Cảnh báo về chất lượng thuốc đông dược
Các Website khác - 22/11/2005
Trên thị trường Đông dược ở nước ta hiện nay, nguồn dược liệu trong nước chỉ chiếm 15%. Số còn lại phải nhập khẩu, chủ yếu là từ nước ngoài. Có đến 60% sản phẩm từ dược liệu không đạt tiêu chuẩn, những con số có thế làm người bệnh giật mình.
Loạn... đông dược

Chỉ cần một lần đi qua phố Lãn Ông, Thuốc Bắc (Hà Nội), bạn sẽ thấy trên là trời dưới là đông dược. Cả một dãy phố dài thơm nức. Thử ghé vào thăm, hỏi vị gì cũng có, loại gì cũng có. Từ cao đơn hoàn tán, đến thuốc bột, từ các loại thảo dược khô đến loại đã được tinh chế, đóng viên con nhộng chẳng khác gì tân dược. Rất nhiều hiệu thuốc đông y kiêm cả việc xem bệnh bốc thuốc. Nhưng nếu bạn chỉ cần hỏi mua một vài vị, hay mua theo đơn sẵn có thì nhà thuốc cũng sẵn sàng phục vụ ngay.

Nhiều phụ nữ có thai cũng dùng đông dược an thai. Tuy nhiên, theo các bác sĩ ở Bệnh viện bảo vệ sức khoẻ bà mẹ và trẻ em lại khuyến cáo chị em cần rất thận trọng, không ít trường hợp dùng Đông dược an thai đã bị hư thai, hoặc gặp một số tai biến thai sản rất đáng tiếc do dùng thuốc không bảo đảm chất lượng.

Nguyên nhân gây độc từ thuốc đông y rất đa dạng. Thường gặp nhất là tình trạng dùng quá liều (chính vì quan niệm đông dược là thuốc bổ). Thí dụ bài thuốc lưu truyền trị bệnh tim, gồm chu sa hấp với tim lợn. Tuy nhiên ít người biết rằng, chu sa chỉ được dùng tối đa 1g/ngày, lại tuyệt đối tránh tiếp xúc trực tiếp với nhiệt độ cao. Những điều không được hướng dẫn này đã dễ dàng biến bài thuốc trị bệnh thành liều thuốc độc. Hoặc như bài thuốc hạt ba đậu dùng để trị ung thư gan vốn bán rất chạy bởi tin đồn về tác dụng kỳ diệu của nó. Các lương y cho biết thứ hạt này có tác dụng chính là nhuận trường nhanh, nhưng dùng nó để xổ chất độc trong gan, quả là chuyện chết người. Hạt ba đậu nằm trong danh sách các loại thuốc độc bảng A của quy chế thuốc độc đông y.

An toàn vệ sinh, báo động đỏ

Ngay cả các cán bộ quản lý của ngành y tế cũng phải thừa nhận: hiện nay dược liệu đông y ở Việt Nam chất lượng rất kém, không có kho tàng bảo quản tử tế nên nhanh xuống cấp. Người ta khắc phục bằng cách xông lưu huỳnh, phun thuốc trừ nấm vượt quá hàm lượng cho phép. Hậu quả là thuốc rất chua và độc hại. Về thành phẩm hàng lậu tràn lan, chiếm tỷ lệ rất cao. Nhiều sản phẩm không có số đăng ký nhưng tư thương vẫn kiếm được tem của sản phẩm khác dán vào để gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng.

Bảo quản, phơi thuốc đông y hiện nay lạm dụng hoá chất trừ sâu ngay từ khâu trồng dược liệu. Kế đến là cảnh chế biến, phơi sấy. Quanh khu vực bán đông dược có thể thấy không ít cảnh thuốc được phơi thoải mái trên lề đường, rất chấp bụi bặm, nước thải, rác thải chung quanh. Rồi thuốc bị mốc thì mang ra rửa rồi lại phơi... bụi, lại bán cho người tiêu dùng.

Nhưng việc dùng hóa chất bảo quản mới là điều đáng sợ nhất. Hầu hết các vị thuốc được chế biến sẵn đều cần đến chất bảo quản; có thể là chất chống nấm mốc, giữ độ mềm của thuốc hoặc đơn giản hơn là giữ mầu. Tuy nhiên hầu hết các hoá chất này đều không có nguồn gốc, tên gọi, được bày bán ê hề trên thị trường với giá "bèo bọt" số lượng không hạn chế. Thí dụ: có thể dùng natri benzoat để bảo quản đông dược. Tuy nhiên, trong khi loại hoá chất "xịn" này phải vài chục ngàn/100g thì trên thị trường lại chỉ có giá vài ba ngàn! Đó là chưa kể các loại thuốc diệt kiến, diệt côn trùng, diệt nấm mốc... toàn loại chất kịch độc nhưng lại đều hiện diện trong quá trình bảo quản đông dược.

Người dùng đông dược chủ yếu có các bệnh mãn tính, cần uống thuốc lâu dài. Vì vậy tồn dư độc chất dù nhỏ cũng sẽ tích tụ và gây hại nghiêm trọng cho sức khỏe. Đấy là chưa kể đến phẩm mầu dùng cho đông dược cũng rất đáng nghi vì phẩm thường khó có thể cho ra những viên cao đơn hoàn tán có mầu sắc rực rỡ đến vậy.

Người bệnh cần tự bảo vệ mình?

Theo các lương y, hầu hết các trường hợp ngộ độc đông dược đều do những sai lầm đáng tiếc của người bệnh. Đầu tiên là việc quá cả tin vào những lời đồn về tác dụng thần kỳ của một toa thuốc gia truyền, vị thuốc bí hiểm nào đó. Một số người thì hoàn toàn phó thác sức khoẻ của mình cho các vị thầy lang. Họ chấp nhận các toa thuốc đắt tiền, mua các loại thuốc tự chế hoặc không rõ nguồn gốc để rước họa vào thân. Thuốc đông y được bào chế theo các phương pháp hiện đại có chất lượng cao, dễ sử dụng do các công ty dược phẩm có uy tín sản xuất không thiếu. Còn nếu vẫn muốn trung thành với các loại Đông dược cổ truyền thì tốt nhất là không dùng thuốc tán bột (kể cả thuốc tễ) không rõ nguồn gốc. Khi thấy thuốc bị mốc có mùi lạ, vị chua thì không nên mua.

Tốt nhất là nên bốc thuốc tại các nhà thuốc của Nhà nước hoặc phòng mạch của các lương y đã qua đào tạo chính quy. Điều trị bằng y học cổ truyền cần phải bắt mạch, kê toa. Không tự ý mua thuốc để uống, ngay cả là thuốc bổ. Dù là đông dược hay nam dược cũng phải dùng đúng chỉ định, vì tác dụng của thuốc y học cổ truyền nói chung còn phụ thuộc vào cơ địa, khí chất của từng người. Cùng một chứng bệnh nhưng cơ thể mỗi người có cơ địa khác nhau nên bài thuốc cũng khác nhau. Không thể áp dụng toa thuốc của người này để bốc thuốc cho người kia.

Nếu cơ thể của người bệnh đã hỏa lại cho thuốc có vị nóng vào thì sẽ sinh thêm bệnh hoặc ngược lại cơ thể người đó đã hàn mà uống thuốc có tính lạnh thì có thể tử vong!

Theo Tư vấn tiêu dùng