Bãi bỏ quy định đăng ký 1 xe máy: Vì ai?
Các Website khác - 23/11/2005

(VietNamNet) - Bộ CA vừa ban hành thông tư mới về việc cấp đăng ký phương tiện giao thông cơ giới đường bộ. Theo đó bỏ quy định "Mỗi người chỉ được đăng ký 01 xe môtô hoặc xe gắn máy.

Đây là sự điều chỉnh cần thiết và hợp lòng dân? hay sửa quy định cho đúng luật? hay cả hai?. Sự điều chỉnh trên khẳng định một điều nếu một quyết định được ban hành không đáp ứng được nhu cầu thực tiễn của cuộc sống, gây thêm thủ tục rắc rối, phiền hà, lãng phí thời gian, tiền bạc của nhân dân...

Năm 2003 - gian truân đăng ký xe máy

Các điểm đăng ký xe máy luôn quá tải trong thời gian gần đây. Ảnh: Nguyên Vũ.
Có thể coi năm 2003, người dân ở các thành phố lớn trong cả nước không thể quên nỗi gian truân với việc đăng ký xe máy mới (ĐKXM): Hết tạm ngưng ĐKXM (từ 1/9/2003) ở một số quận TP Hà Nội đến cuối 2004, tạm dừng cấp đăng ký xe máy toàn TP Hà Nội rồi lại đến hạn chế ĐKXM ở TP.HCM (từ 28/1/2003)... khiến người dân lao đao.

Thông tư 02 triển khai nghị quyết 13 của Chính phủ về giải pháp kiềm chế, giảm dần tai nạn và ùn tắc giao thông qui định: Sau 28/1/2003, một người đã đăng ký từ một xe trở lên không được đăng ký tiếp. Việc đăng ký xe máy trên địa bàn theo hướng mỗi công dân có hộ khẩu tại thành phố chỉ được đăng ký 1 xe máy. Cán bộ Cảnh sát giao thông sẽ truy nhập hồ sơ lưu trữ, nếu thấy người đó từng đứng tên đăng ký 1 xe máy không được đăng ký tiếp xe thứ hai.

Theo đó, từ 28/1/2003 tại TP.HCM, mỗi người chỉ được đăng ký 1 xe máy bằng máy vi tính; khi đăng ký mới phải có giấy phép lái xe, có hộ khẩu thường trú tại thành phố và bắt buộc phải mua bảo hiểm phương tiện. Khi đăng ký, chủ xe phải photo giấy phép lái xe, hộ khẩu và bản chính hai loại giấy tờ này để đối chiếu.

Cảnh sát giao thông sẽ kiểm tra trên máy vi tính, nếu người đăng ký đã có xe sẽ loại bỏ hồ sơ. Những trường hợp đã bán, cho, tặng... xe trước ngày 28/1 phải sang tên trước khi đi đăng ký, không chấp nhận giấy xác nhận của địa phương trường hợp này. Ngoài ra, người nước ngoài, Việt kiều đăng ký mới cũng phải có hộ khẩu thường trú tại thành phố.

Về một số trường hợp cụ thể cũng được qui định rõ: Người bị mất xe phải nộp lại bản chính giấy chứng nhận đăng ký xe cho bộ phận đăng ký để lưu máy tính, chứng minh người này không còn xe nữa khi đăng ký xe khác (đăng ký mới hoặc đăng ký sang tên). Khi công an hoặc chủ xe tìm lại được xe đã mất phải trình báo lại hoặc làm thủ tục nhận lại xe.

Trường hợp đã đứng tên đăng ký trước đây nhưng đã bán xe cho người khác (chưa sang tên hợp pháp) không xác định người đó ở đâu hoặc người chủ cuối cùng đang sử dụng xe không có hộ khẩu ở TP.HCM trong khi người bán có nhu cầu đăng ký xe khác thuộc trách nhiệm của chủ sở hữu. Theo quy định mới, phải bán xe cho người có hộ khẩu trong thành phố, có giấy phép lái xe và người đó chưa có xe. Đồng thời, phải theo dõi người đó có làm thủ tục sang tên chưa...

Nếu không thực hiện đúng quy định này, công an vẫn lưu hồ sơ người bán là chủ xe này, hành vi mua bán chưa hoàn thành nên không được đăng ký xe mới. Quy định này có lâu nhưng nhiều người không thực hiện. Nay muốn đăng ký xe khác phải tìm người mua yêu cầu làm thủ tục. Nếu người mua thuộc diện tạm trú thì yêu cầu họ làm thủ tục rút hồ sơ xe về nơi đăng ký hộ khẩu thường trú để đăng ký.

Theo quy định, khi làm giấy mua bán ở phường xong phải làm trước bạ và đăng ký sang tên trong 1 tháng. Nếu không thực hiện, chỉ có giấy mua bán không được lưu hành xe. Do đó, trường hợp trước đây làm thủ tục mua bán xe tại phường nhưng không đăng ký, nay không được tái xác nhận việc mua bán xe để chứng minh không còn xe đó để đăng ký mới

Hàng loạt bất hợp lý và tiêu cực phát sinh

Sự bất hợp lý đẩy người dân đến tình trạng chạy ĐKXM trở nên lộn xộn trước giờ G (giờ quyết định ngừng ĐKXM), phát sinh hàng loạt cò chạy ĐKXM với giá đẩy lên từ 2 triệu đến 3 triệu đồng cho một biển số xe ngoại tỉnh và 5-7 triệu đồng cho một biển số xe thành phố.

