Phòng chống lây truyền HIV từ mẹ sang con:Việt Nam cần có một chiến lược và chính sách
Các Website khác - 31/08/2004

một trẻ em là nạn nhân của AIDS

Theo thông báo từ Bệnh viện Từ Dũ, năm 2003, trong số 46.133 phụ nữ mang thai tới Viện đã phát hiện được 215 trường hợp nhiễm HIV, và từ đầu năm đến nay, trung bình mỗi ngày phát hiện một phụ nữ nhiễm HIV. Còn ở bệnh viện Quảng Ninh, tỷ lệ lây nhiễm HIV trong phụ nữ trước đẻ là 1,15%… Hầu hết các trường hợp này đến khi sinh mới biết mình bị nhiễm HIV. Thực tế trên đã cho thấy nguy cơ lây nhiễm HIV từ mẹ sang con là rất lớn. Do vậy, Việt Nam cần có một chiến lược để giải quyết vấn đề này. Hy vọng, những ý kiến dướI đây của lãnh đạo, bác sĩ, cán bộ phòng, chống AIDS… sẽ đóng góp vào việc xây dựng chiến lược đó.

PGS.TS. Chung Á, Tổng biên tập Tạp Chí “AIDS và cộng đồng”: Thanh niên cần có kỹ năng sống!

            Phòng, chống lây truyền HIV từ mẹ sang con phải trở thành thông điệp cho tất cả người dân. Phụ nữ làm thế nào để biết mình có bị nhiễm HIV? Nhiễm rồi thì có nên lấy chồng, sinh con?… Với những câu hỏi này, thanh niên, những người chuẩn bị bước vào cuộc sống hôn nhân cần phải tìm hiểu và có câu trả lời đúng đắn. Vai trò của Đoàn Thanh niên tham gia tuyên truyền phòng, chống AIDS, nâng cao kỹ năng sống là rất cần thiết.

             Bác sĩ Ban Mai, Bệnh viện Từ Dũ, thành phố Hồ Chí Minh: Tư vấn phải tâm huyết, chuyên sâu.

            Tư vấn, xét nghiệm HIV tự nguyện cho thai phụ tại thời điểm thăm khám định kỳ ở tất cả các bệnh viện phụ sản trong cả nước còn rất hạn chế, chưa có mô hình chuẩn mực. Để làm tốt công tác phòng, chống HIV từ mẹ sang con, trước hết thông tin tuyên truyền phải đều và rộng khắp. Đặc biệt, cán bộ tư vấn HIV/AIDS, nhất là cho phụ nữ mang thai phải được đào tạo chuyên sâu, có tâm huyết, có kỹ năng.

            Bác sĩ Phạm Thị Sửu, Trưởng khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Nhi Trung ương: Các bà mẹ đừng bỏ rơi con!

            Tuy trẻ sinh ra từ mẹ nhiễm HIV bị bỏ rơi tại bệnh viện, chúng tôi có thể điều trị bệnh cho các cháu. Nhưng ngoài giờ ăn, uống, tắm giặt và tiêm thuốc thì các cháu phải ở một mình nên ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển toàn diện của các cháu. Theo tôi, bà mẹ khi biết mình đã bị nhiễm HIV thì không nên sinh con. Nếu đã sinh thì phảI thông báo cho cơ sở Y tế biết để được hướng dẫn các biện pháp làm giảm sự lây truyền HIV từ mẹ sang con. Và quan trọng hơn là phải biết thương yêu, chăm sóc trẻ…

            TS. Nguyễn Đức Vi, Giám đốc bệnh viện Phụ sản Trung ương: Thách thức đối với ngành Sản phụ khoa

