Đại sứ Anh Robert Gordon: Anh sẵn lòng giúp VN đạt các mục tiêu phát triển Ngài Đại sứ Anh Robert Gordon (ảnh), hôm 4.6 đã dành cho Báo Lao Động một cuộc phỏng vấn riêng, nhân chuyến thăm chính thức Việt Nam (VN) của Hoàng tử Anh Andrew (5-7.6), đúng vào dịp kỷ niệm sinh nhật lần thứ 80 của Nữ hoàng Anh Elizabeth II. Ông Robert Gordon khẳng định, Anh sẵn lòng sát cánh giúp VN đạt được các mục tiêu phát triển như đã đề ra. - Vương Quốc Anh hiện là nhà đầu tư lớn nhất của EU vào VN, là đối tác thương mại lớn thứ hai với kim ngạch hai chiều đạt trên 1 tỉ USD. Rất nhiều công ty Anh hoạt động tại VN đang gia tăng vốn đầu tư của họ tại đây. Hiện đang có một làn sóng các nhà đầu tư mới ngày càng có thêm nhiều công ty của Anh đang liên kết với các đối tác VN để phát triển nhiều loại hình dịch vụ hiện đại đáp ứng nhu cầu đa dạng của người tiêu dùng VN. Khi VN gia nhập WTO, hai bên sẽ còn có thêm nhiều cơ hội hợp tác. ´ Anh là thị trường nhập khẩu giày dép lớn nhất của VN trong EU. Năm 2004, kim ngạch xuất khẩu giày dép của VN sang Anh đạt 700 triệu USD. Quan điểm của ông về những cáo buộc của EU cho rằng VN bán phá giá giày mũ da sang thị trường Châu Âu? - Đây là một vấn đề khó. Cơ bản là VN vẫn trong giai đoạn chuyến đổi sang nền kinh tế thị trường. Trong trường hợp này, điều quan trọng là chúng ta cần phải cùng nhau tìm cách vượt qua với sự xáo trộn ít nhất có thể về cả mặt xã hội và thị trường cho VN và EU. Một khi VN đã gia nhập WTO, các nguyên tắc chính của thị trường như việc kiểm toán nghiêm túc được áp dụng rộng rãi hơn trong số các nhà cung cấp VN và các khoản trợ cấp bị loại bỏ, tôi cho rằng những vấn đề nảy sinh như hiện nay sẽ ít hơn. ´ Anh là nước đi đầu trong EU đề ra sáng kiến "Vượt qua thách thức WTO" với mục đích hỗ trợ VN vượt qua giai đoạn đầu làm thành viên WTO. Ông có thể nói cụ thể hơn về sáng kiến này? - "Hậu WTO" là một sáng kiến của Chính phủ VN. Bộ Phát triển quốc tế Anh (DFID) và AusAID (Cơ quan viện trợ của Australia) đã đáp lại yêu cầu của Phó Thủ tướng Vũ Khoan đề nghị các nhà tài trợ giúp VN tiếp tục quá trình chuyển đổi kinh tế sau khi gia nhập WTO. Thông qua hỗ trợ kỹ thuật và tài chính, các nhà tài trợ sẽ giúp VN hoàn chỉnh và thực hiện kế hoạch hành động này thông qua Quỹ Đầu tư chung của các nhà tài trợ. Chúng tôi hy vọng các nhà tài trợ khác như Ngân hàng Thế giới, Phái đoàn Uỷ ban Châu Âu sẽ cùng với DFID và AusAID ủng hộ chương trình này về cả mặt tài chính và kỹ thuật. ´ Vài ngày tới, các nhà tài trợ cho VN sẽ nhóm họp tại Nha Trang. Là một trong những nước viện trợ không hoàn lại lớn nhất cho VN, ông đánh giá thế nào về việc sử dụng viện trợ của VN? - Nhìn chung VN sử dụng nguồn tài trợ có hiệu quả. Nhưng chúng tôi cũng rất quan ngại về những cáo buộc về việc sử dụng tiền sai trái như trong vụ PMU18. Trên 70% số tiền viện trợ của chúng tôi được chuyển thẳng vào ngân sách nhà nước theo cách chúng tôi thường gọi là "hỗ trợ ngân sách". Tất cả các khoản viện trợ của chúng tôi đều được giám sát chặt chẽ. Nếu phát hiện những trường hợp sử dụng