Ðã 60 năm, từ kinh đô cuối cùng của chế độ quân chủ phong kiến Việt Nam, giờ đây Huế đã trở thành một thành phố du lịch và lễ hội, thơ mộng và sầm uất nổi tiếng ở miền trung, xứng đáng là một trong những "cánh cửa văn hóa" để Việt Nam giao lưu với bè bạn quốc tế. Nhưng mỗi lần ngang qua phố 23-8 trước cửa Ngọ Môn, cảm xúc thiêng liêng của thời khắc đổi đời ấy lại xốn xang...
Nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Anh, khi đó là Phó Chủ tịch Ủy ban Khởi nghĩa Thừa Thiên kể lại, tháng 8-1945, Huế là đầu não của chế độ phong kiến ở Việt Nam, là nơi tập trung lực lượng quân sự khá mạnh với gần năm nghìn quân phát-xít Nhật do tên Cố vấn tối cao Yokohama chỉ huy cùng hơn 400 tên lính Pháp và hàng nghìn lính khố vàng, khố xanh, khố đỏ của triều đình Bảo Ðại. Trong khi đó, lực lượng quần chúng ở nội thành huy động tối đa cũng chỉ có hơn hai vạn người, vũ khí lại quá thô sơ. Bởi vậy để nắm chắc thắng lợi, Ủy ban Khởi nghĩa chủ trương khởi nghĩa ở các huyện ngoại thành trước rồi dùng lực lượng này phối hợp tiến công bao vây Huế.
Từ ngày 18 đến 21-8, khởi đầu là huyện Phú Lộc rồi Phong Ðiền, Hương Thủy, Phú Vang, tiếp đến là Hương Trà, Quảng Ðiền giành được chính quyền. Chiều 21-8, đơn vị tự vệ khu vực Phú Bình đã chiếm giữ vòng ngoài của đồn Mang Cá. Sáng ngày 22-8, lực lượng tự vệ chiếm giữ đầu cầu Trường Tiền phía tả ngạn. Ủy ban Khởi nghĩa gửi tối hậu thư cho vua Bảo Ðại, yêu cầu ông ta thực hiện triệt để và báo cho đại diện quân đội Nhật biết là triều đình đã giao tất cả quyền bính quản lý quốc gia cho Việt Minh. Ðồng thời ta gửi thư cho quân đội Nhật nói rõ chủ trương của Ủy ban Khởi nghĩa là không liên quan đến họ và yêu cầu không can thiệp công việc của Việt Minh. Theo hồi ký của ông Phạm Khắc Hòe, nguyên Tổng lý Ngự tiền của triều đình nhà Nguyễn, Bảo Ðại rất hoang mang, lo sợ trước khí thế cách mạng, có ý chờ đợi sự giúp đỡ của quân đội Nhật. Nhưng khi biết Cụ Hồ Chí Minh chính là Nguyễn Ái Quốc, linh hiệu của câu sấm "Nam Ðàn sinh thánh", thì đã thở phào mà nói: "Giao quyền bính lại cho Nguyễn Ái Quốc thì ta thoái vị cũng an lòng rồi!" Ðêm đó, Bảo Ðại tuyên bố trên đài Phát thanh: "Nhường quyền lãnh đạo quốc gia cho Việt Minh". Cả bộ máy chính quyền tay sai bù nhìn gần như tê liệt, rã đám.
Sáng 23-8, hơn 15 vạn quần chúng từ các huyện ngoại thành, các phường nội thành giương cao biểu ngữ tuần hành trên các đường phố Huế. Lực lượng tự vệ làm nòng cốt cho hàng vạn quần chúng với gậy gộc, giáo mác tiến chiếm các công sở của chính quyền Trần Trọng Kim. Bốn giờ chiều 23-8, lá cờ đỏ sao vàng được kéo lên trên đỉnh kỳ đài Ngọ Môn. Tại sân vận động Huế, trước 15 vạn đồng bào, đồng chí Tố Hữu, Chủ tịch Ủy ban Khởi nghĩa tuyên bố Chính quyền đã về tay nhân dân.