            Phụ nữ có thai nhiễm HIV đang ngày càng gia tăng và trở thành gánh nặng của ngành Sản phụ khoa. Những phụ nữ có thai bị nhiễm HIV đều là những người đang ở trong độ tuổi có tấn suất quan hệ tình dục cao. Họ có thể trở thành một nguồn lây nếu không được phát hiện kịp thời và tư vấn, điều trị tích cực. Khác với các chuyên ngành y tế khác, phần lớn những phụ nữ có thai đến với cơ sở y tế đều tiếp xúc nhiều với nhân viên y tế. Họ sẽ đòi hỏi một trong những thủ thuật như: Nạo hút, đỡ đẻ, mổ đẻ…, trong đó có nhiều trường hợp cấp cứu. Bởi vậy rất khó tránh khỏI sự phơi nhiễm cho nhân viên y tế.

            Hiện nay, ngoài việc điều trị dự phòng cho nhân viên y tế bị phơi nhiễm trong khi làm nhiệm vụ, thì việc điều trị dự phòng lây nhiễm HIV từ mẹ sang con cho phụ nữ có thai nhiễm HIV đang được coi là đối tượng ưu tiên hàng đầu.

            Trịnh Thị Lê Trâm, Phó vụ trưởng Vụ pháp chế Bộ Y tế: Cần có chính sách cho phụ nữ mang thai nhiễm HIV!

            Trong hệ thống các văn bản pháp luật về phòng, chống AIDS chưa có văn bản nào quy định cụ thể về các biện pháp tuyên truyền giáo dục, phòng, chống lây truyền HIV từ mẹ sang con, mà chỉ có quy định chung cho tất cả mọi đối tượng. Trong tổng thể các chế độ chính sách cho người nhiễm HIV cũng chưa có bất kỳ một chế độ nào cho phụ nữ mang thai nhiễm HIV. Bởi vậy, cần cụ thể hóa các biện pháp tuyên truyền, giáo dục phòng, chống HIV/AIDS cho từng đối tượng. Theo tôi, Quốc hội nên xem xét lại và bổ sung một điều khoản liên quan đến phòng, chống lây truyền HIV từ mẹ sang con. Đồng thời, đảm bảo năng lực cho việc thực hiện các chế độ chính sách đó.

            Bà Seiza Kosvi, ĐạI diện của UNICEF: Rất mong Việt Nam có một chiến lược quốc gia về phòng lây HIV từ mẹ sang con!

            Sự tăng nhanh của HIV đã tác động đến tỷ lệ lây nhiễm HIV trong phụ nữ. Số phụ nữ nhiễm HIV nhiều thì tỷ lệ trẻ em nhiễm HIV từ mẹ cũng tăng nhanh. Xác xuất mẹ truyền HIV cho con vào khoảng 30% nếu không có các biện pháp can thiệp. Phòng chống AIDS không đơn giản, phòng chống HIV/AIDS từ mẹ sang con lại càng khó khăn hơn nhiều. Làm thế nào để hạn chế “đầu vào” ở phụ nữ mang thai, bằng những biện pháp tư vấn, xét nghiệm… Ở thành phố, việc kiểm soat dịch thuận lợi hơn. Còn ở nông thôn, tỷ lệ thăm khám thai theo định kỳ còn rất thấp. Dù đẻ ở cơ sở y tế hay ở nhà thì phụ nữ cũng đều có quyền được bảo vệ an toàn tránh lây nhiễm HIV. BởI vậy, cán bộ y tế phảI thông thạo và hiểu vấn đề phòng ngừa cơ bản nhất, luôn được cập nhật những thông tin về điều trị. Hiện ở Việt Nam vẫn còn hạn chế trong điều trị HIV cho mẹ và con. Một trở ngại nửa là do không hiểu biết, việc dùng hỗn hợp cả sữa mẹ và sữa ngoài sẽ làm tăng nguy cơ lây nhiễm HIV cho trẻ. Bởi vậy, Việt Nam rất cần một chiến lược quốc gia về phòng, chống lây truyền HIV từ mẹ sang con.

                                                                                                            Ngọc Mai - AIDS và cộng đồng