Mảnh hồn Việt giữa lòng Nam Phi
Các Website khác - 27/01/2006
Mảnh hồn Việt giữa lòng Nam Phi

Trần Thị Sánh
Toạ lạc trên một vị trí sang trọng và đông đúc ở TP.Johannesburg, cách thủ đô Pretoria hơn 50km, nhà hàng Sài Gòn nổi tiếng khắp Nam Phi không chỉ bởi những món ăn Việt Nam mà còn bởi cách phục vụ, cách bài trí rất ấn tượng của người phương Đông.

Bếp trưởng Tuấn của nhà hàng Sài
Gòn (TP Johannesburg, Nam Phi).
Mặc dù là khách hàng đặc biệt được xếp vào loại VIP của nhà hàng, song để tiếp chúng tôi, Tập đoàn ximăng Holcim (Thụy Sĩ) tại Nam Phi vẫn phải đặt chỗ trước cả tuần lễ. Giữa mùa đông giá lạnh ở xứ sở lục địa đen, lòng tôi ấm lại khi nhìn thấy những đồ vật gần gũi, thân thiết của đất nước mình như những chiếc xíchlô, những đôi quang gánh bằng song mây được bày rất nghệ thuật trước và trong nhà hàng.

Ngạc nhiên hơn, từ phòng ăn đến bàn ghế đều được làm bằng tre nứa vừa giản dị, dân dã lại vừa sang trọng. Thướt tha, xinh đẹp trong những bộ áo dài truyền thống, các nhân viên phục vụ người Việt, Trung Quốc, Đức, thậm chí cả người Nam Phi niềm nở mang ra những món ăn Việt Nam. Ngoài đoàn của chúng tôi ra, còn lại hầu hết thực khách đều là người Nam Phi và khách du lịch, buôn bán đến từ các nước Châu Âu, Châu Mỹ, Nhật Bản. Bà Sakura - một du khách đến từ Nhật Bản vừa thưởng thức món bún chả, nem rán, vừa nói: "Tôi đã ăn món bún chả ở Hà Nội, vì thế khi được giới thiệu nhà hàng Sài Gòn có món này, tôi đã không ngần ngại đi từ Pretoria đến đây. Chà thật tuyệt vời".

Chủ nhà hàng Sài Gòn là một người Đức, gốc Nam Phi - ông Ersnt Fischer đã từng làm việc ở khách sạn nổi Sài Gòn (TP.Hồ Chí Minh). Sau nhiều năm làm việc tại Việt Nam, ông nhận ra một điều: Việt Nam có nhiều món ăn rất ngon, nguyên liệu lại phong phú, rất hợp khẩu vị khách du lịch Châu Âu và Nhật Bản. Trở về Nam Phi, ông quyết định mở hai nhà hàng ở hai thành phố lớn là Johannesburg và Cape Town lấy tên là Sài Gòn. Tuy nhiên, điều khó nhất đối với ông là làm thế nào để có đầu bếp Việt Nam ở Nam Phi khi mà hai đất nước cách nhau đến 26.000 cây số và phải bay mất 14 giờ.

Trương Văn Tuấn là người đầu tiên "lọt vào mắt" ông Fischer sau hai lần phỏng vấn. Là người Đà Nẵng, đã từng làm bếp phó tại khách sạn nổi Sài Gòn, Tuấn cùng 8 đầu bếp khác sang Nam Phi từ năm 1998.

Vóc người tầm thước, khuôn mặt đầy đặn và thông minh, bếp trưởng Tuấn không những chỉ đạo nấu các món ăn mà còn truyền nghề và kèm cặp nhiều thanh niên da đen trong nhà hàng. Với chiếc mũ màu đỏ có ngôi sao vàng 5 cánh trên đầu, Tuấn rất ra dáng một ông quản gia. Tuấn kể: "Mỗi năm Nam Phi đón tới gần 10 triệu khách du lịch nên nhà hàng Sài Gòn ngày càng đông khách. Ngoài các món ăn truyền thống như bún chả, nem rán, gà nướng sả, ốc nhồi thịt, bánh cuốn..., Tuấn cùng các đầu bếp còn chế biến nhiều món ăn Việt Nam pha với Châu Âu, tạo ra hương vị mới rất quyến rũ". Vì vậy, so với các nhà hàng Thái, Trung Quốc, Ấn Độ, Malaysia tại Nam Phi, đây là nơi đông khách nhất. Năm ngoái, Thủ tướng Nam Phi cũng đã chiêu đãi đoàn khách Việt Nam do Thủ tướng Phan Văn Khải dẫn đầu tại nhà hàng này.

Tuấn tâm sự: "Nhiều khách hàng đến đây cứ luôn miệng nhắc đến Việt Nam. Điều đó làm chúng em thật tự hào. Năm ngoái, em đã đưa cả vợ và con gái sang đây. Tuy xa nhà, song cuộc sống khá dễ chịu với mức lương gần 2.000USD/tháng, trong đó ăn ở không mất tiền. Ông chủ nhà hàng rất trân trọng và tạo điều kiện tốt nhất cho các đầu bếp Việt Nam. Người Nam Phi rất thân thiện, cởi mở. Không chỉ làm thuê, em cùng các đồng nghiệp sẽ mở cửa hàng dạy nấu ăn, tỉa hoa quả và vươn lên để có thể trở thành ông chủ trên đất Nam Phi này".

Theo ông Đoàn Thanh Song - Bí thư thứ ba Đại sứ quán Việt Nam tại Nam Phi thì đến nay mới chỉ có khoảng 70 người Việt Nam ở Nam Phi, chủ yếu là sinh viên sang học tiếng Anh. Đây là một đất nước rộng lớn, đang rất thiếu lao động có tay nghề và là một thị trường đầy tiềm năng của Việt Nam.