Người Singapore mê sưu tập tranh
Các Website khác - 15/02/2006

Sở hữu một bộ sưu tập các tác phẩm hội họa không còn là điều gì quá xa xỉ, ngoài tầm với của người dân Singapore.

Người Singapore ngày càng quan tâm, tham dự các cuộc triển lãm tranh (Ảnh chỉ mang tính minh hoạ)

5 năm trước đây, Andrew Choo (36 tuổi) đã mua bức tranh đầu tiên, một tác phẩm của họa sĩ người Singapore Ng Joon Kiat. Kể từ đó, anh đã tích cóp được một bộ sưu tập hơn chục bản gốc các tác phẩm nghệ thuật của Ng và vài họa sĩ khác.

Năm 1996, khi còn là nhà phân tích của hệ thống lưu trữ thuộc Bảo tàng nghệ thuật Singapore, anh đã bắt đầu chú ý nhiều hơn đến hội họa Châu Á. Dù thừa nhận phải chi khoản tiền lớn cho các bức tranh, Choo cho rằng việc sở hữu một bộ sưu tập nghệ thuật có thể thực hiện được trong nhiều năm.

"Tôi sưu tập tranh và trưng bày tại nhà riêng," anh nói. "Sau khi đã tìm hiểu một số họa sĩ, tôi coi đây là một cách ủng hộ nguồn cảm hứng của họ."

Kinh doanh trong nghệ thuật

Choo không hề đơn độc. 

Một số đông người dân Singapore đang nhận ra những lợi ích từ việc sở hữu các tác phẩm hội hoạ. Họ có thể là các cặp vợ chồng trẻ đang tìm kiếm vật trang trí, tô điểm cho căn nhà của mình hay những người yêu hội họa, có niềm đam mê với một tác phẩm nghệ thuật đặc biệt.

Trong quá khứ, có nhiều yếu tố ngăn cản sự phát triển của văn hóa mua tranh tại Singapore. Ví dụ như, số lượng ít các phòng trưng bày đã hạn chế số lượng và phân loại các tác phẩm bình dân và giá cao.

Ngày nay, mọi thứ đang thay đổi.

Mặc dù các phòng trưng bày không sẵn lòng cung cấp dữ liệu chính xác nhưng số liệu và thông tin rỉ tai từ các nhà quản lí cho thấy số người dân Singapore, đặc biệt là giới trẻ mua tranh đang tăng lên.

Khách hàng tham quan và mua tranh ở Art Seasons

Phòng trưng bày Utterly Art thông báo tăng 63% lợi nhuận trong khoảng năm 2003-2004. Trong khi đó, Art Seasons cho biết năm ngoái tăng 50% doanh số bán ra.

Học viện in ấn Tyler Singapore (STPI) vừa tổ chức triển lãm các tác phẩm của họa sĩ người Philippine Bencab. Ngay trong đêm khai mạc, cả 49 bức tranh đã được bán hết.

Jose Tay, quản lí gallery Art Seasons khẳng định : "Singapore đã từng thiếu sự quan tâm và đề cao nghệ thuật. Nhưng ngày nay có rất nhiều hoạt động và các cuộc triển lãm diễn ra hàng năm."

Tay nói thêm rằng, hiện nay thị trường đã đa dạng hơn và chắc chắn sẽ có những bức tranh phù hợp với thẩm mỹ và túi tiền của từng người.

"Nghệ thuật dành cho tất cả mọi người. Thách thức còn tồn tại đối với những người làm nghệ thuật là việc thay đổi nhận thức rằng nghệ thuật chỉ dành cho những người giàu và có trình độ," cố vấn nghệ thuật Emaline Sze bộc bạch.

Khuyến khích phát triển

Dù có thực tế là người dân Singapore đang ngày càng sung túc thì Seah Tzi-Yan, đồng giám đốc Art-2 Gallery vẫn cho rằng việc giáo dục thẩm mỹ và nỗ lực vươn lên của các họa sĩ là những nguyên nhân chính cho xu hướng đầu tư vào nghệ thuật.

Hiện tại có gần 200 công ty và hiệp hội nghệ thuật hình ảnh ở Singapore. Chúng bao gồm các hội nhiếp ảnh, phòng trưng bày tranh (gallery), công ty đấu giá nghệ thuật và các cơ quan kinh doanh liên quan đến nghệ thuật hình ảnh khác.

Trong quãng thời gian ngắn chỉ một thập kỉ, các công ty và hiệp hội đó đã làm tăng gấp tư số cuộc triển lãm hình ảnh tổ chức hàng năm, từ 150 cuộc năm 2003 lên 563 cuộc năm 2004. Tổng số ngày triển lãm cũng tăng lên từ 1441 ngày năm 1993 lên 13.990 ngày năm 2004.

