![]() |
Ông Lê Văn Thảo. |
Rét đậm, rét hại sẽ diễn ra vào giữa tháng 12. Khả năng tuyết rơi chưa thể xác định. Miền Nam có thể bước vào mùa khô hạn nghiêm trọng. Đó là thông tin toàn cảnh về thời tiết những tháng tới được ông Lê Văn Thảo, Trưởng phòng dự báo hạn ngắn, Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn trung ương, cho biết sáng 24/11.
- Một số chuyên gia cho rằng đợt rét từ ngày 15/11 rất hiếm gặp trong 20 năm trở lại đây vì thời gian kéo dài và nhiệt độ thấp. Ông nhận định thế nào về điều này?
- Thường từ tháng 10 trở đi bắt đầu bước vào mùa đông ở miền Bắc. Tháng 11 gần chính vụ đông, rét là chuyện bình thường. Thời gian này miền Bắc chịu sự xâm nhập của các khối không khí lạnh khô ở phía Bắc, vì vậy rét khô hanh. Mỗi đợt rét thường kéo dài 5-7 ngày, có đợt 15 thậm chí 10 ngày.
Về nhiệt độ, trong chuỗi số liệu chúng tôi ghi được, trong tháng 11 có những đợt rét đậm, nhiệt độ thấp nhất ở vùng núi chỉ 3-5 độ C. Ví dụ, ngày 24/11/1971, tại Sìn Hồ (Lai Châu) chỉ âm 1 độ C. Cũng thời điểm này ở Cò Nòi (Sơn La) là 0,5 độ C, thấp nhất là Phó Bản (Tuyên Quang) âm 1,5 độ C. Ở khu vực đồng bằng, nhiệt độ nhiều nơi chỉ 5-7 độ C. Đơn cử Hà Nội ngày 25/11/1975, nhiệt độ thấp nhất trong ngày chỉ 9,2 độ C.
Đợt rét bắt đầu từ 15/11 là đợt thứ 4 trong mùa đông 2005, đến hôm nay là 9 ngày. Nhiệt độ thấp nhất cho đến hôm nay ở vùng núi cao là 7-9 độ C, ví dụ Sìn Hồ 7,7 độ C, Sapa 7,9 độ C. Riêng đồng bằng nhiệt độ khá cao, ví dụ Hà Nội là 15,3 độ C. Nếu so với các số liệu trên, đợt rét này không có gì đặc biệt, vẫn theo quy luật.
- Từ nay đến tháng 12, thời tiết ở miền Bắc sẽ như thế nào?
- Tiếp tục có những đợt rét, nhiệt độ có thể thấp hơn hiện nay. Rét đậm, rét hại (nhiệt độ trung bình ngày dưới 15 và 13 độ C) sẽ xuất hiện vào giữa tháng 12 trở đi. Năm nay đã có 4 đợt rét, vậy từ nay đến cuối mùa đông còn khoảng 10-15 đợt nữa bởi trung bình một mùa đông có 15-20 đợt. Rét chủ yếu rơi vào nửa cuối mùa đông, tức là từ tháng 1 đến tháng 3.
- Vì sao 3-4 hôm nay nhiệt độ ở miền Bắc chênh lệch rất lớn, ban ngày nắng chang chang, ban đêm lại rất rét?
- Một đợt rét thường diễn biến theo quy luật là khi không khí lạnh bắt đầu ảnh hưởng, trời nhiều mây, có mưa. Sau đó, khu vực ảnh hưởng càng nằm sâu trong khối không khí lạnh thì càng khô dần (bản chất của không khí lạnh là rất khô), trời không mưa. Càng xâm nhập sâu nữa thì trời sẽ quang mây. Khi ấy sẽ xảy ra hiện tượng ban ngày trời nắng, nhiệt độ cao. Bức xạ nhiệt của mặt đất tăng lên khiến ban đêm nhiệt độ giảm 3-4 độ so với ngày trời nhiều mây. Như vậy chênh lệch nhiệt độ trong một ngày có thể lên tới 10 độ C.
Hiện tượng này xảy ra khi có đợt không khí lạnh mạnh và thường tập trung vào nửa đầu mùa đông (tháng 10-12), thời kỳ hoạt động mạnh nhất của khối không khí lạnh ở phía Bắc và đi thẳng xuống Nam. Từ tháng 1 trở đi, không khí lạnh di chuyển ra phía Đông, biến tính dần và mang hơi ẩm từ biển vào đất liền nên trời nhiều mây, mưa phùn.
- Nam Bộ đang vào mùa khô, nhưng mấy hôm nay lại bắt đầu lạnh, đây có phải là điều bất thường không thưa ông?
