(VietNamNet) - Việc thuê một chỗ để xe ở nội thành Hà Nội bây giờ rất khó. ''Cơn bão'' xe cũ trong nay mai sẽ ''tràn'' về Hà Nội. Điểm đỗ xe ở thủ đô đã thiếu lại càng thiếu hơn. Hà Nội sẽ ''đối diện'' như thế nào với ''cơn bão'' xe cũ?
Trước bài toán khó của việc gia tăng lượng mà không gia tăng bãi đỗ, Hà Nội đã để lộ trình quy định số lượng xe hơi cá nhân được đăng ký hàng năm, tiến tới hạn chế sự gia tăng chóng mặt của ôtô.
Cách đây không lâu, khách hàng mua xe, để được đăng kí chủ phương tiện phải cam kết có chỗ để xe hợp lệ, an toàn, có hợp đồng gửi xe rõ ràng. Thực tế cho thấy biện pháp này chưa giải quyết được thực trạng ''sốt'' bãi đỗ, đã xảy ra chuyện người dân muốn đăng ký xe nhưng không có chỗ đỗ ổn định đã tạo ra những cam kết, hợp đồng đỗ xe ''ảo''.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, có nhiều bất cập ở các bãi đỗ xe hiện nay ở Hà Nội. Khu vực có nhu cầu đỗ xe cao thì diện tích đỗ xe rất thấp và ngược lại. Ví dụ, quận Hoàn Kiếm và Hai Bà Trưng có nhu cầu đỗ xe lớn mật độ phương tiện giao thông chiếm tới 60% toàn thành phố thì diện tích đỗ xe lại rất thấp. Trong khi đó ở khu vực ngoại thành có các bến đỗ diện tích lớn thì chưa có nhiều xe vào đỗ.
Hiện nay, Công ty KTĐĐ xe Hà Nội đang quản lý 138 điểm với tổng diện tích gần 259.000m2. Với diện tích này, hệ thống giao thông tĩnh mới chỉ đáp ứng được 30-35% số lượng xe đang hoạt động trên địa bàn thành phố.
''... Ở thành phố Rơnoa (Italia) có 600.000 dân mà người lo chuyện bãi đỗ xe từ năm 1964 đến nay có trên 2.000 điểm đỗ xe, vậy mà vẫn thiếu, vẫn phải đỗ xe ở hè đường. Cái này cần phải tính toán hết sức kỹ lưỡng!''- Ông Hoàng Duy Hùng. |
Sắp tới, quyết định cho nhập xe cũ có hiệu lực, Công ty khai thác điểm đỗ Hà Nội sẽ có biện pháp gì để tăng cường thêm chỗ đỗ xe? Ông Hoàng Duy Hùng, Giám đốc Công ty cho biết: ''Tới đây, lượng xe mới đưa vào hoạt động của thành phố có thể lên tới 4.000 chiếc mỗi tháng, tăng 1.000 chiếc so với hiện nay. Khả năng thiếu chỗ trầm trọng sẽ xảy ra. Để khắc phục tình trạng này, đề nghị thành phố cho nghiên cứu thí điểm đầu tư lắp đặt thiết bị đỗ xe nhiều tầng, lắp đặt đồng hồ tính thời gian đỗ xe. Không khuyến khích đỗ xe lâu...''.
Cũng theo ông Hùng, tại các điểm đỗ xe sử dụng diện tích đất trống lưu không như Ngọc Hà, Kim Liên sẽ đầu tư thiết bị đỗ xe tự động. Công ty Khai thác điểm đỗ HN cũng đề nghị chuyển cơ chế thu phí trông giữ xe sang giá kinh doanh. Cho phép doanh nghiệp được kiểm tra xử lý vi phạm về đỗ xe. Về lâu dài, sẽ xây dựng garage cao tầng trên diện tích 2.000 m2 quy mô từ 8-10 tầng kết hợp dịch vụ phụ trợ tại một số bến đỗ xe.
Được biết, Hà Nội đang có chủ trương cho đấu thầu, xã hội hóa điểm đỗ xe trên địa bàn thành phố. Lộ trình này sẽ như thế nào? Ông Hoàng Duy Hùng cho biết, chủ trương thì không sai, nhưng cần nghiên cứu, tính toán thật kỹ. Bởi vì, bây giờ một bãi đỗ nếu đầu tư làm thì phải khoảng từ 20 – 30 năm mới có thể hoàn vốn. Vậy thử hỏi liệu có doanh nghiệp nào đầu tư vào lĩnh vực này không? Hay là họ đấu thầu vào làm điểm đỗ để lấy đất công, rồi sau đó lại chuyển đổi mục đích sử dụng khác?
''Nếu như vậy, Nhà nước mất đất cho tư nhân làm ăn, mà điểm đỗ thì vẫn thiếu. Cách giải của tôi là Nhà nước nên đầu tư, giao cho cơ quan chuyên doanh xây dựng, rồi cho đấu thầu khai thác có thời hạn, như vậy thì mới không xảy ra nguy cơ mất đất của Nhà nước và thành phố giải quyết được tình hình thiếu điểm đỗ đang diễn ra hiện nay''- ông Hùng nói.
Phải rốt ráo xã hội hoá điểm đỗ!