Các biện pháp khuyến khích phát triển bao gồm các buổi thảo luận tôn vinh hội hoạ và giúp đỡ tiến hành một bộ sưu tập do các Studio của họa sĩ Telok Kurau, P-10 and Plastique Kinetic Works khởi xướng thực sự hữu ích.

Các tác phẩm hội hoạ trên thị trường Singapore có giá từ 500 đô la tới 60.000 đô la (Ảnh chỉ mang tính minh hoạ)

Bên cạnh đó cũng phải kể đến sự tăng thu nhập của người dân. Thu nhập bình quân tháng của người dân Singapore trong giai đoan 1994-2004 tăng từ 2086 đô la lên 3329 đô la trong khi lạm phát không vượt quá 1,7%.

Hội đồng nghệ thuật quốc gia cùng với một số ngân hàng nội địa như UOB, DBS và OCBC vừa đề xuất các kế hoạch cho vay trả góp không lãi đối với những người tham gia mua bán các tác phẩm nghệ thuật. Về phần mình các ngân hàng cũng nhận được sự quan tâm lớn hơn của các khách hàng.

Những biện pháp khuyến khích như vậy đã giúp đỡ những khách hàng như Glen Goei - một người thiết kế sân khấu 43 tuổi bắt đầu việc sưu tầm hội hoạ vào thời điểm mà họ khó có khả năng làm điều đó.

"Mặc dù sử dụng các kế hoạch trả góp mua tranh không còn là mới ở các gallery, (sự tồn tại của các dự án như thế này) không được công chúng 'ngoại đạo' biết đến." Goei khẳng định.

Tiền và ý nghĩa nghệ thuật

Những người chủ gallery cho hay, không kể đến thu nhập, người mua tranh có thể chia làm 3 loại : các nhà sưu tập nghiêm túc, am hiểu nghệ thuật và muốn sở hữu một bộ sưu tập tranh thật sự; những người sưu tập chỉ coi hội họa là một sự đầu tư và những người mua tranh chỉ bỏ tiền sưu tập cái mình thích.

Nhóm khách hàng cuối dường như trẻ hơn và là những người nhận được sự khuyến khích nhiều nhất.

Tuy nhiên lo sợ rằng bất cứ ai cũng nghĩ chỉ mua được các tác phẩm hội họa bằng cách trả góp, các chủ gallery cho biết thêm "ngày nay, các tác phẩm nghệ thuật của các họa sĩ trong nước và nước ngoài đang được rao bán với giá chỉ vài trăm đô la, phụ thuộc vào kích cỡ và chất liệu". Cụ thể như, các tác phẩm triển lãm của Bencab thuộc STPI có giá từ 500 đô la tới 60.000 đô la.

Theo STPI, một số khách hàng đã mua các bức tranh đắt tiền bằng trả góp trong khi một số cặp vợ chồng trẻ lại trả luôn một lần các bức tranh giá 1000-2000 đô la.

Nhưng tiền không phải là vấn đề quan tâm duy nhất của những người chủ gallery, họa sĩ và các nhà doanh nghiệp. Vấn đề quan trọng nhất chính là sự đề cao nghệ thuật.

Một góc trưng bày Art-2 Gallery

Mặc dù biết rằng thị trường tranh đang mở rộng nhưng họa sĩ Tang Ling Nah cho rằng phần đông những người Singapore vẫn chưa coi việc mua tranh là một phần cuộc sống của họ.

"Đôi khi chỉ có một nhóm người mua tranh hoặc tệ hơn họ chỉ mua những bức tranh không mang tính nghệ thuật rẻ tiền. Bởi vì sự quan tâm của họ không phải là ai sáng tạo ra nghệ thuật và liệu chúng có thể là một ý tưởng tuyệt vời hay không mà là vì trông chúng đẹp và xứng đáng là vật trang trí ngôi nhà."

Cô nói thêm rằng tốt hơn là mọi người hãy dẹp bỏ những toan tính kinh tế trong khi xem xét việc liệu có nên mua một bức tranh hay không.

"Bạn không cần thiết phải hiểu những lí thuyết chuyên ngành để cảm thụ và đề cao các môn nghệ thuật," cố vấn nghệ thuật Sze cho biết. "Những tác động to lớn của một tác phẩm nghệ thuật tuyệt vời đến người xem đôi khi rất khó có thể giải thích. Nó giống như tác động của buổi hoàng hôn đến lòng người."

Hơn thế nữa, đúng như quan điểm của người sưu tầm hội hoạ Goei - người đã mua tranh của các hoạ sĩ Singapore trong suốt 3 năm qua - thì mọi người cũng cần phải xem việc mua các tác phẩm hội hoạ là một cách ủng hộ các hoạ sĩ, đặc biệt là những người đang làm việc trong nước.

  • Thanh Bình (ANN, Today)