Quật khởi An Phước
Các Website khác - 17/08/2005
Ðà Nẵng có cơ sở khởi nghĩa giành chính quyền thành công ngày 16-8-1945. Ðó là tổng An Phước thuộc huyện Hòa Vang tỉnh Quảng Nam, nay là các xã Hòa Phong, Hòa Khương, Hòa Phú, huyện Hòa Vang, thành phố Ðà Nẵng.
Cho đến nay, những người tham gia cướp chính quyền tại tổng An Phước, vẫn nhớ mãi khí thế sục sôi cách mạng trong buổi sáng lịch sử ấy. 5 giờ sáng ngày 16-8-1945, hơn 5.000 người từ 16 xã trong tổng, nai nịt gọn gàng, khí giới cầm tay, rầm rập kéo về tập trung tại sân vận động An Phước, đối diện đình làng Cẩm Toại. Sau khi nghe đại biểu Mặt trận Việt Minh, thay mặt Ban khởi nghĩa huyện Hòa Vang, đọc lệnh khởi nghĩa, cả sân vận động ầm vang như sấm, hàng nghìn cánh tay nhất loạt giơ cao, đồng thanh hô vang: "Việt Minh muôn năm!" "Ðả đảo phát-xít Nhật!", "Chính quyền về tay nhân dân!". "Sau đó, đoàn người như triều dâng thác đổ, cờ đỏ rợp trời, bừng bừng khí thế, chia làm 2 hướng đi cướp chính quyền trên toàn tổng. Hướng thứ nhất theo quốc lộ 14B, ngược Hương Lam, Phú Sơn (Hòa Khương). Dẫn đầu đoàn biểu tình là các đội viên cốt cán của Mặt trận Việt Minh mang theo súng kíp, giáo gươm, quần chúng ai nấy chắc trong tay tầm vông, gậy gộc. Ði đến đâu, tiếng hô diệt cường hào ác bá, dậy một góc trời. Trước sức mạnh như vũ bão của nhân dân, bọn chánh tổng, lý trưởng tại các xã, run rẩy nộp ấn triện cho cách mạng và xin tha tội chết. Chẳng mấy chốc, chính quyền phong kiến thối nát tại các xã Cẩm Toại, Bồ Bản, Dương Lâm... sụp đổ hoàn toàn, bọn cường hào ác bá bị quản thúc tại gia. Cánh thứ hai ngược Túy Loan, vòng qua An Tân, Khương Mỹ, Nam Thành... Ðến đâu, việc tước đoạt vũ khí, ấn triện của bọn quan lại địa phương cũng diễn ra chóng vánh. Chỉ trong sáng 16-8, chính quyền phong kiến tại các làng xã thuộc tổng An Phước bị nhân dân lật đổ. Phong trào như dòng lũ, chỉ một ngày đã cuốn phăng bùn nhơ rác rưởi, người dân nghèo từ kiếp ngựa trâu nô lệ bỗng chốc thành chủ. Từ thắng lợi mang tính lịch sử này, lực lượng cách mạng ở An Phước, được trang bị vũ khí, nhanh chóng phát triển ra các khu vực lân cận.

Sáng 17-8, Ban khởi nghĩa huy động hơn 100 tự vệ do đồng chí Lê Ðình Hoàng, Nguyễn Ðoan, Lê Cử, Lê Ðình Siêu, chỉ huy, tiến chiếm đồn Bà Nà cách đó hơn 10 cây số, nơi có một trung đội lính bảo an canh giữ. Ðội quân chân đất, đầu trần, hừng hực khí thế cách mạng, chỉ có một khẩu súng lục, một khẩu súng săn, còn lại là tầm vông mã tấu, đã làm hơn 40 binh lính tại đồn này quy hàng, thu 19 khẩu súng, quân trang, quân dụng. Số vũ khí quý báu này đã được dùng trong khởi nghĩa cướp chính quyền tại huyện lỵ Hòa Vang ngày 22-8-1945.

