Một địa chỉ tin cậy của những người muốn cai ma túy
Các Website khác - 31/08/2004

Học viên cai nghiện bằng biện pháp tâm lý

Sinh ra ở vùng đất Thép Củ Chi, Thành Phố Hồ Chí Minh, sớm mồ côi cha mẹ, cậu bé Võ Tấn Hưng hiểu được những vất vả, khổ cực của người nghèo. 18 tuổi cậu theo anh đi bộ đội. Đầu tiên làm giao liên. Năm 1964 được học Y tá và từ đó gắn bó với công việc cứu người.

            Đến nay Bác sĩ chuyên khoa 1 Võ Tấn Hưng đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu “Thầy thuốc ưu tú”. Với đức tính nhẫn nại, kiên trì học tập, bác sĩ có nhiều công trinh nghiên cứu khoa học giúp chữa lành bệnh nan y cho nhiều người, như: “Chôn chỉ cat gut điều trị hen phế quản mãn”, “Thuốc nam, châm cứu điều trị thấp khớp mãn”, “Châm cứu phục hồi tiếng nói sau di chứng viêm não”, v.v… Là Giám đốc Bệnh viện Y học cổ truyền Cần Thơ, bác sĩ cùng đội ngũ cán bộ, nhân viên nơi đây đưa bệnh viên trở thành điển hình của cả nước về tấm gương Y - Đức trong công tác điều trị, chăm sóc bệnh nhân. Bệnh viện vừa được Chủ tịch nước phong tặng huân chương lao động Hạng III, còn bác sĩ Hưng được Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ.

            … Từ năm 1982 bác sĩ Hưng thực hiện công trình nghiên cứu “áp dụng châm cứu - thuốc nam - cắt cơn nghiện ma túy”. Đầu tiên làm thử nghiệm tại xã Nhơn Ái, huyện Phong Điền. Khi thành công, bác sĩ Hưng đưa vào ứng dụng ở Bệnh viện Y học cổ truyền Cần Thơ. Phác đồ điều trị này đem lại hiệu quả cao nhưng do nhiều nguyên nhân, không thể thực hiện đại trà tại bệnh viện. Năm 2002, được phép của Sở Lao động Thương binh Xã hộI Cần Thơ, bác sĩ Hưng thành lập cơ sở điều trị nghiện ma túy tại nhà.

            Cơ sở được xây dựng với lối kiến trúc kết hợp không khí thoáng mát của bệnh viện và sự kín đáo, nghiêm túc, “kín cổng cao tường” cần thiết cho một địa điểm dành để cai nghiện. Với tiếp sức của vợ là: Y sĩ Lê Thị Chanh, và 68 nhân viên, đã được tập huấn về y tế và tâm lý liệu pháp, những đối tượng nghiện ma túy, khi vào đây, được chăm sóc và sống trong không khí gần như gia đình (do quy định không để thân nhân vào đây trong thời gian đối tượng điều trị).

            Về điều trị, chủ yếu là dùng phương pháp trương châm xuyên huyệt của Giáo sư Bác sĩ Nguyễn Tài Thu. Nghĩa là tùy thể trạng, trạng thái của bệnh nhân mà châm các phương huyệt khác nhau. ĐốI tượng được châm cứu kết hợp truyền nước biển, được uống thuốc bồi dưỡng nâng cao thể trạng… Mỗi khi bệnh nhân lên cơn “vật vả” là y sĩ tới ngay để châm cứu giải tỏa “cơn vật” do vậy trong thời kỳ đầu cắt cơn bệnh nhân không bị dằn vặt, đau đớn về thể xác. Bác sĩ Hưng giải thích: “Phương pháp châm cứu này giúp xóa được cơn phản xạ nhờ chất morphin trong não bộ của bệnh nhân, thuốc bồi dưỡng thì giúp phục hồi cơ chế tự sinh chất endorfine của cơ thể. Có như vậy thì việc cắt cơn không làm bệnh nhân đau đớn…”.

            Tôi hỏi: “Động cơ nào mà bác sĩ đầu tư cho việc điều trị này như vậy?”.

            -Vì tôi thương các em đó. Do yếu lòng, do lầm lỡ mà sa vào con đường tệ nạn. Rất dễ dẫn đến bị nhiễm HIV, không còn khả năng lao động. Tôi muốn làm điều gì đó góp phần giúp các em trở về với cuộc sống lao động lương thiện, làm giảm phần nào tệ nạn xã hội trong cuộc sống của chúng ta… May mà suy nghĩ này được nhà tôi rất ủng hộ.

            … Trung bình khoảng 15 ngày điều trị tại đây, người nghiện sẽ cắt được cơn. Tuy nhiên thành quả này có duy trì hay không lại chủ yếu do ý  chí người nghiện và sự giúp đỡ của gia đình họ. Trong cuốn sổ ghi bệnh án của cơ sở điều trị này, tôi đếm được khoảng 30 người có ghi chú là: “Đã hoàn toàn bỏ được ma túy”. Địa chỉ của họ ở nhiều nơi như: An Giang, Bạc Liêu, Cần Thơ, TP.Hồ Chí Minh, Vĩnh Long,v.v…

            Bác sĩ Hưng trầm ngâm: “Những người sau cắt cơn thường có điểm chung: nếu về nhà, gia đình họ quản lý tốt, không cho tiếp xúc với đám bạn xấu, tạo cho họ công ăn việc làm, và đặc biệt là bản thân họ thật sự có ý định đoạn tuyệt với ma túy thì sẽ thành công. Ngòai ra cũng có trường hợp cai 4,5 lần không khỏi, đến đây, sau khi cắt cơn, trở về nhà tôi cho uống thuốc “hậu cai”. Có người cần uống cả năm mới chấm dứt hẳn với ma túy”.

            … Y sĩ Lê Thị Chanh cho tôi xem một số lá thư gửi đến cơ sở với lời cảm ơn của những người đã qua khỏi cơn mê phù dung, bây giờ đã có vợ con, làm ăn ổn định. Trong đó tôi chú ý đến một lá thư với những câu chân tình “… con cảm ơn cô chú đã giúp con sống lại lần thứ 2. Giờ đây con mới cảm nhận được thật sự ý nghĩa của cuộc sống khi không còn là nô lệ cho ma túy, cho tội lỗi…”.

            Mong sao sẽ có nhiều người trở về được với “con đường sáng” như các bạn trên đây.

Đan Phượng - AIDS và cộng đồng