SỰ KIỆN & BÌNH LUẬN Hãy học bậc "trưởng lão"
Đình Chúc
Phải nói ngay, bậc trưởng lão này là cụ Nguyễn Tấn Gi Trọng - nguyên là "đổng lý" Văn phòng Quốc hội tới 7 khoá liền (từ khoá I đến khoá VII). Theo tâm sự của cụ Trọng thì ngày trước cụ và người đồng nghiệp Dương Bạch Mai được coi là những người đóng góp hăng hái nhất cho QH và bị mang tiếng là một trong những ĐBQH ăn nói "ngang tàng" nhất khi đó. Nhưng sự bộc trực, thẳng thắn của cụ lại được chính Bác Hồ ủng hộ, bởi ngẫm cho cùng sự thẳng thắn ấy cũng là lo cho dân, cho nước. Và trong buổi gặp mặt các thế hệ ĐBQH nhân 60 năm QH VN vừa diễn ra, mặc dù đã bước vào tuổi 94, vị đại trưởng lão này vẫn thẳng thắn và bộc trực như ngày nào khi cụ phê: "QH bây giờ nhiều ĐB chưa nói thật thẳng thắn, chưa tới nơi tới chốn".
Đúng là như vậy. Theo dõi vài kỳ QH gần đây, người dân thấy ngày càng xuất hiện nhiều hơn những ĐB có cái chất bộc trực như cụ Nguyễn Tấn Gi Trọng như các ông Đỗ Trọng Ngoạn, Nguyễn Ngọc Trân, Dương Trung Quốc, Nguyễn Lân Dũng... Nhưng số này so với gần 500 ĐBQH xem ra vẫn rất khiêm tốn. Cũng có người bảo, sở dĩ những ông nghị dám nói "ngang tai" là bởi họ đều không có chức tước, thậm chí không phải đảng viên! Còn những vị bộ trưởng, những ông chủ tịch tỉnh..., mấy ông dám "ngang" thế!
Song cách hiểu này đang bị xu thế dân chủ trong hoạt động của QH bác bỏ. Chính người đứng đầu QH - Chủ tịch Nguyễn Văn An - đã rất khuyến khích và rất muốn nghe những ý kiến tâm huyết vì dân, vì nước dù nó có hơi ngang, thậm chí trái tai. Thực tế là không có ĐBQH nào nói thẳng, nói thật bị "trù", bị tẩy chay, ngược lại họ nhận được sự ủng hộ của các vị lãnh đạo cao nhất của Đảng, Nhà nước, Chính phủ và QH. Đặc biệt, họ được dân ca tụng và gửi trọn niềm tin.
Nhưng có một câu hỏi được đặt ra: Để có sự thẳng thắn, tâm huyết như vậy, ĐBQH phải làm gì? Câu trả lời chỉ có thể là: Gần dân, nghe dân và vì dân. Bởi nếu vì dân, ĐBQH mới chịu khó lắng nghe dân, chịu khó đến với dân và mới giải quyết được những bức xúc của dân. Và bởi nếu chỉ vì dân thì mới dám nói thẳng nói thật, không sợ cái ghế của mình bị mất.
Đã không ít lần, chính Chủ tịch QH Nguyễn Văn An đã nói những lời tâm huyết "Vì nhân dân, QH, Chính phủ phải nhận phần khó về mình, phải nhận phần vất vả về mình". Và không chỉ nói, mà QH đã vào cuộc thực sự. Nhiều bộ luật được thông qua đã nhường cái dễ, cái thuận cho dân mà dành phần khó về cho cơ quan công quyền. Nhiều quyết sách được thay đổi một cách nhanh chóng cũng là để cho dân bớt khổ, bớt nhọc hơn.
Vậy nên, những ông nghị nào còn coi cái ghế, lợi ích cá nhân to hơn quyền lợi của dân mà "mũ ni che tai", chắc chắn sẽ không được dân chấp nhận là đại biểu của mình! |