Chủ tịch Kayson Phomvihane, người bạn thủy chung của nhân dân Việt Nam
Các Website khác - 13/12/2005
Chủ tịch Kayson Phomvihane sinh ngày 13-12-1920, tại bản Nà-xeng, huyện Khanthabuly, Savannakhet (Trung Lào).
Lớn lên trong cảnh đất nước, quê hương bị thực dân xâm lược, đô hộ, không có tự do, độc lập. Phải chứng kiến đồng bào mình bị áp bức, cơ cực từ khi còn nhỏ Kayson Phomvihane thích đến chùa Xay-nha-phum cạnh nhà nghe giáo lý đạo Phật và ước muốn được làm nhiều việc tốt giúp mọi người.

Sớm có tinh thần yêu nước, ghét thực dân xâm lược, nên khi theo học ở trường tiểu học tiếng Lào, tiếng Pháp ở quê nhà cũng như khi học tại Trường Bảo Hộ (trường Chu Văn An - Hà Nội ngày nay) Kayson Phomvihane đã tích cực tham gia các hoạt động của học sinh và trí thức trẻ.

Khi phát-xít Nhật đảo chính lật đổ chính quyền thực dân Pháp ở Ðông Dương (3-1945), trường học đóng cửa, Kayson Phomvihane trở về Savannakhet và tham gia phong trào cách mạng của tổ chức Lào Itsala (Lào tự do) ở địa phương. Trực tiếp góp sức mình vào cuộc đấu tranh chống áp bức xâm lược giành tự do, độc lập của nhân dân các bộ tộc Lào.

Cuối tháng 8-1945, Kayson Phomvihane tham gia thành lập đơn vị vũ trang ở Savannakhet, sau đó thực dân Pháp phải chấp nhận rút quân ra khỏi thị xã. Chính quyền cách mạng của nhân dân Savannakhet được thành lập.

Sau ngày nước Lào tuyên bố độc lập (12-10-1945), Kayson Phomvihane quay lại Hà Nội tập hợp những người bạn Lào, bạn Việt quen biết để cùng hoạt động cách mạng. Ðầu năm 1946, theo Chỉ thị của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Ban công tác Lào - Việt được thành lập, có trụ sở đặt tại phố Bà Triệu, Hà Nội. Kayson Phomvihane làm việc tại cơ quan giữ vai trò đầu mối quan trọng này.

Tháng 12-1946, khi cuộc kháng chiến toàn quốc bùng nổ ở Việt Nam, Kayson Phomvihane cùng một số thanh niên yêu nước Lào rời Hà Nội lên căn cứ kháng chiến làm việc tại Ban Tuyên truyền khu X, khu XII... trực thuộc sự lãnh đạo của các đồng chí Võ Nguyên Giáp, Song Hào, Lê Trọng Tấn...

Ðể phát triển lực lượng cách mạng, huy động sức mạnh của nhân dân ba nước Ðông Dương, đoàn kết chung lòng chống thực dân Pháp xâm lược. Tháng 2-1948, T.Ư Ðảng CS Ðông Dương quyết định thành lập Ðội xung phong Lào Bắc làm nhiệm vụ xây dựng lực lượng vũ trang, mở rộng và củng cố căn cứ địa cách mạng ở vùng đồng bào các dân tộc thiểu số ở Ðông Bắc nước Lào. Ðồng chí Kayson Phomvihane được cử làm đội trưởng. Ðầu năm 1949, đồng chí được kết nạp vào Ðảng CS Ðông Dương.

Sau 10 tháng hoạt động Ðội xung phong Lào Bắc lại được tách ra thành lập đội vũ trang độc lập đầu tiên của quân đội nhân dân Lào. Ðội mang tên vị anh hùng dân tộc Lạt-xa-vông. Ðồng chí Kayson Phomvihane giữ chức Tổng chỉ huy.

Tháng 8-1950, do yêu cầu của việc thống nhất tổ chức và lãnh đạo khối đoàn kết toàn dân cho thực lực cách mạng Lào phát triển. Ðại hội Mặt trận Lào kháng chiến đã được tổ chức. Cương lĩnh đoàn kết của đại hội đã tạo nên sự nhất trí cao của các lực lượng yêu nước Lào vì mục tiêu chống đế quốc thực dân xâm lược giải phóng đất nước. Tại đại hội, đồng chí Kayson Phomvihane được cử giữ chức Bộ trưởng Quốc phòng kiêm Tổng Tư lệnh quân đội trong Chính phủ Lào kháng chiến do Hoàng thân Suphanuvong làm Thủ tướng, đồng thời làm Chủ tịch Mặt trận. Từ đây, với những trọng trách được giao, đồng chí Kayson Phomvihane và Hoàng thân Suphanuvong, hai người con ưu tú của đất nước Lào đã luôn gắn bó, sát cánh bên nhau trọn vẹn hiến dâng cuộc đời mình vì một nước Lào hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và thịnh vượng, nhân dân các bộ tộc Lào ấm no, hạnh phúc.

