một nguồn lây nhiễm cúm gia cầm cho con người", ông tuyên bố.

Phát hiện này xác nhận điều mà giới chức y tế Thái Lan và các quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề bởi cúm gà đã nghi ngờ trước đó. Mặc dù cho tới nay người ta chưa phát hiện được ca lây cúm gia cầm nào từ vịt sang người, song sự khẳng định rằng vịt là động vật trung chuyển virus đã làm cho việc loại trừ chủng virus này trở nên khó khăn hơn.

Không giống như gà bị nhiễm bệnh, những con vịt trong thí nghiệm tại Mỹ vẫn khoẻ mạnh bình thường nên rất khó phát hiện sự hiện diện của virus, Stohr cho biết. "Chúng tôi đã từng thông báo ngay từ đầu rằng việc khống chế virus H5N1 là một công việc lâu dài. Chưa bao giờ chúng tôi thấy nhiều quốc gia trên một khu vực địa lý rộng lớn bị căn bệnh này tấn công đến vậy", ông nói.

Nhưng một nghiên cứu khác, cũng được tiến hành tại Mỹ, trên một mẫu virus được lấy trên cơ thể của một trong số những bệnh nhân bị nghi là lây cúm gà từ người sang người cho thấy không hề có sự biến đổi gene nào ở virus. "Dựa trên những số liệu hạn chế, có vẻ như đó là một loại virus ở động vật", Stohr cho biết.

WHO lo ngại rằng H5N1, gây tử vong cho 70% số nạn nhân mắc bệnh, có thể bùng phát thành dịch tương tự như đại dịch năm 1918 cướp đi sinh mạng của hơn 20 triệu người.

Theo Stohr, có vẻ như virus đang tăng cường được khả năng chống chịu của nó. Trong các thí nghiệm tại Mỹ, thời gian tồn tại của virus đã tăng gấp 3 lần - 6 ngày so với 2 ngày năm ngoái - khi bị phơi nhiễm với nhiệt độ cao dần. Điều này có thể giải thích tại sao cúm gà tiếp tục lây lan trong mùa hè nóng nực tại châu Á, trong khi thông thường nó kém hoạt động hơn và thường đợi tới thời tiết lạnh của mùa đông mới hoạt động mạnh.

Việt Linh (theo Reuters)