Năm 2003, UBND TP.Hà Nội có quyết định về quy hoạch các bến, bãi đỗ xe. Tuy nhiên, đến thời điểm này, quyết định này vẫn chưa thực hiện được. Theo tìm hiểu, Hà Nội vẫn chưa xác định được chỉ giới và cho đến nay cũng chưa có một dự án nào cả và e rằng nếu làm không nhanh sẽ mất đất. Xin lấy một ví dụ chứng minh: Ở TP. HCM, để lấy được mặt bằng 3.000 m2 đất làm điểm trông giữ xe phải mất tới 60 tỷ đồng. Còn theo quy hoạch của thành phố Hà Nội, có 8 điểm trông giữ xe với diện tích 33 ha, mất khoảng 200 tỷ, như thế là quá rẻ. Tuy nhiên, quyết định này vẫn chưa thấy biểu hiện... ''rục rịch'', mặc dù đã qua 3 năm.
Đến cuối tháng 2/2006, Hà Nội có 152.000 ô tô và 1,55 triệu xe máy. Như vậy, bình quân trên một km đường đã phải chịu tải trên 4.000 ô tô, trên 40.000 xe máy. Nếu mức tăng ô tô sắp tới khoảng 2.000 xe/tháng có nghĩa là sau mỗi tháng, một kilômét đường của Hà Nội lại phải gánh thêm gần một chục xe ô tô. |
Về vấn đề xã hội hoá các bãi đỗ xe, ông Đỗ Hoàng Ân, Phó Chủ tịch UBND TP.Hà Nội cho biết: ''Đúng là nếu chúng ta quản lý không chặt thì sẽ mất đất công. Nhưng cần phải hiểu rằng, nếu cứ giữ ''khư khư'' để riêng nhà nước làm thì không thể kham nổi. Chính vì thế cần phải rốt ráo xã hội hóa vấn đề này! Tôi xin lấy ví dụ như việc cống hóa mương sông, các bãi đỗ xe ngầm... tiến độ rất chậm nếu không xã hội hóa. Hiện nay thành phố đang có những bước vừa làm, vừa hoàn thiện những cơ chế, chính sách để quản lý chặt chẽ việc xã hội hóa các điểm đỗ!''.
Trước mắt, thành phố Hà Nội đã chấp nhận việc xã hội hóa các điểm trông giữ xe, cho các DN làm thêm các dịch vụ trong khu vực quy hoạch điểm đỗ. Nhưng theo ông Đỗ Hoàng ÂN, đây là điều kiện thuận lợi thành phố tạo cho các DN có thể nhanh chóng thu hồi vốn và cũng là một cách để thu hút các nhà đầu tư vào đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực này, giải quyết những bức xúc về vấn đề điểm đỗ của Hà Nội. UBND thành phố Hà Nội sẽ tạo điều kiện hết sức để cho các doanh nghiệp đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực này.
Còn ''cơn bão'' xe cũ, Hà Nội tính thế nào? Theo ông Đỗ Hoàng Ân, đó là chuyện tất yếu! Hà Hà Nội sẽ phải lo lắng về vấn đề này. Tuy nhiên, về vấn đề quy hoạch không phải chỉ ''ngày một ngày hai''. Xây dựng một ngôi nhà cũng mất tới vài năm, huống chi là quy hoạch giao thông đô thị cho cả một thành phố lớn!
Được biết, UBND TP.Hà Nội đã chỉ đạo Sở Quy hoạch kiến trúc và GTCC phải khẩn trương rà soát lại những quy hoạch bến xe, điểm đỗ cần điều chỉnh, cần đẩy nhanh tiến độ triển khai trong năm 2006. Tuy nhiên, trên thực tế, vốn ngân sách của thành phố về vấn đề này vẫn chưa cân đối được.
Hiện nay, thành phố Hà Nội đang điều chỉnh lại quy hoạch một số điểm đỗ trong nội thành và một số bến xe như Kim Mã, Gia Lâm, bến xe phía Nam. Phó Chủ tịch Đỗ Hoàng Ân đã trực tiếp chỉ đạo các Sở trong năm 2006 phải kiểm tra, đẩy nhanh tiến độ làm chỉ giới các quy hoạch bến xe, điểm đỗ. Nhưng có một vấn đề đặt ra, về lâu dài như ông Ân đã nói, để quản lý đô thị chứ quy hoạch thì không thể làm ngay được. Vẫn phải khuyến khích các thành phần kinh tế vào đầu tư trong lĩnh vực này.
Trước ''cơn bão'' xe cũ tràn về Việt Nam, Hà Nội đang đối mặt với ''bài toán'' điểm đỗ mà ''lời giải'' không thể xong trong ''một sớm một chiều''. Và hơn hết, cần có sự tham gia của toàn xã hội, một mình Công ty Khai thác điểm đỗ chắc chắn sẽ không ''gánh'' nổi lượng xe khổng lồ như vậy.
Thế Lê Vinh
▪ Hoàng tử Đan Mạch đánh giá cao nỗ lực xóa đói giảm nghèo của VN (17/03/2006)
▪ UNICEF tiếp tục hỗ trợ Việt Nam chăm sóc và bảo vệ trẻ em (17/03/2006)
▪ Cuối 2007, mọi mỏ than hầm lò đều có thiết bị cảnh báo khí mỏ (17/03/2006)
▪ Thêm một ca tử vong do viêm não mô cầu tại TP Hồ Chí Minh (18/03/2006)
▪ Bệnh viêm não xuất hiện ở Kiên Giang (18/03/2006)
▪ Nhà lớn Long Sơn đón mùa lễ hội (18/03/2006)
▪ Kiểm điểm các cá nhân, đơn vị liên quan (18/03/2006)
▪ Gặp “người Việt dũng cảm” ở Băng-cốc (18/03/2006)
▪ Bà tiên Thụy Điển (18/03/2006)
▪ Lý trưởng đời mới (18/03/2006)