2005: Năm giải quyết nhiều "nổi cộm" về đất đai
Các Website khác - 05/01/2006

(VietNamNet) - Sáng 5/1 Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) công bố các sự kiện nổi bật về tài nguyên môi trường năm 2005: Phát hiện nhiều sai phạm đất đai, đưa ra ánh sáng nhiều vụ lợi dụng chức quyền để trục lợi về đất đai. Bước đầu lập lại trật tự thị trường bất động sản sau một thời gian“đóng băng”...

Soạn: AM 669725 gửi đến 996 để nhận ảnh này
Một trang trại nằm trong lòng hồ Trị An.
Đất đai vẫn chiếm đa số trong những sự kiện nổi bật của ngành tài nguyên môi trường, trước hết là cuộc "Tổng kiểm tra thi hành Luật Đất đai toàn quốc
, đã phát hiện nhiều sai phạm, tiếp nhận 17.480 đơn thư khiếu nại, tố cáo, tranh chấp về đất đai, trong đó có tới hơn 70% là đơn thư về bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư;

Việc phanh phui nhiều vụ tiêu cực lớn về đất đai trong năm qua cũng được đánh giá là một sự kiện nổi bật. Nhiều vụ lợi dụng chức quyền để trục lợi về đất đai đã bị đưa ra ánh sáng, trong đó đáng chú ý là vụ chia chác đất đai có tính chất tập thể ở thị xã Đồ Sơn (Hải Phòng), vụ núp bóng chương trình trồng rừng 327 để lấy đất của nông dân một cách “hợp pháp” ở Tây Ninh, vụ giao đất trái phép ở Phú Quốc (Kiên Giang), vụ xà xẻo đất lòng hồ Trị An (Đồng Nai)...

Một trong những vấn đề được coi là ''nóng'' suốt năm qua là hiện tượng "đóng băng" thị trường bất động sản (BĐS). Thị trường này sau một thời gian “sốt nóng” với nạn đầu cơ hết sức lộn xộn, đã rơi vào trạng thái “đóng băng”, gây sốc cho nhiều nhà kinh doanh bất động sản. Tuy nhiên, hiện tượng này lại đồng thời làm hạ nhiệt giá đất, bước đầu lập lại trật tự trên thị trường BĐS và sàng lọc lực lượng tham gia vào lĩnh vực kinh doanh dễ “phất” to nhưng cũng lắm rủi ro này.

Ngoài đất đai, nhiều "nổi cộm" về môi trường cũng được phát hiện. Như “làng ung thư” Thạch Sơn: Từ năm 1991-2005, xã Thạch Sơn (Lâm Thao, Phú Thọ) có tới 106 người chết vì ung thư, chiếm 34,86% tổng số người chết vì bệnh tại xã này. Theo Bộ TN&MT thì phát hiện của báo chí về mối quan hệ giữa “làng ung thư” với tình trạng ô nhiễm môi trường tại đây là một sự cảnh báo nghiêm khắc: không được xem nhẹ bảo vệ môi trường trong phát triển kinh tế;

Khói nhà máy hóa chất và khói lò gạch tỏa 24/24h hàng ngày ở Thạch Sơn (Ảnh: Kiều Minh)

Để những vụ việc như "làng ung thư" được xuất hiện công khai trước dư luận, lần đầu tiên Báo cáo hiện trạng môi trường quốc gia hằng năm được công bố rộng rãi trên mạng, đáp ứng quyền được thông tin của người dân, góp phần đẩy mạnh công tác bảo vệ môi trường. Theo đó, tất cả các báo cáo về hiện trạng môi trường sẽ được đăng tải công khai, trừ các nội dung thuộc bí mật nhà nước.

Cũng trong năm 2005, hành lang pháp lý về bảo vệ môi trường được mở rộng: Luật Bảo vệ Môi trường, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Khoáng sản, cùng với Nghị định về cấp phép thăm dò, khai thác, sử dụng tài nguyên nước và xả nước thải vào nguồn nước và Nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước đã tạo thêm thuận lợi để quản lý các lĩnh vực đang có nhiều bức xúc này.

Năm qua cũng được coi là năm đối mặt với thiên tai dồn dập: Hạn hán, bão, lũ liên tiếp xảy ra với mức độ nghiêm trọng. Trong tình hình đó, công tác dự báo khí tượng thuỷ văn với chất lượng khá hơn nhiều so với trước đã góp phần chủ động phòng tránh thiệt hại, đặc biệt là các địa phương trong vùng ảnh hưởng trực tiếp của cơn bão số 7, đã di dời hàng chục vạn dân ven biển đến nơi an toàn.

Bão số 7 tại Hải Phòng (Ảnh: P.T)

Năm 2005, một tin vui trong tình hình nguồn tài nguyên khoáng sản ti tan đang ngày càng hiếm: Bộ TN&MT đưa Bình Định vào danh sách các tỉnh có khoáng sản ti tan lớn nhất nước, sau khi phát hiện khu vực có khoáng sản titan quy mô lớn trong Khu kinh tế Nhơn Hội.

Bộ trưởng Bộ TN&MT Mai Ái Trực cũng đặc biệt nhấn mạnh đến sự kiện trao đổi trực tuyến trên mạng giữa các Sở Tài nguyên và Môi trường với Lãnh đạo Bộ và một số đơn vị thuộc Bộ đã cho thấy sự tiện lợi của phương thức làm việc này. Đây là bước khởi động để tiến tới định kỳ tổ chức làm việc trực tuyến trên mạng trong ngành và định kỳ giao lưu trực tuyến với doanh nghiệp và người dân.

Bộ trưởng Mai Ái Trực cũng nêu, năm 2005 là năm bội thu về giải thưởng và danh hiệu thi đua. Chưa bao giờ trong một thời gian ngắn, ngành tài nguyên và môi trường vinh dự đón nhận nhiều phần thưởng cao quý như vậy: hai giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học và công nghệ (trong tổng số 12 giải của cả nước), một tập thể và một cá nhân Anh hùng trong thời kỳ đổi mới và 6 cá nhân là chiến sĩ thi đua toàn quốc.

  • Kiều Minh