sai, chúng tôi sẽ xử lý ngay. ´ Ông đánh giá thế nào về các cam kết chống tham nhũng của VN? - Cuộc chiến chống tham nhũng là một tiêu điểm lớn mà các nhà tài trợ sẽ rất quan tâm trong những tháng tới đây. Chúng tôi rất mong được chứng kiến những bằng chứng cho thấy Luật Phòng, chống tham nhũng sẽ được thực thi một cách triệt để và mạnh mẽ. Qua vụ PMU18, chúng tôi đã củng cố thêm việc đối thoại với Chính phủ VN về vấn đề tham nhũng. Chúng tôi đã khuyến khích Chính phủ VN lên kế hoạch xử lý tham nhũng một cách dứt khoát trong những năm tới, không chỉ trong phạm vi sử dụng tiền tài trợ, mà còn áp dụng cho tất cả các mảng hoạt động khác của Chính phủ VN. ´ Khách du lịch Anh đến VN năm 2004 khoảng 60.000 người, chỉ bằng 10% số du khách Anh đến Thái Lan. Theo ông, VN cần làm gì để thu hút hơn nữa du khách Anh và với tư cách Đại sứ, ông có thể giúp gì? - VN có tiềm năng du lịch vô cùng to lớn. Chỉ cần thay đổi hai điều sau đây cũng đã có thể đem đến một sự khác biệt. Thứ nhất là hủy bỏ thị thực cho du khách ngắn ngày (nếu không làm được việc này thì có thể áp dụng thay vào đó là việc cho phép cấp thị thực tại cửa khẩu cho khách du lịch), và thứ hai là thiết lập đường bay thẳng giữa hai nước. VN hiện nay đã có những hoạt động quảng bá hình ảnh tích cực hơn ở Châu Âu. Việc tổ chức Ngày VN tại London trong tháng 10 tới đây là một sáng kiến rất hay. Về phần mình, tôi cũng đang cố gắng giới thiệu với các tổ chức thương mại của Anh và cộng đồng các doanh nghiệp Anh tại London và trong khu vực về những cơ hội kinh doanh rất tốt tại VN. Gần đây, tôi cũng đã có bài phát biểu về cơ hội đầu tư tại VN trước giới doanh nhân tại Bangkok, Hồng Kông và diễn đàn rất có uy tín Asia House tại London. Tôi sẽ tiếp tục cuộc hành trình này tới Singapore vào tháng 9 năm nay. ´ Xin ông cho biết vị trí của VN trong chính sách đối ngoại của Anh? - Tôi thấy có sự cân bằng tốt trong việc đáp ứng các lợi ích của hai nước. Chúng tôi đang hỗ trợ VN cải cách và hội nhập thông qua viện trợ, đầu tư chiến lược, tăng cường năng lực và đẩy mạnh hợp tác giáo dục và bằng cả việc nhập khẩu nhiều sản phẩm của các bạn hơn là xuất khẩu sang VN. Về phần mình, VN giúp chúng tôi giải quyết nhiều vấn đề như ngăn chặn dòng người di cư bất hợp pháp, đấu tranh với tội phạm có tổ chức, nạn buôn bán ma túy, buôn người, rửa tiền và khủng bố quốc tế. Thủ tướng Anh Tony Blair đã từng đánh giá VN là đối tác chiến lược khi ông trao đổi với Chủ tịch Nước Trần Đức Lương tại London năm 2004. - Xin cảm ơn Đại sứ. Chiến Thắng thực hiện |
▪ Hoa hậu World Cup 2006 (05/06/2006)
▪ Non gan (05/06/2006)
▪ Hành khách bất ngờ (05/06/2006)
▪ Cưới ... rắn hổ mang (05/06/2006)
▪ Hoàng tử Anh Andrew thăm Việt Nam (05/06/2006)
▪ Nữ nhà báo Mỹ Kimberly Dozier bị thương nặng ở đầu (03/06/2006)
▪ Tổng thống Đông Timor đối mặt với thách thức mới (03/06/2006)
▪ Cô bé Afghanistan Sofia: Tâm điểm chú ý của mọi người (03/06/2006)
▪ Đòi chính quyền trả tiền phẫu thuật cải giới (04/06/2006)
▪ Việt Nam cần cải thiện cả hệ thống để chống tham nhũng có hiệu quả (03/06/2006)