Hệ tại chức - học giả bằng thật
Các Website khác - 05/01/2006
Đại học tại chức là cứu cánh của những sĩ tử thi đại học trượt.
Hệ tại chức là lựa chọn của nhiều sĩ tử trượt ĐH Ảnh: Anh Tuấn

Chỉ cần đóng tiền, các tú tài trượt giấc mộng cử nhân có thể ung dung ngồi học hệ tại chức sau kỳ thi tuyển chiếu lệ. Học thì nhờ điểm danh, đến kỳ thi thì góp tiền bồi dưỡng giáo viên cho quay cóp... Đó là thực trạng của nhiều lớp tại chức hiện nay.

Theo quy định của Bộ GD&ĐT, học viên hệ đại học tại chức phải có ít nhất một năm làm việc. Nhưng trên thực tế, nhiều học sinh vừa tốt nghiệp THPT, trượt đại học là rủ nhau đăng ký dự thi tại chức. Việc tuyển sinh cho hệ này, vì thế cũng rất sôi động. Thông báo tuyển sinh nhan nhản khắp nơi, không chỉ các đại học mà nhiều cao đẳng, thậm chí trường đào tạo cán bộ cũng chiêu sinh.

Ban đầu cũng có một vài trường kiểm tra điều kiện kinh nghiệm làm việc, nhưng chỉ mang tính chiếu lệ. Thí sinh chỉ cần kiếm một giấy chứng nhận đang làm hợp đồng tại một công ty nào đó (kể cả công ty trách nhiệm hữu hạn) là đủ điều kiện.

Điều kiện trên cũng được nhiều trường bỏ qua. Một số trường tổ chức thi tuyển, nhưng bài thi tương đối đơn giản. Với một số trường đào tạo ngoại ngữ thì dù trình độ tiếng chỉ mới thuộc cấp độ khởi đầu thí sinh cũng có thể dễ dàng vượt qua. Nguyễn Kiều Hạnh, sinh viên khoa tiếng Anh tại chức, ĐH Ngoại Ngữ Hà Nội, cho biết: " Ở phổ thông em học tiếng Pháp. Sau khi trượt đại học em đăng ký dự thi tại chức của trường Ngoại ngữ. Trước khi thi em phải học mất mấy tháng tiếng Anh cơ bản giáo trình Streamline, sau đó cũng đỗ. Hôm đi thi nhiều bạn cũng quay cóp lắm và hầu hết đều đỗ".

Thày dạy, trò trốn

Tại một lớp học tại chức của ĐH Thương mại, giờ học bắt đầu từ 17h30 nhưng 18h giáo viên mới vào lớp và cũng chỉ có 2/3 sinh viên có mặt. Sau đó, chốc chốc lại có một sinh viên len lén bước vào lớp. Có sinh viên thường xuyên đi muộn bị giáo viên nhắc nhở thì viện lý do đi làm 17h30 mới tan nên không về kịp.

Thày giáo cứ đều đều giảng bài, ở dưới sinh viên cứ "mải mê" nói chuyện. Một vài người gục đầu xuống bàn ngủ, có mấy sinh viên lớn tuổi thì lôi sổ sách ra tranh thủ làm việc. Nhìn quanh, số người tập trung lắng nghe và chép bài không được quá nửa. Sinh viên Hồng Sơn nói: "Những sinh viên trẻ tuổi kia phần lớn là thi trượt đại học, còn những người lớn tuổi là cán bộ đi học lấy bằng để đủ điều kiện thăng chức". Sau giờ nghỉ giải lao lớp chỉ còn hơn nửa. Cứ mỗi lần giáo viên quay lên bảng viết, nhiều học viên ngồi bàn gần cửa lại... chuồn.

Không khí học tập bát nháo khiến nhiều sinh viên chăm chỉ cũng nản lòng. Sinh viên Tuấn Hoàng, ĐH Giao Thông Vận Tải, chán nản nói: "Cái cảnh thày dạy thày nghe, trò ở dưới nói chuyện khiến em cũng thấy không có hứng thú học. Rồi kỷ luật lớp học không có, thậm chí không bằng một lớp luyện thi đại học. Em cảm giác như mình đang đi học nhờ ở đâu đó, nhiều khi chỉ muốn bỏ".

Thuê người đi học

Để đối phó với tình trạng bỏ học, nhiều cơ sở đào tạo đã ra quy định điểm danh. Nhiều giáo viên còn có biện pháp điểm danh cuối giờ. Nhưng "vỏ quýt dày có móng tay nhọn". Các "chiêu" điểm danh hộ rồi cả thuê người học hộ ra đời. Đến ngày thi, các sinh viên hò nhau nộp tiền quỹ để nhét vào phong bì "bồi dưỡng" các giám thị, để làm lơ cho quay cóp, chép bài.ẩy "Trước mỗi kỳ thi, chúng tôi lại đóng mỗi người 30.000-50.000 đồng cho lớp trưởng bỏ phong bì bồi dưỡng thày coi thi và thày chấm thi để mọi việc được êm xuôi" Thu Hằng, một học viên trường Kinh tế tiết lộ. Hằng còn cho hay, thậm chí nhiều người trong lớp còn nhờ hoặc thuê người đi thi với giá khoảng 50-100 nghìn đồng một lần.

Để ngăn chặn tình trạng này Bộ GD&ĐT nhiều lần họp bàn, 5 bản dự thảo về quy chế đào tạo của hệ tại chức lần lượt ra đời. Song ngay lập tức đã vấp phải sự phản ứng từ chính các trường. Họ cho rằng, ngành giáo dục đang khuyến khích mở rộng các hình thức đào tạo nên không có cớ gì để đóng cửa hệ tại chức.

Lãnh đạo một đại học dân lập bật mí: "Sở dĩ các trường muốn xin chỉ tiêu đào tạo tại chức, vì hệ này sinh viên sẽ phải đóng tiền hoàn toàn. Nguồn thu từ hệ tại chức còn lớn hơn cả nguồn thu từ hệ chính quy".

Trao đổi với phóng viên VnExpress, Vụ phó Đại học và sau đại học Ngô Kim Khôi vẫn cho rằng, các lớp học hệ không chính quy nói chung và hệ tại chức nói riêng vẫn được quản lý chặt chẽ. Tuy nhiên, ông cũng cho biết trong tháng 2/2006 Bộ GD&ĐT sẽ tổ chức một hội nghị về chất lượng của các hệ đào tạo đại học không chính quy. Tại đây sẽ có những báo cáo thực tế giảng dạy của hệ đào tạo này và nếu có bất cập, hội nghị sẽ đưa ra những giải pháp hợp lý.

Ý kiến của bạn

Trịnh Vũ