- Đợt không khí lạnh mạnh có khả năng ảnh hưởng sâu xuống Nam Trung Bộ, làm khuếch tán gió Tín Phong ở Nam Bộ hoạt động mạnh lên. Gió có hướng Đông Bắc, tức là thổi từ vùng lạnh sang vùng nóng, làm nhiệt độ giảm đi vài độ, trời hanh khô, ít khả năng mưa. Vì thế, buổi sáng ở Nam Bộ người dân cảm nhận được sự se se lạnh, mặc dù không phải ảnh hưởng trực tiếp của gió mùa Đông Bắc.
- Sương mù thường xuất hiện trong mùa đông gây khó khăn cho giao thông. Ông dự báo thế nào về khả năng xuất hiện sương mù năm nay?
- Có hai loại, sương mù bức xạ và sương mù bình lưu. Trong nửa đầu mùa đông, không khí khô, trời quang mây, bức xạ nhiệt tăng, bề mặt đệm lạnh đột ngột làm cho hơi nước từ mặt đất bốc lên bị ngưng tụ, tạo thành sương mù bức xạ. Đặc điểm của sương mù bức xạ là không dày đặc, xuất hiện vào sáng sớm, khi mặt trời lên thì tan ngay.
Sương mù bình lưu rơi vào cuối mùa đông (tháng 2-3) do hơi nước từ ngoài biển đi vào đất liền, gặp không khí lạnh của bề mặt đệm làm ngưng tụ. Đặc điểm là sương mù dày đặc, kéo dài, có kèm theo mưa phùn. Trời rét buốt, chứ không rét hanh khô như nửa đầu mùa đông.
- Vậy liệu mùa đông năm nay có hiện tượng tuyết rơi không?
- Việt Nam rất hiếm khi có tuyết. Nếu có chủ yếu ở vùng núi cao như Sapa, Mẫu Sơn. Tuyết hay xảy ra vào cuối mùa đông, đầu mùa xuân, trong những đợt không khí lạnh mạnh, gây rét đậm, rét hại. Khi có tuyết, nhiệt độ chỉ 1-2 độ C, độ ẩm không khí rất cao.
Dự báo tuyết mùa đông năm nay là rất khó, vì theo dự báo chung thì nền nhiệt độ ấm hơn bình thường.
- Theo ông, bao giờ thì Trung Bộ chấm dứt mùa mưa lũ?
- Trung Bộ năm nào cũng vậy, mùa đông trùng với mùa mưa. Ví dụ, đợt không khí lạnh vừa rồi gây mưa ở Trung Bộ, lượng mưa lên tới 400-500 mm. Từ nay đến đầu sang năm, Trung Bộ cần đề phòng mưa lũ. Đặc biệt, những tháng cuối năm, người dân khu vực này cần cảnh giác với hoạt động của không khí lạnh kết hợp với hệ thống thời tiết khác như: dải hội tụ nhiệt đới, áp thấp nhiệt đới, bão. Một đợt mưa trong trường hợp có sự kết hợp này có thể kéo dài 1 tuần, tổng lượng mưa lên đến 1.000-1.400 mm.
- Ông dự báo thế nào về tình hình khô hạn của Nam Bộ?
- Từ tháng 10, Nam Bộ bước vào mùa khô. Tuy nhiên, thời gian đầu tháng 10-11, khu vực đồng bằng sông Cửu Long vẫn có lũ, có mưa. Khô hạn chỉ thực sự bắt đầu từ tháng 12 và kéo dài hết tháng 3, trời không mưa, hạn hán và xâm nhập mặn.
Năm nay, các tỉnh Nam Bộ, Nam Trung Bộ, Tây Nguyên cần đề phòng khô hạn nghiêm trọng bởi những năm vừa rồi, tổng lượng mưa trên lãnh thổ Việt Nam thiếu hụt so với trung bình nhiều năm.
Như Trang thực hiện
▪ Khai mạc Ngày hội Di sản văn hoá Việt Nam (21/11/2005)
▪ Một nhà sưu tầm tâm huyết với hiện vật văn hóa Tây Nguyên (23/11/2005)
▪ Trường hợp đầu tiên nhiễm cúm H5N1 ở Hải Phòng (22/11/2005)
▪ Cảnh báo về chất lượng thuốc đông dược (22/11/2005)
▪ Gà quý Ðông Tảo trước đại dịch cúm gia cầm (23/11/2005)
▪ Việt Nam đạt nhiều thành tựu lớn trong công cuộc đổi mới (22/11/2005)
▪ Về cuộc đấu tranh chống tham nhũng ở nước ta hiện nay (22/11/2005)
▪ "Cải" nhưng chưa... "tiến" (23/11/2005)
▪ Nắm vững bài học của 20 năm đổi mới (23/11/2005)
▪ Bộ Công an sửa sai (23/11/2005)