Miền Trung: Sập nhà, lở đất, lún đường, ngập lúa
Các Website khác - 18/12/2005

(VietNamNet) - Theo báo cáo của Cục quản lý đê điều và Phòng chống lụt bão TƯ, cùng với 44 sinh mạng, các tỉnh miền Trung chịu tổn hại vật chất rất lớn bởi đợt mưa lũ diễn ra 1 tuần nay.

Soạn: AM 652867 gửi đến 996 để nhận ảnh này
Đợt mưa lũ bất thường này làm nhiều vùng nông thôn miền Trung bị ngập nặng

171 căn nhà đã sập, trôi; 335 ngôi nhà bị tốc mái siêu vẹo, hư hỏng; 4.961 ngôi nhà bị ngập trong nước; 1 trường học bị hư hỏng, ngập. Đến nay đã di dời 283 hộ gia đình thuộc các tỉnh Quảng Ngãi và Khánh Hòa.

Mưa bão cũng làm sạt lở 488.246m3 đất; 22 công trình công trình nhỏ của Bình Định bị vỡ và hư hỏng; lúa đang trỗ bị ngập và ngã đổ 3.114ha. Ngoài ra, 700ha nuôi trồng thủy sản của bà con các tỉnh Bình Định, Phú Yên và Khánh Hòa đã bị nước cuốn trôi. 15 chiếc tàu, thuyền của ngư dân Phú Yên và Khánh Hòa bị mắc cạn, chìm và mất tích.

Phú Yên: sụt lở đường gây ách tắc giao thông

Mưa lũ trong gần 1 tuần qua đã làm sụt lún tại 2 điểm trên quốc lộ 1A thuộc địa bàn xã An Dân, huyện Tuy An tỉnh Phú Yên, gây ách tắc giao thông nhiều giờ. Đặc biệt, nghiêm trọng là điểm lún tại Km 1295+50, nền đường đã bị sạt lở và lún với độ sâu từ 1,5 đến 3m, dài khoảng 100m với lượng đất sạt lở ước tính khoảng 4.000m3. Điều đáng lo ngại là nền đường tại điểm này vẫn đang tiếp tục lún sâu hơn, trung bình khoảng 10cm/1h.

Áp thấp nhiệt đới đang vào Việt Nam

Sáng 17/12, một áp thấp nhiệt đới trên quần đảo Philippin đã di chuyển vào biển Đông.

Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 (tức là từ 39 đến 49 km/giờ), giật trên cấp 6.

Hồi 13h chiều cùng ngày, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở trong khoảng 10,0 đến 12,0 độ vĩ bắc; 118,5 đến 120,5 độ kinh đông, trên khu vực nam Biển Đông. Dự báo trong 24 giờ tới, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng tây, mỗi giờ đi được khoảng 15-20 km.

Do ảnh hưởng kết hợp với không khí lạnh tăng cường nên khu vực Biển Đông (bao gồm cả quần đảo Trường Sa) có gió mạnh cấp 7 giật trên cấp 7. Biển động mạnh.

Bình Định: Hàng trăm ngôi nhà bị ngập trong nước

Bình Định là một trong những tỉnh bị ảnh hưởng lớn của đợt mưa bão này. 21.782ha lúa mới gieo sạ bị ngập trong nước, 30.500m3 đất bị sạt lở.

Trước tình hình mưa lũ gây nhiều thiệt hại trong mấy ngày qua, tỉnh Bình Định đang tập trung cho việc cứu trợ và di dời các hộ dân ra khỏi những vùng nguy hiểm. Đến nay, Bình Định đã di dời được gần 1.000 hộ dân ra khỏi vùng nguy hiểm và trợ cấp hàng chục ngàn suất thực phẩm thiết yếu cho hộ dân ở các vùng bị chia cắt do lũ lớn.

Mưa lớn đã làm đoạn đê sông Đại An tại thôn Hưng Trị, xã Cát Thắng, huyện Phù Cát bị vỡ, khiến hàng trăm ngôi nhà bị ngập trong nước nhưng do triển khai kịp thời các biện pháp ứng cứu nên không có thiệt hại về người.

