* Thưa Tiến sĩ, ông nghĩ sao về mức độ hài lòng của người dân vùng nông thôn với công cuộc đổi mới?
- Theo tôi, đặt ra câu hỏi người nông dân hưởng lợi thế nào từ đổi mới thật ra là không thỏa đáng. Xét sâu xa, quá trình đổi mới ở Việt Nam bắt nguồn từ những bức xúc của người nông dân trong việc không được tiếp cận đất đai, không được phát huy năng lực canh tác dẫn đến thảm họa đói nghèo mà Việt Nam đã trải qua.
Từ thực tiễn lao động và từ nhu cầu bức xúc của người nông dân, Chính phủ đã triển khai các cải cách trong lĩnh vực sản xuất và tiêu thụ lương thực, là điểm khởi đầu cho các cải cách trong các lĩnh vực khác diễn ra sau này. Nói đúng ra, chính những người dân ở thành thị phải cảm ơn những người nông dân đã đi đầu trong đổi mới. Những gì mà tôi tìm hiểu được từ thực tế vùng thôn quê của Việt Nam là vai trò của các chính sách không lớn như nhiều người vẫn nghĩ. Người nông dân vẫn thường tự bươn chải nhờ đức tính kiên nhẫn, năng động và tinh thần “tự lo”.
Việt Nam tự hào đã vươn lên thành một nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới. Bên cạnh đó, báo chí Việt Nam hằng ngày đưa rất nhiều tin về việc tăng sản lượng xuất khẩu nhiều mặt hàng nông sản. Thế nhưng những con số này không cho biết nhiều về thực tế kết quả cải thiện đời sống của người dân ở địa phương. Kỳ thực thì thu nhập ở nông thôn đang giảm đi so với thu nhập ở thành thị. Bây giờ, vấn đề “no bụng” không phải là vấn đề của người nông dân mà nhiều vấn đề khác nóng bỏng hơn như ít khả năng tiếp cận dịch vụ y tế, nợ nần, mất đất, bỏ học...
 Tới Việt Nam lần đầu mười bốn năm trước, nói tiếng Việt giọng đặc sệt Nam Bộ, Tiến sĩ “Hai Lúa” Philip Taylor có cách nhìn sắc sảo về đời sống nông thôn và những thách thức đối với người nông dân tại Việt Nam. Bài tham luận dài 43 trang của ông chủ đề “Thịnh vượng trong đa dạng - chiến lược đa phương cho phát triển nông thôn Việt Nam” được hoan nghênh rộng rãi tại hội thảo tổng kết 20 năm đổi mới ở Việt Nam vừa diễn ra tại Hà Nội. |
* Nông dân nhiều nơi phản ứng vì mất đất, trong khi cơ hội nghề nghiệp hầu như không có trong quá trình đô thị hóa. Tình trạng này phải chăng đáng báo động?
- Chừng nào người nông dân thấy họ còn kiếm được lợi nhuận trên mảnh đất của họ, chừng ấy họ còn giữ đất để canh tác. Thế nhưng khi thấy cơ hội kiếm tiền từ công việc khác nhiều hơn, họ có thể bán đất để chuyển sang công việc khác như đi buôn hay làm thuê. Đó là quyết định của riêng họ. Nhưng cũng có nguy cơ là khi người nông dân không quan tâm tới nông nghiệp nữa, họ bỏ ruộng và mặc môi trường xuống cấp. Về phản ứng của người nông dân khi mất đất, tôi nghĩ chủ yếu do giá đền bù không thỏa đáng. Vấn đề là họ ít có cơ hội để cất lên tiếng nói của mình trong các cuộc thương thuyết với chính quyền.
* Ông gợi ý những chính sách nào?
- Thứ nhất là tạo cơ hội cho sự đa dạng. Đa dạng ở đây không phải là chuyển từ trồng gạo sang nuôi gà và nuôi cá. Đa dạng là tạo cơ hội cho người nông dân vừa duy trì hình thức vườn, ao, chuồng để bảo vệ tính bền vững của môi trường, vừa tham gia các lĩnh vực khác như chế biến, dịch vụ và tự do di chuyển tìm việc làm phù hợp.
Thứ hai, Việt Nam nên chú trọng đến chất lượng nông sản nhiều hơn là về mặt số lượng như hiện giờ. Việt Nam có rất nhiều sản vật, đặc sản theo tôi có tiềm năng trở thành các mặt hàng hấp dẫn trên thị trường quốc tế. Cần gìn giữ các bí quyết, tiếp thị hiệu quả cộng thêm công nghệ để đáp ứng các tiêu chuẩn vệ sinh quốc tế.
* Cảm nhận của riêng ông về người nông dân Việt Nam?
- Người nông dân Việt Nam hiểu rất rõ các vấn đề của mình. Có thể họ không cần biết toàn cầu hóa là gì nhưng các vấn đề liên quan tới cuộc sống của họ thì họ biết rất rõ. Chính vì vậy trong một gia đình ở nông thôn Việt Nam hiện nay ta thấy tồn tại sự đa dạng. Một người có thể vẫn làm ruộng, một người di cư tới nơi khác lập nghiệp, một người làm việc trong chính quyền, một người làm việc buôn bán nhỏ.
* Xin cảm ơn ông.
|