Mặt trận Lào kháng chiến đã lãnh đạo nhân dân và lực lượng vũ trang Lào giành được nhiều thắng lợi to lớn. Tháng 2-1951, đồng chí Kayson Phomvihane được cử làm Trưởng đoàn đại biểu Xứ ủy Lào tham dự và tham luận tại Ðại hội II Ðảng CS Ðông Dương. Nghị quyết đại hội đã đề ra đường lối chiến lược của cuộc kháng chiến lâu dài, trường kỳ, gian khổ nhưng nhất định sẽ thắng lợi vẻ vang đồng thời đại hội cũng đã khẳng định sự cần thiết phải thành lập chính đảng của từng nước. Quán triệt tinh thần đó, các đồng chí đảng viên Cộng sản Lào đã chủ động, khẩn trương chuẩn bị thành lập Ðảng Nhân dân Lào.

Tháng 2-1955, tại căn cứ Na Mèo, tỉnh Hủa Phăn đã tổ chức Ðại hội đại biểu những đồng chí cộng sản Lào lần thứ nhất để thành lập chính đảng riêng của Lào. Ðồng chí Kayson Phomvihane trúng cử làm Trưởng ban chỉ đạo kiêm Bí thư Quân ủy T.Ư.

Tháng 1-1956, tại Mường Xôi, Sầm Nưa (Lào), thực hiện nghị quyết của Ðại hội Ðảng Nhân dân Lào, Mặt trận Lào Ít-xa-la (Lào tự do) đã tổ chức đại hội. Báo cáo đại hội khẳng định đường lối đoàn kết mọi lực lượng yêu nước nhằm mục tiêu xây dựng nước Lào hòa bình, trung lập, dân chủ và hòa hợp dân tộc. Ðổi tên thành Mặt trận Lào yêu nước. Ðại hội bầu Hoàng thân Suphanuvong là Chủ tịch Mặt trận Lào yêu nước, đồng chí Kayson Phomvihane là Phó Chủ tịch kiêm Bộ trưởng Quốc phòng.

Từ sau Hiệp định Geneva, với âm mưu làm bá chủ thế giới, đế quốc Mỹ đã thay chân thực dân Pháp duy trì cuộc chiến tranh ở Ðông Dương. Ðế quốc Mỹ coi Lào là "nước dồi dào nguyên liệu chiến lược, không thể thiếu với công nghiệp chiến tranh", "Lào là phòng tuyến sống mái của Mỹ ở Thái Bình Dương", " Lào là bức tường thành, một căn cứ quân sự lý tưởng". Vì vậy vũ khí, chuyên gia quân sự Mỹ đã ồ ạt vào Lào, để bằng mọi cách phá hoại phong trào cách mạng Lào. Với đường lối đúng đắn, Ðảng Nhân dân và Mặt trận Lào yêu nước đã thu hút đông đảo lực lượng quần chúng, tạo điều kiện cho cơ sở Ðảng và Mặt trận phát triển lan rộng trong toàn quốc và đứng vững trước mọi sự tiến công của kẻ thù, ngay cả những lúc khó khăn, ác liệt nhất. Tháng 2-1972, Ðại hội lần thứ hai của Ðảng đã họp tại Viêng Xay. Ðại hội đổi tên Ðảng và bầu BCH T.Ư Ðảng Nhân dân Cách mạng Lào. Ðồng chí Kayson Phomvihane làm Tổng Bí thư. Dưới sự lãnh đạo của Ðảng đứng đầu là đồng chí Kayson Phomvihane, đường lối lãnh đạo của Ðảng tiếp tục được hoàn thiện. Ðảng NDCM Lào tiếp tục phấn đấu hoàn thành sứ mệnh lịch sử của mình. Với chiến thắng năm 1975 cả nước Lào đã được giải phóng. Ðộc lập, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ đã thật sự trở về tay nhân dân các bộ tộc Lào.

NGÀY 1 và 2-12-1975, tại thủ đô Viêng Chăn, Ðại hội Quốc dân Lào được tổ chức. 264 đại biểu, các tổ chức quần chúng, nhân sĩ, trí thức, lực lượng vũ trang của nhân dân các bộ tộc Lào trên mọi miền đất nước đã tuyên bố xóa bỏ hoàn toàn và vĩnh viễn chế độ phong kiến cũ. Tuyên bố thành lập chế độ CHDCND, quy định quốc huy, quốc kỳ, quốc ca, và ngôn ngữ chính thức... Ðại hội nhất trí bầu Hoàng thân Xu-va-nu-vông làm Chủ tịch nước kiêm Chủ tịch Hội đồng tối cao. Ðồng chí Kayson Phomvihane Tổng Bí thư Ðảng Nhân dân cách mạng Lào làm Thủ tướng Chính phủ.

Dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Ðảng cùng với nhân dân của mình Chủ tịch Kayson Phomvihane đã chỉ đạo công cuộc bảo vệ chế độ mới, khôi phục kinh tế-xã hội của đất nước sau chiến tranh, ổn định và nâng cao đời sống nhân dân thi hành chính sách nhằm đoàn kết các dân tộc, các tầng lớp, tôn giáo trong mối quan hệ cộng đồng dân tộc dưới sự lãnh đạo của Ðảng, thực hiện quyền làm chủ của nhân dân. Xây dựng và củng cố vị trí Ðảng cầm quyền, người tổ chức, chỉ đạo mọi thắng lợi của cách mạng Lào. Gắn bó Ðảng với các tổ chức chính trị và các tầng lớp nhân dân nhằm mục tiêu xây dựng nước Lào hòa bình độc lập dân chủ thống nhất và thịnh vượng trong bối cảnh lịch sử mới.

Trải qua các kỳ đại hội III,IV, V của Ðảng NDCM Lào, với cương vị là người đứng đầu Ðảng cầm quyền, Chủ tịch Kayson Phomvihane giành hết tâm lực để nghiên cứu và thực hành đồng thời đúc kết kinh nghiệm tìm ra phương hướng và tiến hành sự nghiệp đổi mới toàn diện có nguyên tắc nhằm đưa nước Lào vượt qua những khó khăn của một nền kinh tế nghèo nàn, lạc hậu, phân tán trở thành một nước có nền kinh tế đa dạng nhiều thành phần.

Chủ tịch Kayson Phomvihane luôn trân trọng vun trồng xây đắp tình đoàn kết đặc biệt, sự liên minh chiến đấu và hợp tác toàn diện Lào - Việt Nam. Chủ tịch Kayson Phomvihane khẳng định: Mối quan hệ giữa hai Ðảng và nhân dân hai nước là quy luật tất yếu, trong đó chú trọng sự liên minh, hợp tác trên cơ sở bình đẳng và tôn trọng lẫn nhau. Phải xuất phát từ lợi ích chân chính của mỗi dân tộc và sự liên minh cần thiết của các dân tộc trong cuộc chiến đấu chống kẻ thù xâm lược chung. Luôn kiên trì nguyên tắc quyền tự quyết, thường xuyên trao đổi kinh nghiệm và những vấn đề cả hai bên cùng quan tâm... Giữ vững tình cảm, đoàn kết lâu dài, thủy chung trong sáng đặc biệt Lào- Việt Nam. Nhờ vậy, liên minh giữa hai nước trở thành mẫu mực, bền vững và trong sáng cho dù trải qua biết bao biến động thử thách.

Khẳng định vai trò của mối quan hệ đặc biệt Lào - Việt Nam Chủ tịch Kayson Phomvihane nói: "Ðoàn kết đặc biệt với Việt Nam mãi mãi là hòn đá tảng của chính sách đối ngoại của Ðảng và nhà nước ta, là nguồn sức mạnh vô địch của chúng ta không kẻ thù nào phá nổi".

Tháng 7-1977, tại thủ đô Viêng Chăn, Chủ tịch Kayson Phomvihane và đồng chí Lê Duẩn Tổng Bí thư BCH T.Ư Ðảng CS Việt Nam đã ký Hiệp ước Hữu nghị và hợp tác, Hiệp định hoạch định biên giới quốc gia. Ðây là sự kiện đánh dấu bước phát triển mới trong quan hệ Việt - Lào, tạo cơ sở pháp lý vững chắc và lâu dài để ký và thực hiện nhiều thỏa thuận hợp tác quan trọng. Ðây cũng là hiệp ước hữu nghị và hợp tác đầu tiên mà hai nước ký với nước ngoài, mở đường cho việc ký các hiệp ước hữu nghị và hợp tác khác.

Khẳng định vai trò của Chủ tịch Kayson Phomvihane trong quan hệ hữu nghị Việt Nam - Lào trong bức điện chia buồn gửi Ðảng, Nhà nước, Chính phủ, Mặt trận và nhân dân các bộ tộc Lào khi được tin Chủ tịch Kayson Phomvihane qua đời Ðảng ta đã khẳng định: " Ðồng chí Kayson Phomvihane là một nhà lãnh đạo xuất sắc, một chiến sĩ cách mạng kiên cường, người con ưu tú của nhân dân các bộ tộc Lào, người bạn thủy chung của nhân dân Việt Nam... Ðồng chí Kayson Phomvihane là người đã có công lớn xây dựng và vun đắp tình cảm gắn bó Lào - Việt, thường xuyên chăm lo việc củng cố và tăng cường mối quan hệ đoàn kết hữu nghị đặc biệt và sự hợp tác toàn diện Lào - Việt Nam".

Cho đến nay và mãi mãi về sau, các thế hệ người dân hai nước luôn giữ vững mối quan hệ tốt đẹp giữa hai nước Việt Nam - Lào, do Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại cùng toàn thể dân tộc Việt Nam và Chủ tịch Kayson Phomvihane kính yêu cùng toàn thể nhân dân các bộ tộc Lào dày công vun đắp.

NGUYỄN KHÁNH ANH