Cụ Lê Ðình Siêu, năm nay 85 tuổi, thành viên Ban Bạo động giành chính quyền tại tổng An Phước 60 năm trước, nhớ lại:

- Tôi tham gia Việt Minh từ đầu năm 1945. Em trai tôi là Lê Ðình Hoàng cũng tham gia Việt Minh, nhưng học ở Huế. Sau ngày Nhật Pháp bắn nhau, Hoàng về An Phước và cùng tham gia trong Ban Bạo động khởi nghĩa. Thời gian đó, Mặt trận Việt Minh ở Hòa Vang lấy tên là Mặt trận Việt Minh Quế Lâm. Tại tổng An Phước, nhiều thanh niên yêu nước tham gia mặt trận. Ðồng chí Nguyễn Hữu Tú, Bí thư chi bộ Phổ Lỗ Sỹ, được trên phân công phụ trách. Ngoài phát triển lực lượng trong quần chúng, tuyên truyền chủ trương chính sách, lực lượng Việt Minh tổng An Phước còn tiến hành rèn vũ khí, luyện tập quân sự... Ðến trước ngày khởi nghĩa, lực lượng cốt cán tại các làng xã đã đông đảo, vũ khí bao gồm 1 khẩu súng kíp, hàng trăm giáo mác cất giấu tại Ðình Cẩm Toại. Ngày 15-8, đồng chí Nguyễn Hữu Tú, dự Hội nghị nắm chủ trương bạo động khởi nghĩa giành chính quyền do đồng chí Nguyễn Xuân Nhĩ, tỉnh ủy Quảng Nam truyền đạt ở Ngũ Hành Sơn. Trở về, đồng chí thành lập ngay Ban Bạo động khởi nghĩa tổng An Phước. Tôi và em trai là Lê Ðình Hoàng, cùng các đồng chí Lê Như Gia, Chế Viết Tấn, Trần Hữu Dũ là thành viên, đồng chí Nguyễn Hữu Tú chỉ huy. Ngay sau khi thành lập, ban bạo động khởi nghĩa về các xã (thôn ngày nay), cùng ban vận động khởi nghĩa tại chỗ chuẩn bị vũ khí, huy động lực lượng, sáng ngày 16-8 kéo về sân vận động An Phước. Người dân vốn căm thù bọn cường hào, địa chủ, khi được tuyên truyền giáo dục là họ giác ngộ ngay, tham gia rất hăng. Sự chuẩn bị chu đáo này, cuộc khởi nghĩa giành chính quyền trong ngày 16-8, đúng dự kiến, không hề đổ máu. Trước sức mạnh của cách mạng, nhiều tên lý trưởng chuẩn bị sẵn ấn triện, đoàn biểu tình đến là giao ngay cho lãnh đạo Việt Minh, tài sản và các loại thuế chúng bóc lột của nhân dân bị tịch thu... Ngày hôm sau tôi cùng Lê Ðình Hoàng và một số đồng chí khác chỉ huy đi đánh chiếm đồn Bà Nà và giành thắng lợi trong ngày.

Cụ Nguyễn Nhàn, trú thôn Cẩm Toại trung, năm nay 87 tuổi là người tham gia khởi nghĩa ngày 16-8-1945 kể:

- Ngày đó, tôi chỉ là quần chúng cách mạng, được Việt Minh giác ngộ. Sáng 16-8, cùng các thanh niên khác vác gậy tập trung về sân vận động An Phước. Ðến đó, từ mọi ngả nhân dân các làng xã ùn ùn kéo về. Người tầm vông, người giáo mác, khí thế bừng bừng. Sau khi nghe ông Lê Hoàng đọc 10 chính sách của Việt Minh và lệnh khởi nghĩa chúng tôi nhằm hướng nhà các lý trưởng thẳng tiến. Tôi nhớ, đến Phú Sơn, tên lý trưởng Trần Ba, mặt tái mét, run rẩy dâng ấn triện. Cán bộ Việt Minh tuyên bố hủy thuế khóa, tịch thu tài sản và bãi bỏ chế độ phong kiến... Ngày hôm sau, tôi tham gia trong đoàn tự vệ đi đánh chiếm đồn Bà Nà.

Cụ dẫn chúng tôi ra tấm bia và bức phù điêu mô tả khí thế của nhân dân An Phước ngày đó vừa được xây dựng tại sân vận động. Cụ nói, bức phù điêu ghi lại được khí thế hồi đó, duy chỉ một số chi tiết nhỏ chưa đúng, ví như gậy tầm vông vót nhọn, trên đầu buộc sợi dây thừng, mục đích là tên nào cứng cổ, chống cự thì trói. Trong bức phù điêu này, gậy tầm vông không nhọn. Ngày đó, người già cũng tham gia, nhưng là nông dân đầu trần chân đất, không có người mặc quần the áo dài, guốc mộc, chống gậy kiểu quan lại như trong bức phù điêu này. Ông cho biết thêm, ngày ra mắt chính quyền nhân dân tại sân vận động có cả đồng bào dân tộc ít người tham dự...

