Xử trí tiêu chảy cấp ở trẻ em
Các Website khác - 17/08/2005
Trẻ bị tiêu chảy cấp nếu không được điều trị kịp thời có thể tử vong, rối loạn cân bằng các chất trong cơ thể, rối loạn tiêu hóa kéo dài. Từ đó gây tình trạng suy dinh dưỡng, suy giảm miễn dịch, giảm khả năng chống đỡ bệnh tật của cơ thể và dễ mắc các bệnh nhiễm khuẩn khác.
Nguyên nhân gây tiêu chảy: có thể do virus (coxackie, rotavirus...), vi khuẩn, ký sinh trùng... Bệnh có liên quan đến yếu tố kinh tế, điều kiện sống, phong tục, tập quán sinh hoạt, nguồn nước sử dụng cho sinh hoạt, mùa, tình trạng suy dinh dưỡng, suy giảm miễn dịch của trẻ, đặc biệt là thiếu hiểu biết và kiến thức về nuôi con của những bà mẹ.

Các triệu chứng của bệnh tiêu chảy cấp

Thường trẻ bị sốt cao đột ngột 39 – 40oC, có thể co giật nếu không phát hiện và xử trí kịp thời; trẻ có thể đi ngoài 10 – 15 lần/ngày, phân lỏng, nhiều nước, mùi chua, có thể có nhày, máu...; có thể nôn liên tục hoặc vài lần trong ngày, thường nôn sau khi ăn, hay gặp ở trẻ bị tiêu chảy do rotavirus, do tụ cầu khuẩn...; trẻ từ chối ăn các thức ăn thông thường và uống nhiều nước, đái ít; có thể có các biểu hiện của viêm đường hô hấp trên như ho, chảy mũi, khám thấy họng viêm cấp, phát ban...

Biểu hiện các mức độ mất nước ở trẻ bị tiêu chảy cấp:

Mất nước nhẹ (độ A): Trẻ tỉnh táo, miệng ướt, khóc có nước mắt, uống nước bình thường.

Mất nước vừa (độ B): Vật vã kích thích, mắt trũng, miệng lưỡi khô, khóc không có nước mắt, da khô, uống nước háo hức.

Mất nước nặng (độ C): Mệt lả, li bì, hôn mê, mắt rất trũng, da khô, khóc không có nước mắt, uống kém hoặc không uống được.

Điều trị

Nguyên tắc điều trị là phải phát hiện sớm, bổ sung nhanh nhất và đầy đủ nước và các chất điện giải mà trẻ bị mất đi do tiêu chảy.

Mất nước nhẹ (độ A): Cho trẻ uống nhiều nước và điện giải hơn bình thường, có thể dùng nước cháo muối, nước gạo rang, nước oresol, cho uống sau mỗi lần tiêu chảy, uống đến khi trẻ hết khát. Theo dõi sát tình trạng mất nước của trẻ, nếu không đỡ mà nặng lên (như mô tả mất nước độ B trở lên) thì phải đưa ngay trẻ đến trung tâm y tế.

Mất nước vừa (độ B): Phải điều trị tại trung tâm y tế. Tiếp tục cho trẻ uống nước, điện giải dựa theo cân nặng của trẻ. Có thể cho trẻ uống bằng cốc, từng thìa, nếu trẻ nôn thì chờ 10 phút sau lại cho uống tiếp.

Mất nước nặng (độ C): Đây là tình trạng mất nước nặng, có thể dẫn đến tử vong nhanh chóng, cần được điều trị cấp cứu tại trung tâm y tế. Bù nhanh chóng lượng dịch đã mất bằng đường uống, ống thông dạ dày hoặc qua đường tĩnh mạch bằng các dung dịch đẳng trương.

Điều trị các triệu chứng khác như: Sốt cao, co giật... người chăm sóc trẻ phải cặp nhiệt độ cho trẻ nhiều lần trong ngày, kiểm soát lượng nước tiểu, số lượng phân trẻ đi ngoài trong ngày, đánh giá ý thức của trẻ.

Không được dùng kháng sinh nếu không phải là tiêu chảy do vi khuẩn như lỵ, tả... Khi dùng các thuốc này phải được chỉ định của nhân viên y tế nhằm tránh gây rối loạn tiêu hóa kéo dài; không được dùng các loại thuốc chống nôn, cầm tiêu chảy...

Phòng bệnh

- Nuôi con bằng sữa mẹ: Nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ trong 6 tháng đầu nhằm tăng cường miễn dịch với bệnh tật cho trẻ, sau đó cho ăn bổ sung kèm bú mẹ. Không nên cho trẻ bú chai, bú bình, ngậm vú giả...

- Tạo tập quán ăn tốt cho trẻ: Cho trẻ ăn bổ sung sau 6 tháng, ăn đầy đủ các chất dinh dưỡng.

- Vệ sinh ăn uống: Tạo thói quen cho trẻ rửa tay trước khi ăn và bà mẹ trước khi cho trẻ ăn, sử dụng nguồn nước sạch, chế biến, bảo quản thức ăn an toàn, hợp vệ sinh.

- Sử dụng hố xí hợp vệ sinh, xử lý tốt phân của trẻ bị tiêu chảy, tránh để lây lan thành dịch.

- Tiêm phòng đầy đủ cho trẻ, đặc biệt là sởi.

Chú ý

Cần đưa trẻ đến ngay trung tâm y tế nếu có các dấu hiệu bệnh nặng như: mệt lả, lơ mơ, li bì, hôn mê, mắt rất trũng, da khô, khóc không có nước mắt, đái ít, uống kém hoặc không uống được, nôn nhiều, nôn khan, co giật.

Thạc sĩ Đỗ Minh Hoa

Theo Theo Sức khoẻ đời sống