Quy định cấm đăng kí xe máy với người ở nội thành nhằm giảm lưu lượng và mật độ xe máy lưu hành trong nội đô, giảm tải với hạ tầng đô thị, vô tình tạo cơ hội có thu thập không chính đáng cho một số đối tượng, tăng chi phí tiêu cực đối với người cần có xe máy và gây khó khăn cho chính người quản lý là Bộ Công an.

Quy định “mỗi người chỉ được đứng tên đăng kí một xe” không những mâu thuẫn với hiến pháp mà còn không có tác dụng giảm lưu lượng xe. Quy định trên chỉ có tác dụng giảm số xe máy trung bình trên một người đăng kí mà không có tác dụng nhiều với số xe lưu thông (tại một thời điểm nhất định).

Quy định cấm đăng kí xe máy với người ở nội thành gây lãng phí tài sản cá nhân và gây thất thu cho Nhà nước. Khi thực sự có nhu cầu sử dụng xe máy, người dân sẽ tìm mọi cách để được sở hữu một chiếc xe. Theo đó phát sinh hàng loạt hiện tượng tiêu cực mới về vấn đề mua quyền đăng kí xe của những người chưa đứng tên, hoặc (và) sống ở các khu được quyền đăng kí xe máy, hiện tượng cọ̀ mồi tên đăng kí xe.

Những người cần đổi hoặc mua xe tìm mua xe có đăng kí (mà không thay đổi chủ). Như vậy, những người có nhu cầu sở hữu xe máy đang phải chi thêm một khoản tiền mua “quyền đăng kí xe” từ các cá nhân. Số tiền này, theo một số nguồn thông tin thì từ 3-5 triệu/xe tùy giá trị của xe trong khi Nhà nước hoàn toàn có thể thu được số tiền này dưới dạng thuế hoặc phí đăng kí và sử dụng xe.

Bên cạnh phí đăng kí xe mới, việc mua “quyền đăng kí xe” còn gây khó khăn trong quản lý xe máy cho ngành công an và vô hình trung làm tăng số lượng người “đăng kí sở hữu mà không sở hữu hoặc sử dụng”. Ngành công an không thể quản lý được người thực sự sử dụng và sở hữu xe mà chỉ quản lý một danh sách “người đăng kí sở hữu”! Trước đây điều này đă khó do nhiều người mua bán mà không thay tên đổi chủ, nay lại càng khó hơn.

Cũng khó có thể trả lời được, trong tổng số xe mới đăng kí có bao nhiêu xe máy do người sử dụng thực sự đứng tên trực tiếp, bao nhiêu xe máy đăng kí “nhờ”? Mức tiêu thụ xe máy và lưu lượng cũng không thể giảm đáng kể.

Hạn chế đăng ký xe máy: Trái luật và không hiệu quả

Theo kết quả kiểm tra mới đây của Chính phủ, Thông tư 02/2003/TT-BCA ngày 13/1/2003 của Bộ Công an về việc hướng dẫn tổ chức cấp đăng ký, biển số phương tiện giao thông cơ giới được coi là văn bản có dấu hiệu trái pháp luật.

Đúng là như vậy, thông tư này không những trái luật mà còn không đạt mục đích giảm thiểu vi phạm giao thông. Kể từ khi có qui định hạn chế đăng ký xe, tai nạn không vì thế mà giảm, kẹt xe, ùn tắc giao thông không vì thế mà bớt đi, thậm chí lại phát sinh loại tiêu cực mới.

Điều này cũng chứng tỏ số lượng xe gắn máy được đăng ký khác hoàn toàn với số lượng xe lưu thông. Chính vì có qui định hạn chế đăng ký nên mới xuất hiện hiện tượng nhờ người khác đứng tên giùm và để lại những hậu quả pháp lý phức tạp, tương tự như chuyện ngày xưa không có hộ khẩu TP thì không được đứng tên nhà nên nhiều người phải nhờ anh chị em, bạn bè đứng tên, rồi sau đó đã phát sinh các tranh chấp rất phức tạp; gần đây có tình trạng Việt kiều không đủ điều kiện mua nhà nên nhờ người khác đứng tên cũng vậy.

Trái luật vì về nguyên tắc, tài sản do người dân tạo lập một cách hợp pháp thì phải được quyền đăng ký sở hữu. Theo điều 221 BLDS, cũng qui định rõ: Tài sản hợp pháp thuộc sở hữu tư nhân không bị hạn chế về số lượng và giá trị, do đó người dân có quyền mua và đăng ký tài sản hợp pháp của mình mà không ai có thể ngăn cản hoặc hạn chế quyền về tài sản của họ. Và các luật sư nhấn mạnh trong một Nhà nước pháp quyền, các văn bản dưới luật được ban hành cần phải phù hợp với hiến pháp và luật hiện hành.

Trên lý thuyết, hạn chế đăng ký xe là hạn chế giao dịch dân sự của người dân, người muốn bán xe không bán được, người mua không thể mua, trong khi đó thì luật không cấm việc này. Nhằm đối phó với các qui định (trái luật), người dân sẽ tìm cách “lách luật” để có xe theo ý muốn. Vô tình, qui định đã sinh ra tính gian dối trong người dân và phát sinh dịch vụ “mua bán quyền” (quyền ở đây là quyền được mua xe). Đây là điều hoàn toàn bất lợi, chưa kể những việc làm gian dối đó sẽ phát sinh thêm nhiều hệ lụy khác trong công tác quản lý.

  • Anh Duy