Đầu tư hơn 14 tỷ đồng cho công trình kém chất lượng
Các Website khác - 29/03/2006

(VietNamNet) - Dù biết trước công trình Quảng trường - Đài tưởng niệm Anh hùng liệt sĩ tỉnh Tây Ninh sẽ lún sụt, hư hỏng nhưng các bên liên quan vẫn “nhắm mắt” cho thi công. “Chạy đua tiến độ” để hoàn thành đúng dịp 30/04/2005, công trình "tai tiếng" này hiện vẫn còn dang dở...

Lún nứt khắp nơi!

Theo ghi nhận ngày 27/03 của PV VietNamNet, xuống cấp rõ nhất là Tượng đài - hạng mục chính của công trình: các bậc tam cấp lót bằng đá hoa cương có nơi bị bể, nơi bị nứt xệ hẳn xuống, xuất hiện những vềt nứt chạy dài hàng chục mét...

Soạn: AM 736753 gửi đến 996 để nhận ảnh này
Cảnh tượng đài chính đã xong, nhưng phần "phụ" thì còn "nham nhở".

Lan can bao quanh tượng đài chính xuất hiện các vết nứt dọc, ngang chằng chịt. Bên cạnh các vết nứt mới là khá nhiều vết nứt cũ đã được trám trét bằng xi măng và quét vôi sơ sài.

Trong khu đặt bia tưởng niệm liệt sĩ, chất lượng thi công còn “tệ” hơn rất nhiều: gần như toàn bộ gạch lát nền (còn mới tinh) bị “lột ra” để gắn gạch mới vì bị lún sụt, bong nứt sau gần 1 năm đưa vào sử dụng.

Soạn: AM 736755 gửi đến 996 để nhận ảnh này
Vết nứt rộng tới 5 cm dưới một bức tường

Dưới các chân bia tưởng niệm lộ ra những khoảng trống, ghé mắt bên này là có thể nhìn xuyên sang bên kia. Có những tấm bia đá chỉ có một nửa hoặc một phần chân có móng, nguy cơ có thể đổ sụp bất cứ lúc nào.

Ẩu tả và vô trách nhiệm là cảnh tượng các dòng tên liệt sĩ, mẹ Việt Nam anh hùng được dán sơ sài trên những tấm bia đá..bằng chất liệu đề can, nhiều chữ đã bay mất do mưa, gió hoặc bị xé rách dọc, ngang.

Soạn: AM 736761 gửi đến 996 để nhận ảnh này
Tên liệt sĩ được dán bằng đề can đã bong tróc theo thời gian

Giải thích về việc này, một quan chức của tỉnh Tây Ninh trả lời rất mơ hồ rằng: “Chờ lấy ý kiến người dân xem có sửa đổi gì không rồi mới khắc vĩnh viễn vào bia đá” (?!)

Điều lạ lùng: Dù là công trình văn hóa thuộc loại lớn nhất của tỉnh Tây Ninh nhưng hơn một năm qua không có ai bảo vệ, biến thành “sân chơi” của nhiều tốp học sinh, là nơi để trâu bò vào gặm cỏ, thải phân, là nơi để người dân phơi lúa tràn lan trên sân quảng trường.

Soạn: AM 736767 gửi đến 996 để nhận ảnh này
Lún, nứt buộc phải thay thế toàn bộ gạch nền

Còn phần sân tượng đài chính thành chỗ nhậu lý tưởng cho mấy tay bợm rượu, thân cột của nhà Bát giác xuất hiện nhiều dòng chữ kém văn hóa, tô vẽ nghệch ngoạc làm người nhìn thấy không khỏi bực mình.

Thực trạng trên tạo ra một hình ảnh nhếch nhác, phản cảm ở một công trình văn hóa vốn trang nghiêm.

Biết “hậu quả” nhưng vẫn làm!?

Vì sao một công trình lớn được đầu tư gần 15 tỷ đồng, chưa nghiệm thu đã xuống cấp trầm trọng như vậy?!

Soạn: AM 736769 gửi đến 996 để nhận ảnh này
Phần giao giữa khu tượng đài và bậc tam cấp bị "võng", nứt trầm trọng.

Câu trả lời: địa phương đã lường trước được khả năng lún sụt, xuống cấp của công trình nhưng vẫn “quyết” cho đơn vị thi công thực hiện “chạy đua tiến độ” hoàn thành đúng dịp 30/04/2005.

Điều này thể hiện rõ trong cuộc họp do Sở văn hóa thông tin tỉnh Tây Ninh chủ trì ngày 30/12/2005: đại diện Công ty xây lắp, ông Nguyễn Văn Tiến cho biết: “Việc lún nền đơn vị thi công đã trình bày trước đây với chủ đầu tư và Sở Xây dựng. Hội đồng kỹ thuật đã chấp thuận cho công ty thi công để phục vụ lễ, sau đó bị lún sẽ tháo ra làm lại, phần chi phí này công ty chịu chứ không tính vào phát sinh vào công trình”.

Soạn: AM 736771 gửi đến 996 để nhận ảnh này
Cảnh lún nứt như thế này ở khắp mọi nơi

Còn đại diện Sở Xây dựng Tây Ninh, ông Tô Ngọc Tuấn cho biết: “Công trình thi công trong điều kiện gấp rút để phục vụ lễ, việc lún sụt đã được dự đoán trước, nên tượng đài chính đã đề nghị UBND tỉnh cho thay đổi từ đắp đất sang sàn bê tông cốt thép nên bảo đảm rất an toàn...”

Chiều ngày 27/03, khi chúng tôi đặt vấn đề, để kịp kỷ niệm lễ 30/04 sao tỉnh không cho hoàn thiện phần tượng đài chính, còn những hạng mục còn lại có thể để sau lễ thi công mà làm dang dở, để lún nứt như vậy, ông Nguyễn Văn Châu – Phó chủ tịch tỉnh Tây Ninh cho biết: “thi công như vậy để chờ lún nứt, mai mốt mình hoàn thiện dần”!

Soạn: AM 736773 gửi đến 996 để nhận ảnh này
Đơn vị thi công đang sửa chữa phần sai sót

Ông nói: “Chủ trương của tỉnh là phần “cứng” (tượng đài - P.V) là phải xử lý đàng hoàng.Thiết kế ban đầu là trên nền đất cao, cũng may hồi đó mình đọc báo thấy ở tình trạng lún sụt ở tượng đài Điện Biên Phủ nên phải cho xử lý tốt, nên phần cứng đâu có lún gì đâu!?”

“Còn phần ghi bia liệt sĩ thì mình đổ đất, chấp nhận cho lún, phần đó cho làm tạm và yêu cầu đơn vị thi công lún tới đâu thay tới đó, đó là “lún tự nhiên”..chứ không có chủ trương cho làm lún để làm lại”!

Soạn: AM 736777 gửi đến 996 để nhận ảnh này
Đài tưởng niệm hay sân phơi lúa ?

“Trừ những phần làm tạm, công trình này theo tôi là đạt chất lượng” - ông Châu nói

PV VietNamNet hỏi: “Có bất hợp lý hay không khi một đơn vị thi công chấp nhận làm, rồi chờ công trình xuống cấp, sau đó bỏ tiền túi ra để sửa lại ?!”

Ông Châu không chấp nhận dùng từ “xuống cấp” của phóng viên, mà theo ông dùng từ “lún, võng” là hợp lý.

Cuối cùng, ông nói sẽ cho kiểm tra lại những thông tin mà phóng viên phản ánh, và tỉnh sẽ có biện pháp xử lý nếu thông tin đưa ra là đúng.

  • Thái Thiện