"Dự án luật chưa chuẩn bị kỹ thì chưa thông qua"
Các Website khác - 23/11/2005

(VietNamNet) - Bây giờ thông qua luật rồi chúng ta vui mừng báo cáo kỳ họp này đã xong 14 luật, kỳ họp sau khoảng từng đó nữa và xem đó như là một thành tích. Nhưng có luật đến 10 năm rồi mà vẫn chưa có văn bản hướng dẫn... Ý kiến của ĐB Nguyễn Đình Lộc (TP.HCM) ngày 23/11.

>> "Nợ" ban hành văn bản hướng dẫn luật: Lỗi tại ai?

Việc lần đầu tiên QH tổ chức giám sát công tác ban hành văn bản pháp luật và đưa ra báo cáo kết quả đã làm không ít đại biểu vui mừng và... giật mình. Vui mừng vì đây là một việc làm có ý nghĩa "đột phá" trong hoạt động giám sát của QH, còn giật mình bởi những con số báo động về thực trạng luật chậm đi vào cuộc sống.

Soạn: AM 628708 gửi đến 996 để nhận ảnh này
Các vị Chủ tịch, Phó Chủ tịch QH và Chủ nhiệm UB Pháp luật (phải), Bộ trưởng Tư pháp đang nghe ĐB góp ý xây dựng luật.

10 năm chưa triển khai được luật

Như bức xúc của nhiều ĐB khác, ĐB Dương Thị Lợi (Bắc Giang) nhận xét: "Bên cạnh những ưu điểm và kết quả đạt được còn không ít những hạn chế tồn tại, đó là phần lớn các văn bản hướng dẫn thi hành luật, pháp lệnh, nghị quyết được ban hành chậm so với quy định của pháp luật, chậm so với yêu cầu thực tiễn cuộc sống". 

Bà minh hoạ: " Về Bộ luật hình sự có hiệu lực từ 1/7/2000 đến nay mới ban hành được 14/24 văn bản. Bộ luật dân sự từ 1/7/1996 qua 10 năm thực hiện đến nay vẫn còn tới 20 văn bản chưa được triển khai thực hiện".

Chia sẻ với ĐB Lợi, ĐB Dương Trung Quốc ( Đồng Nai) tỏ ra lo âu: "Hôm nay chúng ta mới giật mình thấy rằng có những văn bản luật 10 năm chúng ta còn chưa hoàn chỉnh hệ thống pháp luật hướng dẫn thực hiện. Trong khi đó, với thực tiễn trình độ, năng lực làm luật của chúng ta hiện nay, một Bộ luật chúng ta chỉ có đời sống trong 10 năm, sau đó chúng ta lại phải tiếp tục điều chỉnh theo sự phát triển của xã hội".

Soạn: AM 628288 gửi đến 996 để nhận ảnh này
Đại biểu Nguyễn Đình Lộc: "Luật ban hành phải cụ thể, trường hợp cá biệt mới giao cho chính phủ quy định".

ĐB Nguyễn Đình Lộc (TP.HCM) cũng sốt sắng: "Thật buồn đến nay chúng ta nói với nhau rằng có những dự án luật được ban hành 10 năm rồi mà vẫn chưa có văn bản hướng dẫn đầy đủ". 

" Bây giờ chúng ta thông qua luật rồi chúng ta mừng, báo cáo với quốc dân là kỳ họp này chúng ta xong 14 luật, kỳ họp sau khoảng từng đó nữa và xem đó như là một thành tích. Tôi cũng được làm công tác pháp luật lâu rồi, từ Bộ Tư pháp rồi qua Quốc hội, thấy có tình trạng là hình như Quốc hội  thông qua được một luật và luật đó đi vào cuộc sống thì đồng thời nó cũng tuột khỏi tay chúng ta". Ông Lộc phát biểu.

"Vừa đá bóng, vừa thổi còi", vừa "vặn kim đồng hồ"?