Quảng Ngãi: thiệt hại nặng nề về lương thực

580 ha lương thực, giống lúa bị ướt, trôi, 11.056 ha lúa mới reo sạ chìm trong nước. Hiện Quảng Ngãi vẫn có mưa trên diện rộng kết hợp với triều cường dâng cao trong mấy ngày qua đã làm ngập lụt và sạt lở các khu dân cư. Hơn 1.500 hộ dân vùng sạt lở ven sông, ven biển thuộc các huyện Tư Nghĩa, Bình Sơn và Mộ Đức đang cần được di dời khẩn cấp

Quảng Nam: Thiệt hại sản xuất nông nghiệp không lớn

Quảng Nam là tỉnh bị thiệt hại ít hơn cả về vật chất. Một diện tích không lớn lúa đã sạ và hoa màu bị hư hại.

Khẩn trương khắc phục hậu quả

Thứ trưởng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn yêu cầu các tỉnh miền Trung bị bão lũ bằng mọi biện pháp không để người dân bị đói và hỗ trợ giống để nông dân kịp thời sản xuất vụ đông xuân.

Ngày 17/12, đoàn kiểm tra tình hình thiệt hại mưa lũ Trung ương do Thứ trưởng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Ngọc Thuật dẫn đầu đã làm việc với Ủy ban Nhân dân các tỉnh Phú Yên và Bình Định.

Phái đoàn này cùng Văn phòng Ban chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương đang tiến hành kiểm tra và chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả lũ lụt tại các tỉnh miền Trung xảy ra từ ngày 11 đến 16/12/2005.

Các tỉnh từ Quảng Nam đến Khánh Hòa đang khẩn trương khắc phục hậu quả theo phương châm nước rút đến đâu, vệ sinh môi trường và ổn định đời sống nhân dân đến đó, và tuyệt đối không để dân bị đói do thiếu lương thực.

Các tỉnh đã tổ chức thăm hỏi và hỗ trợ cho các gia đình nạn nhân bị ảnh hưởng mưa, lũ; đưa dân sơ tán trở về, huy động các lực lượng giúp dân dựng nhà tạm để ổn định cuộc sống; khắc phục các công trình giao thông, thủy lợi bị hư hỏng và có kế hoạch cung cấp giống cho nhân dân kịp gieo cấy vụ đông xuân 2005-2006.

Đợt mưa lũ trái với qui luật của thời tiết hằng năm với cường suất lũ đổ về rất mạnh đã gây ra hậu quả khá nặng nề. Theo báo cáo của Văn phòng đại diện tại miền Trung của Ban chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương, mưa lũ đã làm rất nhiều người chết trong đó riêng Khánh Hòa có tới 29 người thiệt mạng. Tính đến thời điểm hiện nay, số người chết tại Phú Yên là 9 người, tại Quảng Ngãi là 5 người, Bình Định 5 người và Quảng Nam 1 người.

Mưa lũ đã làm hơn 170 căn nhà bị sập, gần 5.300 căn nhà bị ngập, gần 45.000ha lúa bị ngập hoặc hư hại, khoảng 700 đìa tôm bị vỡ. Mưa lũ cũng làm cho 22 công trình thủy lợi bị cuốn trôi và gần 490.000m3 đất giao thông bị sạt lở.

Theo ước tính, thiệt hại ban đầu do mưa lũ tại Bình Định là 50 tỷ đồng, tại Phú Yên là 150 tỷ đồng, Khánh Hòa 85 tỷ đồng và tại Quảng Ngãi là 11 tỷ đồng.

Ủy ban Nhân dân tỉnh Phú Yên đã đề nghị Chính phủ và các ngành hỗ trợ khẩn cấp 1.650 tấn gạo cứu đói; 900 tấn lúa giống cùng kinh phí ổn định đời sống, với tổng số tiền là 43 tỉ đồng.

Tỉnh Bình Định cũng đề nghị với Trung ương trước mắt hỗ trợ gấp khoảng 25 tỷ đồng để mua các giống lúa và rau màu, thuốc phục vụ cho y tế, cứu trợ xã hội, khôi phục kênh mương, hệ thống đường giao thông và hỗ trợ dựng lại nhà cửa cho nhân dân.

  • Lệ Hà