Cụ Dương Tuấn Kiệt cho biết:

- Ngày đó tôi mới 15 tuổi, với khí thế hừng hực như vậy cũng đi theo đoàn biểu tình. Sau đó mấy năm tôi gia nhập quân đội. Gần 50 năm theo Ðảng đi hết chiến trường này đến chiến trường khác, khi về hưu vẫn trăn trở một điều: mảnh đất Hòa Phong tuy nghèo, nhưng kiên cường bất khuất, khởi nghĩa cướp chính quyền thành công đầu tiên trên cả nước vào ngày 16-8-1945, song cho đến nay, sự kiện này chưa được sử quốc gia đề cập. Phải nói rằng, ngày đó, Chi bộ Ðảng tại An Phước rất tài tình, nhạy bén nắm bắt thời cơ, chỉ mấy Ðảng viên mà lãnh đạo nhân dân cướp chính quyền thành công, trong khi ở Hà Nội chưa khởi nghĩa. Theo tôi, sự kiện lịch sử này và vai trò những người lãnh đạo khởi nghĩa hồi đó cần có sự nhìn nhận một cách sâu sắc hơn. Ðiều trăn trở đó, thôi thúc tôi cùng các đồng chí lão thành cách mạng, thu thập tư liệu viết nên cuốn sử, để giữ mãi truyền thống kiên cường bất khuất của quê hương cho thế hệ mai sau.

Tổng An Phước ngày ấy bao gồm 16 xã (16 thôn hiện nay). Qua nhiều lần đổi tên, đến nay vùng đất đó là 3 xã Hòa Phong, Hòa Khương, Hòa Phú huyện Hòa Vang. Ðây là nơi chi bộ Ðảng Cộng sản đầu tiên ở Hòa Vang được thành lập năm 1939, tại Phú Sơn (Hòa Khương), lấy tên là Chi bộ Phổ Lỗ Sỹ. Chi bộ có 3 đảng viên gồm Nguyễn Hữu Tú, Nguyễn Như Gia, Nguyễn Lương Thúy, do đồng chí Nguyễn Hữu Tú làm bí thư. Sau đó ít lâu, Chi bộ Bánh Tổ Chiên được thành lập tại bến Suối Túy Loan cũng có 3 đảng viên, do đồng chí Lê Kỉnh, làm bí thư. Tháng 9-1942, cả chi bộ này bị địch bắt. Sau đó vì không tìm ra chứng cứ, địch thả, quản thúc tại địa phương, nên việc hoạt động rất khó khăn. Phong trào khởi nghĩa ngày 16-8, chủ yếu do Mặt trận Việt Minh thực hiện do Chi bộ Phổ Lỗ Sỹ lãnh đạo.

Với những chiến công hiển hách trong kháng chiến chống thực dân Pháp, chống đế quốc Mỹ, Hòa Phong, Hòa Khương, Hòa Phú đều được Nhà nước tuyên dương xã Anh hùng LLVTND. Hiện nay, cơ sở hạ tầng, điện đường trường trạm... vùng này đã hoàn thiện, đời sống nhân dân khấm khá, gần 100% hộ có nhà ở kiên cố, trên 70% hộ có ô-tô, xe máy... Hộ nghèo theo chuẩn cũ dưới 1%. Nơi thành lập Chi bộ Bánh Tổ Chiên, sắp tới là Trung tâm hành chính huyện Hòa Vang... Các di tích lịch sử trên địa bàn được nhân dân trân trọng và gìn giữ. Tại sân vận động An Phước, nơi tập trung hơn 5.000 người đi cướp chính quyền, sau đó làm lễ ra mắt chính quyền cách mạng, bức phù điêu ghi lại khí thế sục sôi cách mạng của 60 năm trước vừa được xây dựng... Tổng An Phước ngày đó, các xã Hòa Phong, Hòa Khương, Hòa Phú hôm nay là những địa phương đi đầu trong mọi phong trào cách mạng của huyện Hòa Vang giành nhiều thành tựu to lớn trong công cuộc đổi mới. Riêng xã Hòa Phong vừa được Thủ tướng Chính phủ tặng cờ thưởng thi đua, trong phong trào thi đua yêu nước 2000-2005...

NGUYỄN CẦU