Tham gia góp ý về vấn đề này, ĐB Phan Trung Lý (Nghệ An) có nêu ra thực trạng: "Một luật được ban hành và đã có hiệu lực pháp luật, nhưng nó vẫn bị vô hiệu hoá trong một thời gian có khi rất dài, vì nó phải chờ các văn bản hướng dẫn. Tôi cũng đề nghị làm sao chúng ta cũng phải khắc phục tâm lý chung của xã hội và tâm lý của lập pháp. Tức là luật ban hành và có hiệu lực là phải thi hành. Cơ quan tổ chức, cá nhân phải thi hành, chứ không nên cứ tâm lý là chờ văn bản hướng dẫn".  

Còn ĐB Dương Trung Quốc cho rằng, sau khi luật được Quốc hội thông qua và đi vào cuộc sống qua cầu nối là các văn bản dưới luật của cơ quan hành pháp, sẽ dẫn đến một " nghịch lý" mà trước đây ta hay nói: "vừa đá bóng, vừa thổi còi".

"Nhưng việc ban hành chậm, và không ban hành những văn bản dưới luật còn có thêm nghịch lý nữa là không những "vừa đá bóng vừa thổi còi" mà lại vừa "vặn kim đồng hồ" nữa, quyết định được trận đấu bắt đầu từ đâu và kết thúc từ đâu" - ông Quốc ví von về quy trình làm luật và ra văn bản dưới luật.

ĐB Quốc đặt vấn đề: Muốn khắc phục được tình trạng đó, tôi nghĩ trước hết chúng ta phải xem trách nhiệm chính là ai. Tôi cho rằng toàn bộ khâu lập pháp phải tính từ khi soạn thảo cho đến khi ban hành đi vào đời sống trách nhiệm hàng đầu là Quốc hội. Cho dù những cơ quan được giao trách nhiệm như Chính phủ, các Bộ, Viện kiểm sát nhân dân tối cao hay Toà án nhân dân tối cao khi làm luật có thể tham gia vào khâu soạn thảo và khâu ban hành những văn bản dưới luật, nhưng nếu luật không đi vào đời sống thì chính Quốc hội chúng ta phải chịu trách nhiệm.  

Dự luật chưa kỹ - kiên quyết không thông qua!

Đề xuất giải pháp khắc phục tình trạng ĐB Dương Thị Lợi nhấn mạnh:  "Tôi đề nghị Quốc hội cần kiên quyết, các dự án luật chưa chuẩn bị kỹ thì chúng ta chưa thông qua. Hoặc nếu những luật chưa đưa vào cụ thể hoá một số điều để quá nhiều vấn đề khung, tôi nghĩ cũng không nên thông qua".

ĐB Lộc lại gợi ý: " Tôi đề nghị tại kỳ họp chúng ta cũng thử nghiệm xem Quốc hội làm 1, 2 luật cụ thể xem sao".

"Báo cáo của Luật Đấu thầu, của Luật Đầu tư trong đó đều nói những vấn đề cụ thể này phải dành cho nghị định, luật chúng ta không ghi vào. Điều đó có trái với nguyên tắc thứ 7 Điều 67 của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật! Ban hành phải cụ thể, đến khi có hiệu lực thì thi hành ngay, cá biệt mới giao cho Chính phủ". Ông Lộc nói.

ĐB Phan Trung Lý cũng mạnh dạn phát biểu: Nếu như luật cứ chung chung như vậy thì theo tôi không có luật còn hơn.Tôi đề nghị cơ quan nào trong luật đã chỉ ra là phải hướng dẫn thì phải hướng dẫn kịp thời. Nếu không hướng dẫn kịp thời thì phải chịu trách nhiệm về vấn đề đó. Và bản thân cơ quan đó quản lý ngành đó phải chịu trách nhiệm.

"Chúng ta đã thông qua nghị quyết về chương trình làm luật rồi nhưng rõ ràng có một phép biện chứng là chúng ta mới ra luật chừng này mà tình trạng ùn đọng đã như thế. Nếu sắp tới chúng ta ra luật với cường độ cao hơn thì tình trạng ùn đọng chắc chắc sẽ cao hơn.

Vì nếu trong xây dựng quy hoạch treo làm khổ dân như thế nào thì trong luật pháp những Bộ luật treo, thực chất là Bộ luật chưa hướng dẫn là Bộ luật treo thì dân còn khổ hơn rất nhiều". ĐB Dương Trung Quốc một lần nữa lên tiếng.

  • Phạm Cường