Trong hồi ký của mình, cố đồng chí Trần Huy Liệu, Trưởng phái đoàn của Chính phủ lâm thời nước Việt Nam dân chủ cộng hòa kể lại rằng trên đường từ Hà Nội vào Huế chứng kiến vua Bảo Ðại thoái vị, đến địa phương nào đồng bào cũng đổ ra chật đường hoan hô. Riêng ở Thừa Thiên, từ cầu Mỹ Chánh trên đất Quảng Trị vào đến Huế dài hơn 40 km bà con đã đứng chật, hò reo. Một giờ chiều ngày 30-8, Bảo Ðại, vị hoàng đế cuối cùng của chế độ quân chủ ở Việt Nam, mặc hoàng bào bước lên lầu Ngọ Môn. Ông ta đọc chiếu thoái vị và dâng kim ấn nặng gần 10 kg vàng ròng cùng cây trường kiếm đựng trong chiếc vỏ bằng vàng nạm ngọc, tượng trưng cho quyền lực tối thượng quốc gia, cho đồng chí Trần Huy Liệu, đại diện của Chính quyền nhân dân. Tiếng reo hô dậy đất, tiếng đại bác nổ vang trời, lá cờ quẻ ly của triều đình phong kiến hạ xuống, lá cờ đỏ sao vàng năm cánh được kéo lên trong tiếng nhạc "Tiến quân ca" hùng tráng.
Ðồng chí Hoàng Anh kể lại, thành công nhất trong Cách mạng Tháng Tám ở Huế là chúng ta đã vô hiệu hóa cả một lực lượng chính trị, quân sự mạnh và phức tạp. Trong đó phải kể đến việc cảm hóa hàng ngũ quan lại, binh lính triều đình, từ chỉ huy lực lượng vũ trang đến các quan tham mưu thân cận của Bảo Ðại. Vì vậy, khi ta phát lệnh khởi nghĩa, hầu hết anh em binh sĩ đều theo cách mạng. Cả tỉnh có sáu huyện thì bốn vị trưởng huyện đã trở thành nội ứng tích cực của ta. Cũng nhờ ta vận động, quân đội Nhật án binh bất động, quân đội Pháp vẫn bị giam giữ. Và không thể không nói đến việc ta giành được chính quyền ở một "thời khắc vàng" là: phát-xít Nhật vừa đầu hàng và quân đồng minh chưa kéo đến. Riêng ở Huế, ta đi trước thực dân Pháp có... năm ngày!
Khi phát-xít Nhật đầu hàng quân đồng minh, một lực lượng lớn quân đội Pháp đã ém sát biên giới Việt - Lào để chuẩn bị nhảy vào thế chân quân Nhật ở Huế. Năm ngày sau khi chính quyền cách mạng về tay nhân dân, sáu tên Pháp được không quân Anh hậu thuẫn đã nhảy dù xuống phía bắc thành phố Huế, tìm cách liên lạc với Trần Trọng Kim, Phạm Quỳnh và lực lượng quân Pháp đang bị giam lỏng hòng cướp chính quyền từ tay Nhật. Chính quyền cách mạng huyện Hương Trà nghe nói quân đồng minh thì ngại đụng chạm, nên "hoãn binh chi kế", đưa chúng vào ở một ngôi đình rồi cho người dùng tre... rào cả làng lại. Hôm sau thức dậy, nhóm biệt kích này tìm đường vào Huế, nhưng cả ngày loay hoay giữa đám tre gai, chỉ đi được nửa km, phải quay về. Ngày thứ hai cũng không đi xa hơn được. Ðến ngày thứ ba thì chúng bỏ cuộc, ở nhà đánh điện về chỉ huy. Ta nghe được tín hiệu mooc-xơ, biết rõ âm mưu của chúng nên đã cho lực lượng ập đến tước vũ khí, đưa vào nhà giam.
Ở phía biển, một nhóm quân Pháp khác cũng được hải quân Anh hộ tống từ Hạ Long vào cửa Thuận An, đổ bộ để liên lạc với Bảo Ðại và chính phủ Trần Trọng Kim. Ta cũng lừa chúng lên bờ rồi xông ra bắt. Vậy là âm mưu của thực dân Pháp hòng liên lạc với chính phủ Trần Trọng Kim, giải vây cho hơn 400 tên lính Pháp và nhân danh quân đồng minh cướp chính quyền từ tay Nhật đã bị ta đập tan.
... Cụ Trần Vĩnh, nhà ở đường Ðinh Tiên Hoàng, bùi ngùi nhớ lại: Mười bốn tuổi, cậu phu xe đã vứt cả cái xe kéo, cần câu cơm của gần mười miệng ăn trong nhà, để chạy theo các anh tự vệ, xông vào Tòa khâm sứ, vào các dinh thự. Ba ngày sau về đến nhà cổ không nói được tiếng, cũng không biết mình đã ăn ở đâu, ngủ ở đâu. Ðến bây giờ cụ Vĩnh còn nhớ như in những bước chân đầu tiên trên các bậc tam cấp cung điện trong Ðại nội và cảm giác nửa thực nửa mơ về một thế giới tiên thần vẫn còn lưu dấu thật đậm trong ký ức của cụ đến tận bây giờ.
|